Không còn sổ hộ khẩu, tuyển sinh đầu cấp thế nào?

GD&TĐ - Từ ngày 1/7, Luật Cư trú 2020 chính thức có hiệu lực, việc thay đổi phương thức quản lý cư trú từ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sang số hóa liệu có ảnh hưởng đến tuyển sinh vào các lớp đầu cấp?

Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) ứng dụng CNTT để tuyển sinh trực tuyến.
Trường Tiểu học Ngọc Hà (quận Ba Đình) ứng dụng CNTT để tuyển sinh trực tuyến.

Băn khoăn làm thủ tục nhập học

Năm học 2021 – 2022, Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào nhà trẻ khoảng 145.000 trẻ; mẫu giáo khoảng 483.000 trẻ; lớp 1 xấp xỉ 158.940 học sinh; gần 130.633 học sinh vào lớp 6. Phương thức xét tuyển theo tuyến do UBND các quận, huyện, thị xã quy định. Thời gian tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp diễn ra từ 1 - 18/7.

Những năm trước, sổ hộ khẩu hoặc tạm trú là một trong những thủ tục cần thiết khi học sinh nộp hồ sơ nhập học. Vì vậy, Luật Cư trú chính thức có hiệu lực với quy định mới về sổ hộ khẩu, nhiều phụ huynh băn khoăn sẽ thực hiện thủ tục nhập học cho con tại trường thế nào?

Chị Nguyễn Thu Mai (quận Tây Hồ, Hà Nội) băn khoăn: Được biết, sau khi hoàn tất đăng ký tuyển sinh trực tuyến, phụ huynh học sinh phải mang các giấy tờ cần thiết, trong đó có hộ khẩu thường trú đến trường thủ tục nhập học. Không biết sắp tới, việc nhập học sẽ thế nào nếu hộ khẩu giấy không còn?

Cũng như vậy, anh Vũ Văn Bắc (huyện Gia Lâm, Hà Nội) đặt vấn đề: Chúng tôi sẽ phải “chứng minh” hộ khẩu thường trú theo hình thức nào để con được nhập học đúng tuyến quy định trên địa bàn?

Tạo điều kiện thuận lợi nhất đón học sinh đến trường.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất đón học sinh đến trường.

Chờ hướng dẫn 

Bà Nguyễn Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm cho biết: Những năm trước, việc tuyển sinh vào các lớp mầm non, lớp 1, lớp 6 đều yêu cầu có hộ khẩu thường trú khi làm thủ tục nhập học. Trước việc quản lý dân cư chuyển từ sổ hộ khẩu giấy sang hộ khẩu điện tử, ngành Giáo dục phải chờ hướng dẫn cụ thể kế hoạch tuyển sinh năm học 2021 - 2022 từ Sở GD&ĐT Hà Nội để xây dựng kế hoạch tuyển sinh cụ thể trên địa bàn. Dù có thay đổi thế nào về thủ tục, phòng vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh khi đăng ký tuyển sinh và làm thủ tục nhập học.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên, Hà Nội) - cô Hứa Thu Huyền, bỏ hộ khẩu giấy sẽ không gây xáo trộn công tác tuyển sinh lớp 1 của nhà trường. Công tác tuyển sinh vẫn thực hiện theo phân tuyến tuyển sinh. Căn cứ vào số chỗ học, UBND phường sẽ lập danh sách học sinh cho năm học mới rồi gửi cho các trường. Nhà trường căn cứ theo đó để tổ chức tuyển sinh. Hơn nữa, được biết sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022, nên trường sẽ chờ hướng dẫn cụ thể từ quận để tuyển sinh lớp 1 đúng quy định.

Thầy Đặng Việt Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) nhận định: Không có sổ hộ khẩu giấy thì có cơ sở dữ liệu về cư trú điện tử nên việc tuyển sinh theo tuyến không bị ảnh hưởng. Hà Nội cũng đã triển khai tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến từ vài năm học gần đây, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, giảm bớt thủ tục hành chính. Tuy nhiên, việc thay đổi thủ tục như thế nào vẫn phải có hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.