Hai cô Hiệu trưởng phục hồi nền nếp trực nhật, lao động tập thể cho học sinh

GD&TĐ - Đưa hoạt động trực nhật, hoạt động vệ sinh trường, lớp học và các công trình trong khuôn viên nhà trường của học sinh vào nội quy, quy chế của nhà trường. 

Học sinh Trường Tiểu học Lãng Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang) chăm sóc rau xanh trong sân trường
Học sinh Trường Tiểu học Lãng Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang) chăm sóc rau xanh trong sân trường

Đây là một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT nhằm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Việc nhỏ nhưng hiệu quả giáo dục không nhỏ

Năm học 2013-2014, khi mới về tiếp quản Trường Tiểu học Lãng Sơn (Yên Dũng, Bắc Giang), một hiện tượng khiến tân Hiệu trưởng Chu Thị Yến chú ý là: Cơ sở vật chất của trường khá khang trang, nhưng sân trường chỉ giữ được sạch sẽ trước giờ ra chơi.

Sau giờ ra chơi của học sinh, vỏ kẹo, vỏ bánh ngọt các loại giấy vụn nằm rải rác khắp sân trường, đến đầu giờ chiều thì cảnh trường khác xa với đầu giờ sáng.

Trước tình hình này, cô Yến quyết tâm khôi phục nền nếp trực nhật, lao động tập thể cho học sinh và kế hoạch này được triển khai ngay lập tức, chỉ sau 3 ngày cô về trường nhận nhiệm vụ.

Cô Chu Thị Yến cho rằng, trực nhật, lao động tập thể là một môn học và dọn vệ sinh trường lớp cũng là nhiệm vụ học tập. Một việc tưởng nhỏ, nhưng hiệu quả giáo dục không hề nhỏ, bởi đây là cơ hội tuyệt vời giúp học sinh trân trọng giá trị của lao động và rèn nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, tinh thần trách nhiệm

Hiện, việc trực nhật, lao động của học sinh Trường Tiểu học Lãng Sơn đã thực sự đi vào nền nếp: Khối 1, 2 học sinh trực nhật tại lớp học, lau bàn ghế, sắp xếp lại sách vở đồ dùng học tập trong ngăn bàn, giặt và gấp giẻ lau bảng, sắp xếp bàn ghế,…

Học sinh khối lớp 3, 4, 5 ngoài các công việc trên còn đảm nhiệm quét dọn toàn bộ sân trường, dọn rửa nhà vệ sinh học sinh, trồng, chăm sóc cây cảnh, rau xanh, dọn bếp ăn bán trú, Học sinh lớp 3, 4, 5 ở bếp ăn bán trú còn chia cơm cho học sinh khối 1, 2 cùng các cô cấp dưỡng.

Là trường tổ chức dạy học hai buổi trên ngày, việc bố trí cho học sinh trực nhật lớp tại Trường Tiểu học Lãng Sơn được tổ chức vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều.

Cuối mỗi buổi chiều, 100% học sinh các lớp kê lại bàn ghế, quét lớp, lau bảng, lau bàn ghế,… Đầu giờ sáng hàng ngày, học sinh lớp 3, 4, 5 cử một vài bạn làm vệ sinh trong lớp, còn lại ra sân trường, bồn cây, bồn rau đã được phân công làm vệ sinh. Đầu giờ chiều, vị trí của lớp nào có rác hoặc lá rụng, các em chủ động cùng nhặt lá và rác.

“Đã nhiều năm nay, mỗi lớp của Trường tiểu học Lãng Sơn đều được bầu ra Ban vệ sinh để duy trì tốt hoạt động vệ sinh tập thể, trực nhật lớp.

Ban vệ sinh trong hội đồng tự quản theo dõi vệ sinh chung của cả lớp, cùng các bạn sắp xếp bàn ghế gọn gàng ngay ngắn, nhắc các bạn ăn mặc phù hợp thời tiết, hoạt động và vui chơi an toàn, theo dõi vệ sinh cá nhân...

Liên đội đã đưa tiêu chí lao động tập thể, trực nhật lớp vào đánh giá các chi đội qua các kỳ và cuối năm học. Chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiệt tình của phụ huynh trong hoạt động này” - Cô Chu Thị Yến chia sẻ.

Trực nhật đã trở thành thói quen tốt của học sinh Trường Tiểu học Hoàng An (Bắc Giang)
Trực nhật đã trở thành thói quen tốt của học sinh Trường Tiểu học Hoàng An (Bắc Giang) 

Không lạm dụng lao động làm hình phạt với học sinh

Tại Trường Tiểu học Hoàng An (Bắc Giang), hoạt động trực nhật, lao động, vệ sinh tập thể cho học sinh được duy trì thực hiện thường xuyên.

Ngoài giờ học, hàng ngày, hàng tuần, học sinh đều tham gia lao động, vệ sinh trường lớp, vệ sinh nơi công cộng và tham gia lao động công ích như chăm sóc vườn rau xanh, chậu hoa, bồn hoa cây cảnh, trang trí trường, lớp học, vệ sinh, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ,...

Cô Hiệu trưởng Ngô Thị Hoàng Liên cho biết: Những công việc hàng ngày khi học sinh đến trường phải làm tưởng như đơn giản: quét dọn lớp, sân trường, tưới nước cho cây, lau bàn ghế, lau bảng… cũng giúp hình thành ở các em tình yêu lao động, khả năng hoàn thiện các kỹ năng lao động phục vụ cho sinh hoạt, phù hợp với mục tiêu giáo dục hiện nay là hình thành và phát triển năng lực và phẩm chất, giáo dục kỹ năng sống, khuyến khích tinh thần lao động tập thể, hoạt động nhóm, tăng cường hoạt động trải nghiệm trong các nhà trường.

Hiệu quả đạt được ở học sinh qua hoạt động lao động đó là hình thành niềm tin trong tâm hồn học sinh rằng, các em sẽ cảm nhận được lao động là vinh quang, là tự hào, là trách nhiệm của mỗi con người trong cuộc sống. Điều đó sẽ kích thích nhiều hơn nữa ý chí học tập của các em.

Tuy nhiên, trăn trở của cô Ngô Thị Hoàng Liên là, dù gần đây, việc lao động đối với học sinh được duy trì và đi vào nền nếp, song thực sự hiệu quả có giảm đi.

Một trong các nguyên nhân là đời sống các gia đình, nhất là ở thị trấn và thành phố đã nâng lên đáng kể, sinh ít con, hầu hết trẻ em không phải và không được lao động như trước đây, việc lao động ở các nhà trường được thực hiện bằng cách thuê nhân công làm thay…

Để tăng hiệu quả giáo dục học sinh thông qua hoạt động này, theo cô Ngô Thị Hoàng Liên, cần tăng cường nội dung biện pháp giáo dục lao động đối với học sinh ở tất cả các khối lớp trong bậc học, tùy theo độ tuổi.

Giáo dục học sinh qua lao động cũng cần có sự chung tay, góp sức của phụ huynh học sinh. Khi về nhà, phụ huynh cần có thời gian để con em tham gia lao động ở gia đình theo công việc phù hợp.

“Một lưu ý, theo tôi không lạm dụng lao động để phạt học sinh khi các em mắc lỗi. Chúng ta chỉ sử dụng lao động để các em cảm nhận được lao động là vinh quang chứ không phải lao động là sự kỷ luật và xấu hổ… Hiện tượng này cần được xóa bỏ”- Cô Liên nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ