Dạy khởi nghiệp ngay trên giảng đường

GD&TĐ - Trường học không chỉ truyền thụ kiến thức cho SV mà còn là nơi sản sinh ra những ý tưởng kinh doanh và thúc đẩy sự sáng tạo, tiền đề cho các dự án khởi nghiệp. Đã có nhiều mô hình kinh doanh nảy sinh từ nhu cầu học tập, cá nhân của SV hoặc phục vụ cộng đồng xã hội.

Phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa trong các trường đại học.
Phong trào khởi nghiệp đang lan tỏa trong các trường đại học.

Đưa vào chương trình đào tạo

Trường ĐH Bách khoa TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên đưa môn học khởi nghiệp vào chương trình đào tạo. Việc làm này sẽ giúp SV nâng cao kiến thức, nhận thức về khởi nghiệp, định hình tư tưởng và giá trị cốt lõi khi khởi nghiệp.

PGS.TS Mai Thanh Phong - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: Đây là bước đi quan trọng của nhà trường để đào tạo, xây dựng cho SV những nhận thức, kỹ năng trong khởi nghiệp. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa TPHCM sẽ cùng đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp thảo luận và soạn một bộ giáo trình chuẩn gồm các nội dung kiến thức về khởi nghiệp để truyền tải đến SV.

Tại ĐHQG Hà Nội, các trường ĐH thành viên đã tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho SV. Các khóa học này giúp học viên có những chuẩn bị trước về tư duy và nguồn lực cần có để chủ động trong quá trình khởi sự kinh doanh sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng, việc đưa tinh thần đổi mới sáng tạo hay kĩ năng khởi nghiệp vào chương trình giảng dạy không chỉ để có ngày càng nhiều SV startup hơn mà còn giúp SV xây dựng và tăng cường những kĩ năng làm việc nhóm, tư duy phản biện, kĩ năng giao tiếp...

Tuy nhiên, để làm được điều đó, không nhất thiết phải tổ chức ngày càng nhiều lớp dạy khởi nghiệp mà cần tạo ra một môi trường giảng dạy sáng tạo, liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, cho các em “không gian khởi nghiệp” để thử nghiệm những kiến thức đã học trong việc giải quyết bài toán thực tế trên giảng đường.

Thời gian gần đây, một số ý tưởng khởi nghiệp của SV Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có sự gắn kết với nghiên cứu khoa học của SV Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, khi triển khai đạt hiệu quả cao. Điều này chứng minh sự liên kết hợp tác giữa các trường với nhau và giữa các trường với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu sẽ mang lại thành công.

Ông Bùi Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết: Nhằm góp phần thúc đẩy khởi nghiệp tại Việt Nam, thời gian qua, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thành lập trung tâm khởi nghiệp sáng tạo với nhiều hoạt động thiết thực. Trường cũng thành lập ngành học về phát triển khởi nghiệp và kinh doanh.

Các hoạt động nghiên cứu được nhà trường quan tâm đầu tư với kết quả đáng khích lệ. Các yếu tố đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ nếu có sự gắn kết, thành công của các ý tưởng khởi nghiệp sẽ tăng lên và các kết quả nghiên cứu sớm được ứng dụng trong thực tiễn.

SV thảo luận về khởi nghiệp
 SV thảo luận về khởi nghiệp

Định hướng trường đại học khởi nghiệp

Tại Hội thảo “Định hướng trường ĐH khởi nghiệp” mới được tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An khẳng định: Bộ GD&ĐT đang tham khảo chương trình đào tạo của các nước tiên tiến trên thế giới, tham vấn ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp để đưa vấn đề khởi nghiệp vào chương trình đào tạo bắt buộc hoặc tự chọn cho SV.

Bên cạnh đó, Bộ cũng phát triển đội ngũ cán bộ tư vấn, hỗ trợ SV khởi nghiệp trong các nhà trường, tạo điều kiện để đội ngũ này được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện một số nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ SV phát triển ý tưởng, kết nối nguồn lực trong và ngoài nhà trường, hướng dẫn SV có ý tưởng tìm đến các nguồn lực hỗ trợ, gắn kết với các cơ sở ươm tạo khởi nghiệp.

Trong thực tiễn của các quốc gia khởi nghiệp trên thế giới cũng như trong các báo cáo tham mưu Chính phủ về hoạt động khởi nghiệp đều đề cao, khẳng định vai trò của các trường ĐH trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, trường ĐH đóng vai trò quan trọng trong các giai đoạn chính của khởi nghiệp.

Trường ĐH phải là nơi cung cấp thông tin, tạo môi trường và tổ chức các hoạt động truyền cảm hứng nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của các em SV. Đồng thời, Trường ĐH phải là nơi cung cấp những kiến thức cơ bản, xây dựng chương trình đào tạo, chương trình doanh nhân với tinh thần khởi nghiệp và cung cấp các kiến thức cần thiết cho thế hệ trẻ.

Các SV cần trang bị kiến thức để đối mặt với nhiều vấn đề thực tiễn một các tích cực, khoa học để nhìn được những khó khăn, cơ hội mang tính thách thức và có niềm tin, động lực để giải quyết khó khăn, mang lại giá trị không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng và doanh nghiệp. Phải khẳng định đó chính là phương thức để SV có thể tạo lập sự nghiệp của mình cũng như tạo việc làm cho SV.

Trường ĐH sẽ là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao bảo đảm cho SV sau khi tốt nghiệp có tinh thần doanh nhân, có kiến thức có kĩ năng thái độ và là nguồn tài nguyên lớn giúp các doanh nghiệp trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tăng trưởng một cách bền vững.

Có thể khẳng định, chưa bao giờ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH được ghi nhận, lan rộng và được cộng đồng doanh nhân cũng như xã hội đặc biệt quan tâm như thời gian gần đây. Quan điểm của Bộ GD&ĐT là luôn khuyến khích các mô hình, không gian khởi nghiệp mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ