Dạy học trong bình thường mới: Còn mãi tình đồng nghiệp, nghĩa thầy trò

GD&TĐ - Dạy học song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến xuyên suốt nhiều tuần đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực vượt khó, song nhiều thầy, cô giáo tại Thanh Hóa vẫn say mê cống hiến.

Quang cảnh lớp dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến bằng máy quay tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Thanh Hoá). Ảnh: TG
Quang cảnh lớp dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến bằng máy quay tại Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (Thanh Hoá). Ảnh: TG

Không để trò ở lại phía sau

Những ngày tháng 3, sĩ số lớp 7D1, Trường THCS Nguyễn Du (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) chỉ dừng ở số 32 thay vì 45 học sinh như trước. Nhiều em trong lớp dương tính với SARS-CoV-2.

Nhưng với phương châm “dừng đến trường nhưng không dừng học”, nhiều giáo viên đã tích cực dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến để không trò nào ở lại phía sau.

Là giáo viên bộ môn Tiếng Anh, thầy Lê Văn Giáo dạy học song song hai hình thức hơn 3 tuần qua. Do tổ Tiếng Anh của nhà trường có 2/5 giáo viên bị nhiễm Covid-19, nên công việc của thầy Giáo và các thầy, cô còn lại có phần vất vả hơn trước.

Trung bình mỗi tuần, thầy Giáo đảm đương trên 20 tiết giảng, chưa kể số tiết thầy dạy thay đột xuất cho những giáo viên không may mắc Covid-19. Có những hôm vì giảng bài nhiều khiến thầy đau họng, khàn tiếng nhưng không thể vì thế mà bỏ rơi học trò.

Theo thầy Giáo, dạy học trực tuyến không chỉ đòi hỏi giáo viên xây dựng giáo án công phu, mà phải liên tục cập nhật công nghệ từ việc tìm hiểu phần mềm mới, bảng thông minh, tới chuyển đổi sách dạy học trực tuyến… Đặc biệt, khi dạy học trực tuyến, giáo viên cũng cần quan tâm tới học trò nhiều hơn. Bởi, không phải em nào cũng có hoàn cảnh như nhau và việc trao đổi, tương tác không giống như dạy học trực tiếp. Vì vậy, giáo viên luôn là người đồng hành, sát cánh cùng các em để khắc phục những khó khăn trong điều kiện dịch bệnh.

“Có những em do đường truyền Internet không ổn định, khó truy cập vào phòng học. Để không bỏ trò ở lại phía sau, những lúc như thế giáo viên phải dừng giảng để đợi các em. Bởi, nếu bỏ qua thì cũng đồng nghĩa học sinh không thể tiếp cận được bài giảng”, thầy Giáo chia sẻ.

Với những học sinh không thể truy cập vào phòng học trực tuyến dù đã cố gắng nhiều lần, thầy Giáo sẽ gửi lại bài giảng vào nhóm chung của lớp. Trường hợp trò vẫn chưa hiểu bài, giáo viên sẽ trao đổi lại nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các em.

Để khơi dậy đam mê, hứng thú cho học sinh mỗi khi dạy học trực tuyến, thầy Lê Văn Giáo luôn tìm tòi, đổi mới phương pháp. Một trong những phương pháp giảng dạy mang lại hiệu quả cao đó là sơ đồ tư duy, kết hợp các trò chơi để tạo sự hứng thú cho học sinh. “Sơ đồ tư duy giúp trò tiếp cận với nội dung bài giảng một cách nhẹ nhàng và không gây nhàm chán. Ngoài ra, phương pháp này còn kích thích tư duy học ngoại ngữ, khơi nguồn sáng tạo của các em”, thầy Giáo chia sẻ.

Vất vả là vậy, song NGƯT Lê Văn Giáo vẫn cho rằng: Được đi dạy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc. Bởi, học sinh của mình đã nỗ lực rất nhiều trong hoàn cảnh dịch bệnh.

NGƯT Lê Văn Giáo cho rằng, dạy học trực tuyến cần xây dựng giáo án công phu và có sự quan tâm nhiều tới học trò. Ảnh: TG
NGƯT Lê Văn Giáo cho rằng, dạy học trực tuyến cần xây dựng giáo án công phu và có sự quan tâm nhiều tới học trò. Ảnh: TG

Tương trợ đồng nghiệp

Sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp khi cần là tình cảm ấm áp mà những thầy, cô giáo đã và đang dành cho nhau trong đại dịch Covid-19. “Trường THCS Nguyễn Du là một trong những ngôi trường thích ứng nhanh với tình hình mới. Thay vì xây dựng thời khóa biểu hàng tuần, nhà trường đã xếp lịch dạy theo ngày.

Trong trường hợp có giáo viên không may nhiễm Covid-19, ngay lập tức sẽ có đồng nghiệp thay thế với quyết tâm không bỏ rơi bất cứ lớp học nào. Thậm chí, có những thầy, cô mới khỏi bệnh được 3 - 4 ngày đã xung phong đi dạy. Có lẽ, khi cùng nhau trải qua những khó khăn mới cảm nhận sâu sắc sự nhiệt huyết, yêu nghề và yêu thương học trò của nhiều thầy, cô”, thầy Giáo trải lòng.

Tương trợ đồng nghiệp cũng là việc làm ý nghĩa mà thầy, cô Trường THCS Nhữ Bá Sỹ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đang dành cho nhau trong trạng thái “bình thường mới”.

Thầy Nguyễn Văn Tuân - giáo viên môn Toán, Trường THCS Nhữ Bá Sỹ cũng dạy học song song hai hình thức nhiều tuần nay. Thậm chí, khi gần kín lịch cả tuần, thầy vẫn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp nếu cần. “Đối với bộ môn mình đảm trách, tôi luôn cố gắng cung cấp kiến thức cốt lõi và cần thiết nhất bằng mọi hình thức. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, bản thân luôn sẵn sàng dạy thay hoặc chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp”, thầy Tuân tâm sự.

Tại Trường THPT Hậu Lộc 1 (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), việc dạy học cũng được nhà trường thực hiện kết hợp giữa hai hình thức, theo phương châm: “Dừng đến trường nhưng không dừng học”.

Thầy Lê Khắc Đạt - giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Hậu Lộc 1 chia sẻ: “Đối với giáo viên tổ Hóa của nhà trường, thầy cô luôn luôn nêu cao tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. Có thời điểm tổ Hóa có 3/6 thầy, cô thuộc trường hợp F0, F1 nhưng mọi người vẫn sẵn sàng dạy thay, sẵn sàng cống hiến vào sự phát triển chung. Tôi nghĩ rằng, sự nghiệp giáo dục còn dài, vì vậy mỗi thầy, cô phải thực sự cố gắng vì học trò”.

Em Lê Thị Thùy Dương, học sinh lớp 7D1, Trường THCS Nguyễn Du cảm thấy biết ơn trước những nỗ lực, cố gắng của thầy, cô giáo nhà trường. Theo Thùy Dương, khi học trực tuyến, một số bạn còn gặp trục trặc về đường truyền Internet… Vì vậy, thầy cô phải kiên nhẫn rất nhiều. “Các thầy, cô đã nỗ lực rất nhiều để truyền đạt cho chúng em không chỉ kiến thức, mà còn là những kỹ năng công nghệ thông tin. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, em nghĩ rằng được đến trường là một điều may mắn. Vì vậy, em cũng mong các bạn sẽ cố gắng hơn để không phụ lòng thầy, cô”, Thùy Dương bộc bạch.

“Về cơ bản học sinh của nhà trường đều có trang thiết bị phục vụ cho việc học trực tuyến. Đối với một số học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà trường đã kêu gọi hỗ trợ ngay từ đợt đầu bùng phát dịch. Vì vậy, khi cần thiết có thể chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến. Nhà trường cũng xây dựng thời khóa biểu để ứng biến linh hoạt với tình hình dịch bệnh. Vì vậy, trong trường hợp thầy, cô không may bị F0 có thể bố trí giáo viên dạy thay. Các thầy, cô dạy thay cũng rất nhiệt tình, đó là tình cảm ấm áp mà đồng nghiệp đã, đang dành cho nhau”, cô Lê Thị Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.