Học sinh miền núi Điện Biên với những sáng tạo phòng chống Covid-19

GD&TĐ - Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Điện Biên diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Đây cũng là vấn đề được nhiều học sinh lựa chọn đưa vào các sản phẩm sáng tạo mang đến dự thi.

Nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của học sinh miền núi Điện Biên.
Nhiều sản phẩm sáng tạo phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 của học sinh miền núi Điện Biên.

Được phát động từ tháng 3/2021, cuộc thi thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh trên địa bàn. Trong đó, nhiều học sinh vùng khó cũng tích cực tham gia với những sản phẩm sáng tạo độc đáo, thiết thực và gắn liền với đời sống.

Sau vòng sơ loại tại các huyện, thị, thành phố, Ban tổ chức đã tiếp nhận 83 sản phẩm dự thi, thuộc 5 lĩnh vực: Đồ dùng học tập; phần mềm tin học; bảo vệ môi trường; dụng cụ sinh hoạt gia đình và đồ chơi trẻ em; phát triển kinh tế.

Nhiều sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thu hút sự quan tâm.
Nhiều sản phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 thu hút sự quan tâm.

Nhiều sản phẩm được đánh giá có ý tưởng hay, đạt tiêu chí về tính mới, tính sáng tạo, vật liệu cấu thành sản phẩm, tính mỹ thuật, hiệu quả và khả năng áp dụng trong thực tiễn đời sống, lao động sản xuất.

Đặc biệt, nhiều sản phẩm, thiết bị phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 từ sự sáng tạo của học sinh vùng khó đã thu hút sự chú ý, như: Máy đo thân nhiệt tự động; hệ thống phun khử khuẩn; thiết bị sát khuẩn; dung dịch vệ sinh, sát khuẩn; sản phẩm bảo vệ sức khỏe…

Hệ thống rửa tay, sát khuẩn tự động.
Hệ thống rửa tay, sát khuẩn tự động.

Phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng mang đến cuộc thi 11 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm ứng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch. Ông Phan Quốc Khánh, cán bộ chuyên môn phòng cho biết: Tại cuộc thi cấp huyện, đơn vị đã tiếp nhận nhiều sản phẩm sáng tạo liên quan đến phòng chống dịch.

“Chúng tôi lựa chọn 2 sản phẩm tiêu biểu, đó là: Thiết bị an toàn và quần áo bảo hộ cho cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Đây không chỉ là sự sáng tạo của học sinh, mà còn thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của các em đối với xã hội” – ông Khánh cho hay.

Em Quàng Quốc Bảo với robot phòng chống dịch.
Em Quàng Quốc Bảo với robot phòng chống dịch.

Cũng liên quan đến nội dung này, robot phòng chống dịch của em Quàng Quốc Bảo, Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) thu hút nhiều chú ý, bởi sự kết nhiều tính năng, như: Rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt, phun khử khuẩn.

Quàng Quốc Bảo chia sẻ, mặc dù sinh sống tại địa bàn biên giới, song qua những thông tin có được trên phương tiện thông tin đại chúng em đã rất khâm phục và chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các cô, chú tuyến đầu chống dịch. Từ đó, em xây dựng ý tưởng sáng tạo ra một thiết bị hỗ trợ công tác này, và cuộc thi là cơ hội để em thể hiện.

“Em đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu và thiết kế ra sản phẩm này. Tất cả đều được điều khiển từ xa qua bộ điều khiển và thiết bị điện thoại thông minh. Vì thế, em rất mong rằng sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn để hỗ trợ, thay thế con người thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực nguy cơ cao về dịch bệnh” – Bảo chia sẻ.

Các sản phẩm thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của học sinh miền núi.
Các sản phẩm thể hiện trách nhiệm với xã hội, cộng đồng của học sinh miền núi.

“Mặc dù đa phần các sản phẩm còn hết sức thô sơ, được thiết kế từ những nguyên vật liệu tái chế, song ban giám khảo đánh giá cao sức sáng tạo của các em học sinh, nhất là trong điều kiện của địa phương miền núi còn nhiều khó khăn. Trên hết, nó thể hiện trách nhiệm của các em đối với xã hội, cộng đồng” – bà Đỗ Thị Thủy, thành viên Ban giám khảo nhận định.

Các sản phẩm phục vụ phòng chống dịch Covid-19:

Một loại trà tăng cường hệ miễn dịch.
Một loại trà tăng cường hệ miễn dịch.
Nước sát khuẩn họng được pha chế từ muối ăn.
Nước sát khuẩn họng được pha chế từ muối ăn.
Máy rửa tay khô đa năng.
Máy rửa tay khô đa năng.
Hệ thống kiểm soát người bệnh tại các điểm công cộng.
Hệ thống kiểm soát người bệnh tại các điểm công cộng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ