Giải pháp tạo điều kiện cho HS Tây Nam bộ tiếp cận giáo dục ĐH

Giải pháp tạo điều kiện cho HS Tây Nam bộ tiếp cận giáo dục ĐH
(GD&TĐ) - Vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, giải pháp chia sẻ với nông dân - đặc biệt nông dân khu vực Tây Nam bộ - về mơ ước cho con đi học đại học... đã được cử tri đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. 
Cử tri hỏi:  
Đề nghị Bộ trưởng cho biết Bộ GD&ĐT và riêng cá nhân Bộ trưởng sẽ có giải pháp gì để từng bước khắc phục tình hình sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm hoặc có việc làm thì trái chuyên ngành đào tạo? Cùng đó, Bộ GD&ĐT có giải pháp cụ thể gì nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh của vùng Tây Nam bộ được tiếp cận với giáo dục đại học?
Bộ trưởng trả lời:
Nguyên nhân tình trạng nhiều SV tốt nghiệp chưa tìm được việc làm hoặc làm trái chuyên ngành đào tạo
Về khách quan: Xét từ góc độ nơi sử dụng lao động, từ khi đất nước tiến hành đổi mới, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng (cũng như nguồn lao động) không chỉ làm việc ở các cơ quan, doanh nghiệp của nhà nước, mà làm việc ở tất cả các cơ sở thuộc 5 thành phần kinh tế. Xét từ góc độ nguồn cung ứng nhân lực, tham gia cung cấp sinh viên tốt nghiệp cho thị trường lao động không chỉ có các trường công lập, mà còn có các trường ngoài công lập, trường có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, Luật giáo dục đại học đã có hiệu lực, theo đó, các cơ sở đào tạo được tự chủ, trong đó có tự chủ về công tác tuyển sinh. 
Về chủ quan: Các cơ sở giáo dục đại học tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động, chưa nắm bắt được nhu cầu nhân lực; việc đăng ký tuyển sinh và lựa chọn ngành, trường đào tạo là do học sinh tự quyết định, tuy nhiên lại thiếu thông tin dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động…; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương chưa sát thực; năng lực học tập của một số học sinh thấp, chất lượng chưa cao. 
Trong tình hình suy thoái kinh kế toàn cầu và khu vực cùng khó khăn của nền kinh tế trong nước, tình hình sinh viên tìm việc làm càng khó khăn hơn.
Những giải pháp đã được Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai:
- Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Đề án tổng thể giải quyết việc làm cho sinh viên đại học, cao đẳng tốt nghiệp trong và ngoài nước nhưng chưa có việc làm; sửa đổi, bổ sung Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 cho phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của các địa phương; chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tư vấn tuyển sinh, giới thiệu việc làm, giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch và Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, đồng thời chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch nhân lực cho từng ngành, lĩnh vực và từng địa phương, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch đào tạo nhân lực cho các nhà trường.
- Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành như: Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho từng ngành.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã thành lập Trung tâm quốc gia Dự báo và thông tin thị trường lao động để thu thập, xử lý các thông tin vĩ mô của nền kinh tế và thị trường lao động, việc làm.
Các giải pháp cụ thể từ Bộ GD&ĐT
Theo chức năng quản lý nhà nước được giao, Bộ GD&ĐT đã triển khai các giải pháp cụ thể như sau:
- Ban hành quy định về công tác hướng nghiệp và tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Đến nay đã có 150 trường đại học, cao đẳng thành lập trung tâm tư vấn việc làm.
- Rà soát, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc cho phù hợp với quy hoạch và chiến lược phát triển nhân lực quốc gia và từng địa phương.
- Phối hợp với các địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn (như các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) để đào tạo nguồn nhân lực đặc thù đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.
- Thành lập Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.
 - Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. Từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.
- Đưa ra cảnh báo, khuyến cáo đối với người học về nhu cầu nhân lực trong hiện tại và tương lai gần. Việc cảnh báo đã góp phần giúp người học có định hướng và lựa chọn ngành nghề đúng đắn hơn (Năm 2013, số hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành Kinh tế - Quản lý đã giảm 10,5%, trong khi đó nhóm ngành Khoa học sức khỏe tăng 1,7%; Môi trường và Bảo vệ môi trường tăng 1,4%; Công nghệ - Kỹ thuật tăng 0,5%).
- Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thị trường lao động; giảm quy mô đào tạo không chính quy (bằng 50% chính quy); củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo liên thông.
Một số giải pháp tạo điều kiện cho học sinh vùng Tây Nam bộ được tiếp cận với giáo dục ĐH
Riêng đối với các tỉnh thuộc khu vực Tây Nam Bộ, từ năm 2012, trên cơ sở nhu cầu nhân lực của các địa phương và ý kiến thống nhất của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ GD&ĐT đã triển khai một số giải pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho học sinh của vùng được tiếp cận với giáo dục đại học, cụ thể là:
- Bổ sung 20 huyện biên giới, hải đảo của các tỉnh trong vùng vào danh sách các huyện được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh như đối với 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
- Đã bổ sung 790 chỉ tiêu trình độ đại học và 540 chỉ tiêu trình độ thạc sĩ  để đào tạo nhân lực theo nhu cầu và đề nghị của các địa phương.
- Đã trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập thêm 2 trường đại học tại Cần Thơ, quyết định đầu tư xây dựng cơ sở của Trường Đại học Nha Trang tại Kiên Giang, thành lập phân hiệu của Trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo ngày càng tăng của các tỉnh, thành phố trong khu vực.
PV ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.