Ngành Thương mại điện tử: Rộng cửa cơ hội việc làm

GD&TĐ - Theo PGS.TS Đỗ Quang Giám-Trưởng khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Thương mại điện tử rất rộng mở và có thể làm việc ở nhiều vị trí khác nhau.

Một tiết học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam dưới sự hướng dẫn của ThS Nguyễn Trọng Tuynh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: HVCC
Một tiết học của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam dưới sự hướng dẫn của ThS Nguyễn Trọng Tuynh - thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: HVCC

PGS.TS Đỗ Quang Giám - Trưởng khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chương trình đào tạo cử nhân ngành Thương mại điện tử được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực còn khá mới mẻ và đầy tiềm năng này ở Việt Nam cũng như quốc tế.

Đồng hành với những thách thức, khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh covid-19, giai đoạn 2020-2021 Việt Nam chứng kiến nhiều chuyển biến tích cực từ thói quen mua sắm, kinh doanh trực tuyến của cộng đồng người tiêu dùng và doanh nghiệp trong cả nước, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử bán lẻ năm 2020 ổn định ở mức 18%, với doanh thu bán lẻ đạt 11,8 tỷ USD.

Báo cáo Facebook cuối tháng 6/2021 cho thấy, mua sắm qua thương mại điện tử sẽ trở thành xu hướng tiêu dùng mới thay vì chỉ là hình thức đối phó trong thời dịch.

Theo PGS.TS Đỗ Quang Giám, cơ hội việc làm của cử nhân ngành Thương mại điện tử rất rộng mở do sự phát triển mạnh mẽ của thị trường Thương mại điện tử và sự gia tăng đầu tư của nhiều doanh nghiệp vào loại hình kinh doanh “hái ra tiền” này.

Với những kiến thức và thế mạnh về xây dựng chiến lược kinh doanh, kỹ năng nghiệp vụ liên quan trong lĩnh vực công nghệ, tin học, ngoại ngữ, sinh viên tốt nghiệp ngành Thương mại điện tử có thể dễ dàng có việc làm tại các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước.

Việt Nam lọt vào Top 6 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới (Infographic của Boxme)

Việt Nam lọt vào Top 6 thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới (Infographic của Boxme)

Cử nhân ngành Thương mại điện tử có thể làm việc tại nhiều vị trí như: Khởi nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử; Chuyên viên xây dựng, quản lý và điều hành hệ thống giao dịch thương mại và kinh doanh trực tuyến: Giám đốc thông tin (CIO), Giám đốc E-Marketing…

Chuyên viên kinh doanh trực tuyến tại các công ty thương mại điện tử; Chuyên viên kinh doanh các hoạt động truyền thông quảng cáo online; Chuyên viên phân tích sự phát triển của thương mại điện tử; quản lý hiệu suất của hoạt động thương mại điện tử; phụ trách việc quản lý các website thương mại điện tử của công ty.

Chuyên viên tư vấn tại các công ty cung cấp giải pháp quản trị doanh nghiệp thương mại điện tử, xây dựng và bảo trì hệ thống công nghệ thông tin phục vụ các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Chuyên viên thực hiện các hoạt động phát triển phần mềm, thiết kế website, gia công phần mềm tại các công ty phần mềm; Giảng viên ngành Thương mại điện tử. Cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước chuyên quản lý hoặc ứng dụng thương mại điện tử.

Sinh viên khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh đi thực tế tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Binh Seed - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Sinh viên khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh đi thực tế tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thai Binh Seed - thời điểm chưa có dịch Covid-19.

Thí sinh có thể đăng ký ngành Thương mại điện tử của Học viện Nông nghiệp Việt Nam theo các tổ hợp xét tuyển và phương thức sau:

Mã trường

nhóm ngành

Tổ hợp tuyển sinh

Phương thức tuyển sinh

HVN

HVN20

A00: Toán, Vật lí, Hóa học

A09: Toán, Địa lí, Giáo dục công dân

C20: Ngữ văn, Địa lí, Giáo dục công dân

D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh

- Tuyển thẳng: theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo quy định của Học viện;

- Xét học bạ lớp 11 hoặc lớp 12: Ba môn trong tổ hợp xét tuyển >=18 điểm;

- Xét điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021: theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ