Hà Nội: Tích cực xử lý những vấn đề “nóng” trong giáo dục

GD&TĐ - Vẫn còn tình trạng lạm thu vào đầu năm học; vẫn còn những băn khoăn về Đề án Sữa học đường; thắc mắc về tính hiệu quả của chương trình sổ liên lạc điện tử Pino... Đây là các vấn đề “nóng” được chỉ ra qua đợt khảo sát triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 của HĐND TP Hà Nội.

Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng
Học sinh Hà Nội trong ngày khai giảng

Chấn chỉnh việc lạm thu

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội vừa tiến hành khảo sát về triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019 tại các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại các quận Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, đoàn khảo sát đã tiến hành làm việc với lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND quận, lãnh đạo Phòng GD&ĐT và các phòng ban ngành liên quan, Hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn để làm rõ những vấn đề nóng của giáo dục Thủ đô đầu năm học mới.

Ông Trần Thế Cương - Trưởng ban VHXH - HĐND TP Hà Nội cho biết: Chỉ trong 12 ngày đầu năm học mới 2018 - 2019, đoàn khảo sát của thành phố đã nhận được phản ánh về 15 trường học thu chi không đúng quy định. Trong đó, các khoản thu vẫn tập trung vào vấn đề như lắp đặt điều hòa ở một số lớp, thu tiền mua đồ dùng vật dụng cho học sinh lớp 1 không đúng quy định.

Ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy thông tin, một số lớp của Trường THCS Dịch Vọng Hậu thu tiền xã hội hóa điều hòa của phụ huynh không đúng quy định. Sau khi nhận được phản ánh về trường nay, UBND quận Cầu Giấy đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường làm việc với Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, yêu cầu trả lại cho các phụ huynh đã huy động đóng góp. Đến nay, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp đã trả lại toàn bộ cho các phụ huynh số tiền xã hội hóa nói trên.

Còn bà Vũ Thị Thu Hà - Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên cũng thừa nhận, tháng 8/2018, Trường Tiểu học Việt Hưng đã thu một số khoản chưa đúng quy định đối với 7 lớp 1. Số tiền này dùng để mua đồ dùng, vật dụng cho học sinh. Ngay sau khi nắm được sự việc, UBND quận đã kịp thời chấn chỉnh, chỉ đạo nhà trường trả lại các khoản thu trên tới 100% cha mẹ học sinh; đồng thời kiểm điểm trách nhiệm, xử lý kỷ luật người đứng đầu và các cá nhân liên quan.

Để khắc phục, chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các trường học, ông Trần Thế Cương cho rằng, ngoài tăng cường các đoàn kiểm tra cấp thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cũng cần chỉ đạo kiểm tra, giám sát trong hoạt động thu, chi của các trường phổ thông công lập.

Việc này cần làm thường xuyên, bởi thực tế, các ban giám hiệu đều khẳng định thu đúng, thu đủ theo quy định, nhưng vẫn còn nhiều thông tin phụ huynh phản hồi qua đường dây nóng của Sở GD&ĐT.

Cần đảm bảo chất lượng sữa học đường

Với việc triển khai Đề án chương trình Sữa học đường, nhiều giáo viên cho rằng, việc phụ huynh đăng ký tham gia chương trình mới đạt gần 80% là do chưa có hãng sữa cụ thể nên nhiều phụ huynh chưa đăng ký tham gia cho con mình.

Bà Nguyễn Thị Bích Huyền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên) cho biết: Chương trình Sữa học đường rất nhân văn, tuy nhiên việc triển khai đưa sữa đến học sinh cần chặt chẽ, nhất là công tác bảo quản sữa. Trước băn khoăn này, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội giải thích: Sở cũng nhận được nhiều ý kiến về việc triển khai Đề án chương trình Sữa học đường. Hiện tại, chưa có thông tin về hãng sữa, vì liên quan đến kinh phí Nhà nước cũng như kinh phí mà phụ huynh đóng góp để mua sữa cho con, do đó chương trình Sữa học đường phải thông qua đấu thầu giữa các hãng sữa.

Tuy nhiên, Sở khẳng định, hãng sữa cung cấp của chương trình sẽ bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhà sản xuất trúng thầu sẽ tập huấn đến tất cả giáo viên về quy trình cho học sinh uống sữa, sau khi uống xong thì xử lý vỏ hộp, thu gom để bảo đảm vệ sinh.

Một số vấn đề nóng khác cũng đang được dư luận quan tâm như Chương trình sổ liên lạc điện tử theo phần mềm PINO do Công ty Nhật Cường triển khai triển khai tại các trường. Nhiều giáo viên ở quận Cầu Giấy và Long Biên phản ánh, phần mềm không có bảo mật thông tin học sinh và tin nhắn của nhà trường, dẫn đến khó khăn cho giáo viên và phụ huynh trong quá trình sử dụng.

Tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, sĩ số học sinh/lớp rất cao do trên địa bàn quận có nhiều tòa nhà chung cư mới xây nhưng chủ đầu tư không bố trí quỹ đất cho trường học. Thêm vào đó tốc độ tăng dân số cơ học cao khiến số học sinh/lớp rất cao. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu giáo viên, nhiều trường trong 3 năm qua chưa tuyển được giáo viên dưới dạng biên chế - đây cũng là tình trạng chung của toàn thành phố.

“Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, trong thời gian tới, ngành GD-ĐT Hà Nội cần tăng cường công tác tuyên truyền tới giáo viên, phụ huynh và học sinh những chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng công tác giảng dạy.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là thời điểm đầu năm học. Việc thanh tra, kiểm tra phải thực hiện hết sức sâu sát, xử lý được tận gốc của những sự vụ, sự việc, tránh gây ra những hậu quả đáng tiếc” - Đoàn giám sát của HĐND thành phố Hà Nội yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ