Dạy thật - học thật: Nhìn thẳng vào bất cập

GD&TĐ - Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu về việc phụ đạo học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I, đến nay, tỉ lệ HS yếu các kỹ năng này tại các trường từ 9,4% giảm xuống còn 4,9%.

Trong giờ học tại Trường Tiểu học Lê Lợi TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Khánh Chi
Trong giờ học tại Trường Tiểu học Lê Lợi TP Vũng Tàu (Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: Khánh Chi

Đây là thông điệp mạnh mẽ của ngành Giáo dục địa phương trong việc quyết tâm thực hiện mục tiêu “dạy thật - học thật” mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa yêu cầu. 

Từ một chủ trương đúng đắn

Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, đồng thời từ thực tế phản ánh của phụ huynh và khảo sát từ phía các trường, ngày 24/2, Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu ký ban hành văn bản về việc tổ chức dạy phụ đạo bắt đầu từ 1/3 cho học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I.

Theo đó, Sở GD&ĐT Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu các trường rà soát những học sinh lớp 1 chưa đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán ở học kỳ I phải được bố trí phụ đạo, được học phòng học riêng, phân công giáo viên dạy phụ đạo tập trung rèn luyện cho các em. Các trường không có giáo viên để bố trí dạy, lãnh đạo nhà trường phải chịu trách nhiệm phụ trách dạy lớp học này, sau khi các em biết đọc lưu loát, viết, tính toán thành thạo mới chuyển các em về lại lớp học ban đầu.

Sau 2 tháng triển khai, với sự nỗ lực rà soát, phụ đạo của các trường tiểu học, toàn tỉnh đã có 1.096/2.339 em đạt kỹ năng đọc, viết, tính toán, còn 1.156 em tiếp tục được phụ đạo riêng.

Dạy thật - học thật: Nhìn thẳng vào bất cập ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Mộng Thu - Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non - Tiểu học, Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Kết quả đạt được nằm trong kế hoạch và dự tính của ngành. Vẫn biết còn nhiều thách thức phía trước nhưng Ban giám đốc sở đặt quyết tâm rất lớn. Bởi theo cô Thu nếu không xây dựng được chất lượng đồng đều cho mọi học sinh lớp 1, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 sẽ khó thuận lợi.

“Theo tính toán của chúng tôi, việc giảm tỉ lệ học sinh lớp 1 chưa hoàn thành được các yêu cầu về kỹ năng đọc viết, tính toán sẽ hiệu quả hơn nếu sau khi học sinh nhập học khoảng 1 tháng, các trường làm ngay việc rà soát và phân loại.

Tuy nhiên, việc này của chúng tôi bước đầu chưa được suôn sẻ vì nhiều lý do khách quan. Trong đó một phần cũng do các yếu tố nhạy cảm khi công nhận về tình trạng nhận thức, trí tuệ của học sinh mới vào lớp 1, chưa nhận được sự hợp tác toàn diện từ một số phụ huynh. Vì thế, bước đầu giáo viên phụ trách cũng gặp chút khó khăn. Việc giảm được tỉ lệ học sinh chưa đạt các kỹ năng xuống dưới 5% đã tạo cho chúng tôi động lực và quyết tâm rất lớn”, bà Thu nói.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở GD&ĐT Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhìn nhận kết quả qua 2 tháng tích cực triển khai phụ đạo cho học sinh đã mang đến cái nhìn tích cực từ phía các hiệu trưởng. Các trường đều cố gắng để thực hiện tiếp lộ trình còn lại.

“Chúng tôi thống nhất và đồng quan điểm một cách xuyên suốt rằng phụ đạo và dạy cho mọi học sinh đến khi nào đạt được “mặt bằng” chung mới tiếp tục giảng dạy chương trình mới chứ không thể chạy theo chương trình bằng mọi giá. Mục tiêu của Ban giám đốc Sở là mang đến cho trẻ nền tảng vững chắc ngay từ những bước khởi đầu. Muốn thực hiện được yêu cầu dạy thật - học thật, chúng ta buộc phải thẳng thắn đối diện với những bất cập và quyết liệt khắc phục”, bà Châu khẳng định.

Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học song ngữ Việt Mỹ, TP Vũng Tàu.
Học sinh và giáo viên Trường Tiểu học song ngữ Việt Mỹ, TP Vũng Tàu.

Đến kỳ vọng sự lan tỏa của một thông điệp

Để giảm tỷ lệ học sinh lớp 1 chưa hoàn thành tốt kỹ năng đọc, viết, tính toán, khi học sinh đi học trở lại sau đợt nghỉ dịch đầu năm 2021, tất cả trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt tay ngay vào việc triển khai dạy phụ đạo cho học sinh. Việc giảng dạy hầu hết được thực hiện ngoài giờ chính khóa và hoàn toàn miễn phí.

Cô Phạm Thị Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi, TP Vũng Tàu cho hay: Sau rà soát, nhà trường có tổng cộng 18/231 học sinh khối 1 còn yếu một số kỹ năng, nên đã phân công giáo viên chủ nhiệm trực tiếp kèm cặp phụ đạo cho các em.

“Ngoài giờ học chính khóa cùng các bạn trong lớp như bình thường, học sinh còn yếu các kỹ năng đọc, viết, tính toán trước khi vào lớp và sau khi tan học các ngày trong tuần sẽ được giáo viên chủ nhiệm kèm cặp, hướng dẫn thêm. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức 2 lớp riêng để dạy phụ đạo cho các em vào thứ 7 hằng tuần. Học sinh chưa thành thạo kỹ năng nào sẽ được phụ đạo kỹ năng đó, 6 giáo viên chủ nhiệm khối 1 sẽ luân phiên giảng dạy.

Song song các giải pháp cụ thể tại trường, giáo viên chủ nhiệm còn hướng dẫn phụ huynh kèm các em tự học tại nhà và xây dựng mô hình “Đôi bạn cùng tiến” để học sinh giúp đỡ lẫn nhau trong học tập. Sau mỗi tuần, nhà trường  tổ chức đánh giá kết quả học tập của học sinh để điều chỉnh kế hoạch phụ đạo cho tuần kế tiếp. Hiện, số học sinh còn yếu kỹ năng của trường chỉ còn vài em”, cô Thủy cho biết.

Chị Trần Thị Lệ Trang, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, TP Vũng Tàu  nhận  định việc giáo viên kèm cặp, song hành hỗ trợ, dạy cho con mình mang lại kết quả rất cao. Chị Trang từng dành mỗi ngày không dưới 3 tiếng để kèm cặp, chỉ dạy cho con nhưng đâu lại vào đấy. Nhưng từ khi cùng dạy con bằng các phương pháp sư phạm mà giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn, con chị đã tiến bộ rất rõ.

“Nay cháu không chỉ biết tính toán các phép cộng, trừ như chúng bạn mà việc đọc, viết cũng tốt hơn trước rất nhiều. Cháu không còn cảm thấy áp lực, sợ sệt mỗi khi ngồi vào bàn học cùng mẹ”, chị Trang chia sẻ.

Là người trực tiếp tham gia phụ đạo cho học sinh hằng tuần, cũng như ngồi dự giờ hàng loạt lớp để nắm tình hình, cô Vũ Thị Việt Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, TP Vũng Tàu cho hay: Sau rà soát, giải pháp được nhà trường và phụ huynh thống nhất lựa chọn là giáo viên sẽ nắm bắt tình hình, từ đó nêu lên hạn chế của học sinh theo từng mức độ để có phương án bố trí phụ đạo phù hợp.

“Ban giám hiệu đã chỉ đạo tổ chuyên môn sắp xếp lại số tiết dạy đại trà trên lớp của một giáo viên chuyên trách, những giáo viên này phải bảo đảm trống khoảng 6 tiết/tuần theo định mức mới được bố trí kèm cặp các em. Ngoài tiêu chí về thời gian tham gia giảng dạy, chúng tôi cũng chọn ra đội ngũ giáo viên nhiệt tình, kiên trì, có kinh nghiệm. Bởi chỉ những giáo viên này mới thích nghi với “trẻ đặc biệt” trên. Kết quả của đợt phụ đạo đầu tiên rất khả quan. Vì thế, chúng tôi mong muốn phụ huynh đồng hành nhiều hơn để các năm sau nhà trường làm tốt hơn nữa nhiệm vụ này”, cô Hoa nói. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ