Giáo dục Thủ đô tạo bước chuyển mạnh mẽ, giữ vị trí “đầu tàu”

GD&TĐ - Tiếp tục được chọn là 1 trong 10 sự kiện tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội năm 2020, Giáo dục Hà Nội đã khẳng định vững vàng sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho Thủ đô và đất nước.

Đội ngũ nhà giáo Thủ đô tâm huyết, đổi mới, sáng tạo.
Đội ngũ nhà giáo Thủ đô tâm huyết, đổi mới, sáng tạo.

Thầy trò toàn ngành thêm tự hào, tin tưởng, chung sức, quyết tâm đưa Giáo dục Thủ đô tiên phong trên chặng đường đổi mới.

Khẳng định vị trí dẫn đầu

Năm 2020, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới trong năm học 2020-2021.

Quy mô giáo dục Thủ đô liên tục được mở rộng và không ngừng phát triển, đứng đầu cả nước với gần 2.800 trường mầm non, phổ thông, hơn 2,1 triệu học sinh. Sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Thủ đô diễn ra toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, cả công lập và ngoài công lập. Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo được gắn với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, các cấp, ngành, tập trung coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học, hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Thêm nhiều trường học được xây mới và công nhận chuẩn quốc gia.
Thêm nhiều trường học được xây mới và công nhận chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã nhấn mạnh, năm học 2019-2020, cùng với cả nước, ngành Giáo dục Hà Nội đã chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho hơn 2 triệu học sinh các cấp học trên toàn thành phố. Với tinh thần “Tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Hà Nội đã kịp thời tổ chức các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục, là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai dạy học trên truyền hình và các phương pháp giáo dục từ xa để đảm bảo tốt nhất chương trình học, nhất là lớp cuối cấp. Qua đó góp phần duy trì nền nếp, chất lượng giáo dục và được nhân rộng ra cả nước về ứng dụng dạy và học trực tuyến trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch.

Những nỗ lực ấy đã góp sức tạo nên kết quả năm 2020 với những điểm nhấn. Ngành giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế; tại các kỳ thi quốc gia đạt 15 giải nhất, 44 giải nhì, 44 giải ba và 41 giải khuyến khích; tại các kỳ thi quốc tế đạt 338 huy chương (88 huy chương (HC) Vàng, 105 HC Bạc, 111 HC Đồng) và 34 giải khuyến khích. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 toàn thành phố đạt 99,17%.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2020 nữa là tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia của Hà Nội đã đạt 75%, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) Đảng bộ thành phố đề ra là có 65-70% số trường đạt chuẩn.

Bà Đào Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải là nhiệm vụ riêng của ngành giáo dục mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong công tác xây dựng trường CQG hiện nay, có hai khó khăn lớn nhất mà các địa phương gặp phải là thiếu đất hoặc thiếu kinh phí. Với vấn đề khó khăn về đất, ngay từ khi quy hoạch xây dựng các nhà trường, huyện Đan Phượng đã xác định dành diện tích đất trên mức đạt chuẩn theo quy định. Các trường đã được công nhận Chuẩn nếu có cơ hội mở rộng diện tích đất, Đan Phượng sẽ cho quy hoạch và mở rộng. Chính vì vậy, đến nay các trường trong huyện đạt bình quân 10 – 13m2/học sinh, có những trường đạt 15m2/học sinh.

Trong đầu tư cơ sở vật chất, Đan Phượng quan tâm 3 vấn đề: Đầu tư phải mang tính đồng bộ, hiện đại hóa, chuẩn hóa; phát huy cao nhất công năng hiệu quả sử dụng; phát huy vai trò của hiệu trưởng là người quản trị trường học trong việc đóng góp ý kiến về thiết kế xây dựng trường học và vai trò khai thác sử dụng cơ sở vật chất trường học.

Cô Trần Thị Thanh Hoa- Hiệu trường Trường THCS Tứ Liên (quận Tây Hồ) chia sẻ: Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đạt chuẩn là yếu tố quan trọng và thuận lợi để nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và mũi nhọn. Phụ huynh HS thấy con em được học tập trong ngôi trường đảm bảo các điều kiện đạt chuẩn cũng phấn khởi, sẵn sàng chung tay xây dựng “Nhà trường thân thiện, Học sinh tích cực”.

Nỗ lực đổi mới

Chia sẻ về kết quả năm học 2019-2020, ông Nguyễn Văn Hậu - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết, năm vừa qua là một năm gặp nhiều khó khăn, ngành GD&ĐT phải thực hiện mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch vừa dạy học hiệu quả. Tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thành phố và sự vào cuộc tích cực của các nhà trường, toàn ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt những thành tích ấn tượng. Qua đợt dịch Covid – 19, các cấp quản lý, cũng như lãnh đạo các nhà trường đã nắm bắt được điều kiện dạy, học của các thầy cô giáo và các em học sinh. Bên cạnh đó, các nhà trường cũng biết thêm được về trình độ chuyên môn cũng như trình độ CNTT của GV, sự nhiệt tình vào cuộc của GV như thế nào…

Năm 2021, ông Hậu mong muốn, Thành phố hỗ trợ kinh phí mua sắm trang thiết bị cho các nhà trường để chuẩn bị triển khai tốt nhất cho chương trình GDPT 2018 với lớp 2 và lớp 6. Bộ GD&ĐT sớm có văn bản thông tư ban hành về thiết bị, SGK lớp 2, lớp 6, tập huấn cho CBQL, GV bài bản, hợp lý để đảm bảo việc giảng dạy chương trình mới đạt hiệu quả cao nhất.

Hà Nội tăng cường hội nhập quốc tế về GD-ĐT.
Hà Nội tăng cường hội nhập quốc tế về GD-ĐT.

Bà Nguyễn Diệu Ánh – Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, năm học vừa qua là một năm học đặc biệt do dịch Covid-19 ảnh hưởng làm gián đoạn đến việc dạy và học của thầy và trò Thủ đô vì vậy, các nhà trường đã có sự chuyển mình rất lớn trong việc dạy và học. Đây cũng là năm học có rất nhiều công việc phải thực hiện, CBQL, GV tham gia nhiều đợt tập huấn lựa chọn SGK, chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất cho chương trình mới…

Theo bà Ánh, năm học 2020-2021 là thời điểm triển khai Luật Giáo dục 2019, thông tư đánh giá HS tiểu học, THCS, đòi hỏi công tác quản lý, quản trị của các nhà trường phải nâng cao năng lực. Mỗi nhà trường cần chú ý đến kế hoạch hoạt động theo giai đoạn, bám sát trọng tâm năm học để triển khai có tính khả thi. Đẩy mạnh việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm, chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, có năng lực phẩm chất theo đúng quy định.

Bám sát các hoạt động thực tế, tăng cường công tác kiểm tra để duy trì trật tự, kỷ cương nền nếp nâng cao chất lượng dạy và học đi sâu vào tăng cường kiểm tra sau kiểm tra để giải quyết những vướng mắc tồn đọng…

Bà Ánh mong muốn, năm 2021, Thành phố quan tâm đầu tư CSVC cho các nhà trường để các cơ sở giáo dục đảm bảo thực hiện tốt nhất triển khai Chương trình GDPT 2018.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Văn Đại nhận định, những kết quả đạt được đã tạo động lực, niềm tin cho thầy, trò ngành Giáo dục Hà Nội thêm nỗ lực để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2020-2021. Theo đó, ngành Giáo dục Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, tăng cường nguồn lực để hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường chuẩn quốc gia... Thầy, trò toàn ngành quyết tâm thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” giai đoạn 2020-2025 do Bộ GD&ĐT phát động, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ từ mỗi cá nhân, nhà trường, góp phần đưa giáo dục Thủ đô tiếp tục giữ vững vị thế “đầu tàu” trong những năm tới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ