Mô hình Công viên thu nhỏ trong trường mầm non: Không khó để nhân rộng

GD&TĐ - Từ tháng 3/2019, 4 trường mầm non tại huyện Bình Chánh (TPHCM) đã triển khai thí điểm chuyên đề Xây dựng môi trường thiên nhiên trong tổ chức hoạt động và tăng cường vận động cho trẻ. Theo đó, khoảng sân vườn trường đã được “hô biến” thành một công viên thu nhỏ để trẻ thỏa sức khám phá, vừa học vừa chơi.

“Công viên” ngay tại Trường MN Hoa Anh Đào giúp trẻ tăng cường vận động, được thiết kế với bàn tay khéo léo của các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường
“Công viên” ngay tại Trường MN Hoa Anh Đào giúp trẻ tăng cường vận động, được thiết kế với bàn tay khéo léo của các cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường

Tạo môi trường cho trẻ tăng cường vận động

Trên bãi cỏ rộng xanh mướt của vườn trường Trường MN Hoa Anh Đào (xã Tân Nhựt), một nhóm trẻ đang cùng nhau thu hoạch rau, nhóm khác chơi xúc cát, trượt cát, có nhóm trượt cỏ, chơi đá banh hay nhảy sạp. Một vài trẻ lại thích tham gia trò chơi vận động, trèo cây, nhảy bao bố hay tưới cây… Tất cả các khu vui chơi, vận động với nhiều trò chơi của trẻ được bố trí hợp lý trên khoảng diện tích với 3.600 mét vuông.

Tương tự, tại Trường MN Hoa Phượng Hồng (xã Vĩnh Lộc A), với hơn 2.000 mét vuông khuôn viên vườn trường, trò chơi vận động được thiết kế phù hợp với từng lứa tuổi mầm, chồi, lá. Ấn tượng nhất vẫn là các em được cầm nơm bắt cá, gặt lúa với cô giáo, thu hoạch cải, thi ai đẩy nhanh cột rơm và dưới vòi phun nước, các em có thể nô đùa, nhảy theo tiếng nhạc…

Cô Nguyễn Thanh Xuân, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Phượng Hồng đánh giá: Ngoài tăng cường vận động, giúp trẻ phát triển thể chất, lẫn tinh thần, mô hình còn tạo không gian cho cô và trẻ gắn bó với nhau hơn, tạo sự thoải mái trong việc chăm sóc trẻ…

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Anh Đào cho biết, mô hình đã phát huy được sự sáng tạo của các giáo viên, các cô không bị ràng buộc, lệ thuộc vào giờ giấc, tự lên chuyên đề, có thể cùng con chơi trò chơi ngoài sân vườn, kể chuyện cho con ở không gian mở… Mỗi người đều có một ý tưởng riêng phù hợp với đối tượng nuôi dạy của mình.

Trẻ tham gia trò chơi tại Trường MN Hoa Phượng Hồng
Trẻ tham gia trò chơi tại Trường MN Hoa Phượng Hồng 

Điều quan trọng là bảo đảm an toàn cho trẻ

Sau khi thực hiện thí điểm mô hình nói trên tại 4 trường MN ở huyện Bình Chánh gồm: Hoa Phượng 1, Hoa Phượng Hồng, Hoa Anh Đào, Hoa Mai, dự kiến năm học 2019 - 2020, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ triển khai thêm tại một số trường ở quận 9, quận 12, huyện Cần Giờ và Nhà Bè và dần dần có thể nhân rộng ra các quận nội thành.

Theo bà Điệp, để mô hình này được triển khai phụ thuộc nhiều yếu tố. Điều đầu tiên đó là sự chủ động, sáng tạo của người đứng đầu nhà trường, để làm sao huy động được toàn bộ giáo viên, nhân viên nhà trường đồng thuận, hào hứng, chung tay tham gia. Đặc biệt, sự hỗ trợ của mạnh thường quân, sự đồng thuận của quý phụ huynh là điều góp phần làm nên thành công khi xây dựng mô hình này.

Nói về lý do đưa chuyên đề trên thực hiện thí điểm tại một số cơ sở GD mầm non trên địa bàn, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Mầm non Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: “Sau khi lãnh đạo phòng MN, hiệu trưởng một số trường được tham quan mô hình trường học MN tại Nhật Bản, chúng tôi thấy giáo dục MN ở Nhật đặc biệt chú trọng đển sự vận động cho trẻ ở ngoài trời, gắn với thiên nhiên, kết hợp với việc tắm nắng… để giúp trẻ phát triển toàn diện.

Và qua tìm hiểu, việc đầu tư các khu vui chơi, vận động ngoài trời cũng không quá cầu kỳ, không tốn nhiều kinh phí. Ở TPHCM hoàn toàn có thể triển khai tốt mô hình này, nên Phòng MN Sở GD&ĐT đã học hỏi, vận dụng sáng tạo cách làm của họ để lên chuyên đề triển khai thí điểm mô hình tại huyện Bình Chánh trong học kỳ 2 năm học vừa qua”.

Trẻ tham gia thu hoạch rau tại Trường MN Hoa Phượng Hồng
Trẻ tham gia thu hoạch rau tại Trường MN Hoa Phượng Hồng 

Đồng quan điểm nói trên, cô Ngọc Hương, Hiệu trưởng Trường MN Hoa Anh Đào chia sẻ: “Khi nhà trường triển khai, các giáo viên trong trường ai cũng tham gia nhiệt tình. Với sân vườn rộng, khu vui chơi rộng, việc chăm sóc dọn dẹp đều do chính bàn tay của cán bộ, giáo viên nhân viên, trường không hề thuê người làm. Chưa kể, trường chia sẻ, tuyên truyền cho phụ huynh về mô hình này, họ rất ủng hộ. Có người cho vài xe cát, xe đất, có người cho vỏ lốp xe hỏng”.

Đối với việc nhân rộng mô hình ở nhiều cơ sở GD mầm non khác, theo Phòng Giáo dục Mầm non Sở GD&ĐT TPHCM, tùy vào diện tích, quy mô của từng trường mà các trường tìm ra những giải pháp hợp lý nhất có thể. Điều này phụ thuộc vào sự sáng tạo, tìm tòi của người đứng đầu nhà trường. Ví dụ trường nào rộng,vẫn chưa bê tông hóa hết thì trồng cỏ thật. Trường nào bê tông hóa nhiều (nội thành), thì có thể làm cỏ nhân tạo, tận dụng các khoảng trống để thiết kế các trò chơi phù hợp, diện tích hạn chế thì sắp xếp thời gian chơi hợp lý giữa các lớp…

Nhiều trường khi triển khai chắc chắn sẽ còn những băn khoăn về kinh phí thực hiện. Tuy nhiên, theo chia sẻ kinh nghiệm của các trường, việc mua sắm đồ chơi ngoài trời, đồ chơi vận động không tốn kém như các trò chơi thông thường, mà quan trọng là không gian cho trẻ. Ngoài ra, các trường cũng có thể tận dụng thêm các đồ chơi cũ, tận dụng đồ tái chế để làm các trò chơi...

“Một điều quan trọng chúng tôi luôn lưu ý các trường khi triển khai phải đặt lên hàng đầu đó là đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho trẻ. Dù mô hình có hay, có hiệu quả, sáng tạo đến bao nhiêu, thì sự an toàn cho trẻ là điều quan trọng nhất. Khi trẻ được chơi, được học, được vận động trong môi trường trong lành, an toàn… trẻ sẽ cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui” - bà Hồng Điệp nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.
AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

AFC khen cổ động viên U23 Indonesia

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) hết lời khen ngợi Indonesia sau khi gây địa chấn hạ Hàn Quốc để vào bán kết U23 châu Á 2024.