Kon Tum đưa giải pháp thực hiện Thông tư 30 thống nhất trên toàn tỉnh

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Kon Tum yêu cầu cuối năm học 2014 - 2015, từng cụm trường, phòng GD&ĐT tổ chức đánh giá thực hiện Thông tư 30. 

Kon Tum đưa giải pháp thực hiện Thông tư 30 thống nhất trên toàn tỉnh

Trong đó, tập trung phân tích tồn tại trong quán lý, chỉ đạo và thực hiện của giáo viên; thống nhất những vấn đề liên quan đến quy định này trên địa bàn toàn tỉnh, không để tình trạng thực hiện mỗi nơi một khác.

Nhận xét hàng tháng: Không nặng nề việc ghi chép

Vấn đề ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ học bạ, Sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên chủ nhiệm ghi nhận xét hàng tháng của từng học sinh (HS) thông qua sổ theo dõi chất lượng giáo dục (CLGD) của giáo viên (GV) phân môn, hoặc trao đổi trực tiếp với GV phân môn về những HS có "vấn đề"" cần lưu ý.

Mục đích lời nhận xét thường xuyên hàng tháng, chủ yếu để GV nhớ, lưu ý về kiến thức, kĩ năng, năng lực và phẩm chất của HS lớp đó; đồng thời để CBQL tiện kiểm tra, theo dõi biện pháp của GV tác động đối với HS từng tháng như thế nào, sự tiến bộ của HS ra sao qua từng tháng.

Tuy nhiên, để theo dõi vấn đề này, CBQL thực hiện nhiều kênh và các hình thức khác nhau, cần giao sự chủ động cho GV, không quá nặng nề việc ghi chép mang tính hình thức, đối phó. Điều quan trọng nhất là GV phải minh chứng được những sản phẩm của HS.

Thống nhất chung sổ theo dõi CLGD

Sổ theo dõi CLGD dùng cho GV chủ nhiệm lớp thống nhất chung như sau: Tháng thứ nhất là tháng 8 (dù thời gian chỉ học 1 tuần hoặc 10 ngày), GV không nhất thiết phải ghi nhận xét đầy đủ 3 nội dung (a, b, c).

Tháng thứ hai (tháng 9) ghi lời nhận xét (a, b, c) cụ thể, chi tiết. Tháng thứ 3, 4, (tháng 10, 11), có thể không nhất thiết ghi cụ thể từng HS, từng mặt (chỉ ghi những HS có “vấn đề” cần quan tâm, lưu ý về một trong ba mặt).

Tháng thứ 5 (tháng 12), có thể ghi lời nhận xét cụ thể để kết hợp ghi lời nhận xét học kỳ I vào sổ học bạ. Tháng thứ 6, 7 (tháng 1, 2) là đầu học kỳ II, GV cần ghi cụ thể và tháng thứ 8, 9 (tháng 3, 4) có thể thực hiện như tháng thứ 3, 4. Tháng thứ 10 (tháng 5), có thể ghi nhận xét cụ thể để kết hợp làm cơ sở ghi học bạ cuối năm.

Riêng những HS cuối năm học chưa hoàn thành chương trình lớp học, có thể lập danh sách theo dõi riêng.

Ghi nhận xét tháng/học kỳ, GVCN phải kết hợp, trao đổi thống nhất với GV bộ môn (tránh có sự mâu thuẫn trong nhận xét).

Đối với sổ theo dõi CLGD của GV bộ môn, do phần nhận xét thường xuyên của môn học, hoạt động giáo dục (kiến thức, kĩ năng), năng lực, phẩm chất, mỗi HS chỉ có 1 dòng, nên GV chủ yếu ghi chép những điều đặc biệt cần lưu ý đề tìm biện pháp hỗ trợ HS ở tháng tiếp theo (những gì hàng ngày, hàng tuần đã giải quyết không nên ghi lại).

Riêng với GV dạy cùng 1 lớp đối với 2 - 3 phân môn, trong nhận xét không nhất thiết ghi từng môn, từng HS, chỉ ghi những điều đáng lưu ý của môn học đó đối với những HS có “vấn đề” cần lưu ý.

Việc ghi lời nhận xét từng tháng đối với HS, thực hiện như GVCN lớp. Nếu từng lớp có số lượng HS nhiều, GV chỉ ghi nhận xét những HS có “vấn đề”. HS còn lại có thể ghi “tiếp thu bài tốt”; “đạt yêu cầu”; “chưa đạt...”; “có khả năng...”, nhằm giảm bớt thời gian, công sức của GV.

GV ghi học bạ từng HS phải cụ thể, dùng từ ngữ chuẩn xác, phản ánh được khả năng từng môn học, các năng lực và các phẩm chất của từng HS để HS chuyển trường hoặc kết thúc năm học, lên lớp (cấp) học trên, GV khác có cơ sở theo dõi và tiếp tục có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ HS.

Đồng thời, kết hợp với các sản phẩm của HS là minh chứng để phụ huynh nắm được việc học tập, rèn luyện của con em mình.

GVCN lớp ghi các nội dung vào sổ học bạ cần có sự trao đổi với GV bộ môn.

Mở rộng đối tượng học sinh được tuyên đương, khen thưởng

Cuối học kỳ I và cuối năm học, GVCN hướng dẫn HS bình bầu những HS đạt thành tích nổi bật hay có sự tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích đột xuất khác.

Tùy theo điều kiện mỗi trường, Hiệu trưởng sẽ quyết định về nội dung, số lượng HS được khen thưởng. Hiệu trưởng không nên tính bình quân tỷ lệ phần trăm từng lớp, khối lớp.

Tuy nhiên, để động viên, khuyến khích HS, Hiệu trưởng cần mở rộng đối tượng và số lượng HS được khen thưởng, song cũng không nên khen thưởng “tràn lan” với số lượng quá nhiều và khen thưởng không đúng đối tượng sẽ làm mất tác dụng động viên và tạo sự ỷ lại trong việc cố gắng rèn luyện vươn lên của HS.

Nội dung khen thưởng ghi cụ thể trong giấy khen: Thành tích nổi bật hay có tiến bộ vượt bậc về một trong ba nội dung đánh giá trở lên, đạt thành tích nổi bật trong các phong trào thi đua hoặc thành tích xuất sắc khác. Không có danh hiệu HS giỏi, HS tiên tiến.

Tùy thực tế, giấy khen (quyết định tuyên dương) có thể ghi, ví dụ: Hoàn thành xuất sắc (tốt) kết quả học tập, rèn luyện và các hoạt động giáo dục năm học 2014 - 2015;

Hoàn thành tốt (xuất sắc) nội dung học tập các môn học trong năm học 2014 - 2015; có nhiều thành tích về việc rèn luyện các năng lực và phẩm chất trong năm học 2014 - 2015;

Có nhiều thành tích về việc rèn luyện các phẩm chất (năng lực) trong năm học 2014 - 2015; có nhiều tiến bộ về việc rèn luyện các phẩm chất trong năm học 2014 - 2015;

Hoàn thành tốt (xuất sắc) nội dung học tập môn tiếng Anh và Âm nhạc trong năm học 2014 - 2015; có ý thức và trách nhiệm cao về tự phục vụ và tự quản trong năm học 2014 - 2015;

Luôn nhiệt tình giúp đỡ bạn trong học tập; có sáng tạo, say mê trong học tập môn Mỹ thuật; có nhiều thành tích trong phong trào thể dục, thể thao (văn nghệ) của nhà trường năm học 2014 - 2015; đạt giải nhất hội thi viết chữ đẹp cấp trường năm học 2014 - 2015...

Lưu ý đánh giá định kỳ kết quả học tập

Đánh giá cuối học kỳ I và cuối năm học các môn Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, tiếng Dân tộc bằng bài kiểm tra định kỳ.

Tỷ lệ số câu, số điểm theo các mức và hình thức câu hỏi trong đề kiềm tra (trắc nghiệm khách quan, tự luận, hình thức khác) do Hiệu trưởng quyết định, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, gồm các câu hỏi, bài tập được thiết kế theo ba mức độ nhận thức, phù hợp với đối tượng HS: Nhận biết, tái hiện và giải quyết các tình huống.

Mặc dù không xem nặng đánh giá bằng điểm số, nhưng qua kết quả đánh giá định kỳ của từng HS, GV phải điều chỉnh hoạt động dạy học, tăng cường phân loại HS theo nhóm đối tượng về kiến thức và các kỹ năng để có các biện pháp hỗ trợ HS kịp thời.

Trong trường hợp cuối năm học, HS đạt điểm dưới 5 một trong các môn học trên, GV có trách nhiệm tiếp tục giúp đỡ, tổ chức kiểm tra đánh giá lại (cần linh hoạt, không quy định mấy lần kiểm tra); tùy mức độ chưa hoàn thành, GV báo cáo với Hiệu trưởng xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp đối với HS.

Cuối học kì, cuối năm học, GVCN phải có sự trao đổi trực tiếp với GV bộ môn để có nhận xét thỏa đáng, phản ánh cụ thể quá trình và kết quả học tập, hoạt động giáo dục khác và về năng lực, phẩm chất của từng HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các xạ thủ phòng không Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới 93.

Tham nhũng khiến binh sĩ vỡ trận?

GD&TĐ - Theo chuyên gia Vadim Kozyulin, nạn tham nhũng đang đẩy nhanh cuộc rút lui của quân đội Ukraine hơn là tình trạng thiếu vũ khí hiện nay.