Điều ước cho em: Kết nối mạng lưới phát triển sự nghiệp GD-ĐT

GD&TĐ - Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Chương trình “Điều ước cho em” nhằm kết nối giữa các nhà hảo tâm với các nhà trường, điểm trường còn nhiều khó khăn.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi học sinh nội trú. Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm hỏi học sinh nội trú. Ảnh: Thế Đại

- Bắc Kạn được chọn là điểm đến của Chương trình “Điều ước cho em”. Nhân dịp này, Bộ trưởng có thể giới thiệu qua về chương trình này?

- Chương trình “Điều ước cho em” rất có ý nghĩa, đặc biệt là đối với các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; bởi thực tế nhiều địa phương, trường học còn gặp khó khăn trong dạy – học và đảm bảo các điều kiện sinh hoạt thiết yếu cho thầy – trò.

Chương trình tại tỉnh Bắc Kạn là một trong những hoạt động đầu tiên của Chương trình “Điều ước cho em”. Qua đó đã kết nối các nhà tài trợ, hỗ trợ các điểm trường nhằm góp phần khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, điện nước, nhà vệ sinh, các điều kiện học tập, thiết bị đồ dùng dạy – học… cho thầy và trò.

Ngoài ra, Chương trình còn góp phần quan trọng đưa học sinh đến trường học tập trong điều kiện tốt hơn. Cùng với đó, các thầy cô giáo cũng có điều kiện tốt hơn để dạy học. Chúng tôi tin rằng, Chương trình này sẽ tạo ra  mạng lưới cộng đồng hỗ trợ lẫn nhau, chung tay phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

- Thưa Bộ trưởng, thực tế có nhiều chương trình thiện nguyện, hỗ trợ giáo dục vùng khó nhưng còn mang tính tự phát, dẫn đến tình trạng tài trợ chưa đúng nơi, đúng việc. Vậy vai trò điều phối của Chương trình như thế nào để các nhà tài trợ gặp đúng người, đúng việc và đúng địa chỉ?

- Các nhà tài trợ, những nhà thiện tâm rất mong muốn tình cảm, sự hỗ trợ của mình đến đúng người, đúng địa chỉ. Chương trình “Điều ước cho em” là kết nối trực tiếp bằng công cụ App iNhandao. Qua đó, sẽ cung cấp thông tin và hỗ trợ tất cả những người có mong muốn được giúp đỡ và những người đang có hoàn cảnh cần được giúp đỡ, giúp họ kết nối trực tiếp với nhau nên hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều. 

Thông qua Chương trình, một số người trưởng thành ở quê hương mong muốn giúp đỡ con em họ phát triển, thì họ nắm được thông tin để cùng nhau chung tay hỗ trợ, nhất là với những trường, điểm trường hay những học sinh có hoàn cảnh khó khăn đang cần giúp đỡ. Khi đó, người được giúp đỡ và người mong muốn được giúp đỡ sẽ gặp nhau và hiệu quả của việc thiện nguyện này càng có ý nghĩa.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khoác áo ấm cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nặm, Bắc Kạn). Ảnh: Thế Đại
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khoác áo ấm cho các em học sinh tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Nhạn Môn (Pác Nặm, Bắc Kạn). Ảnh: Thế Đại

- Về phía các trường học còn khó khăn có nên chủ động chia sẻ thông tin hay không, thưa Bộ trưởng?

- Theo tôi, trước hết các trường phải rà soát để thấy được mình đang thiếu gì? Chẳng hạn như: Thiết bị dạy - học, điều kiện ăn ở cho học sinh nội trú, kết nối Internet để thực hiện chuyển đổi số hay cơ sở vật chất, trường lớp… Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tập hợp, để những người có điều kiện thiện nguyện sẽ chọn lựa những hạng mục phù hợp. Sau một thời gian, thông tin giữa người muốn được giúp đỡ và những người có điều kiện giúp đỡ sẽ đến trực tiếp với nhau. Chúng tôi sẽ nhận nhiệm vụ kết nối một cách minh bạch, nhanh chóng, đúng và trúng.

- Thưa Bộ trưởng, việc kêu gọi từ phía những trường thuộc vùng đô thị, vùng kinh tế phát triển để đồng hành cùng các trường vùng sâu, vùng xa sẽ được triển khai như thế nào?

- Đây là một trong những nhiệm vụ cũng như nội dung quan trọng của Chương trình “Điều ước cho em”. Trong ngành Giáo dục có các mô hình: Trường với trường; bạn với bạn; giáo viên với giáo viên; từ đó các trường có cơ hội kết nghĩa với nhau và giúp nhau không chỉ một lần mà qua các năm và trong suốt quá trình tổ chức dạy - học.

Chúng tôi tin rằng, sẽ tạo ra sự chia sẻ bền vững chứ không chỉ hỗ trợ nhất thời. Thực tế, nhiều trường có điều kiện mong muốn được kết nghĩa, bảo trợ cho những trường có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những trường ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để cùng nhau phát triển.

- Ngoài sự giúp đỡ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, các trường còn hỗ trợ nhau về chuyên môn nghiệp vụ, thưa Bộ trưởng?

- Đúng vậy, các đơn vị sẽ hỗ trợ nhau trên nhiều phương diện, từ phương pháp tổ chức dạy - học cho đến các thiết bị như: Sách giáo khoa, dụng cụ, trang thiết bị dạy -  học... Chúng tôi tin rằng, đây là kênh rất tốt để các thầy cô giáo, học sinh chia sẻ kinh nghiệm trong chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh các nhà tài trợ và các mạnh thường quân, chúng tôi cũng nhấn mạnh kêu gọi sự kết nối và chia sẻ hỗ trợ trong nội ngành với nhau. Đây là xu hướng tốt và chủ trương này sẽ được nhiều trường, nhiều giáo viên và học sinh trong ngành Giáo dục hưởng ứng.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.