Dạy học lớp 1 ở miền ngược và miền xuôi đang được thực hiện thế nào?

GD&TĐ - Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên do điều kiện thực tế và diễn biến dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên việc triển khai dạy học lớp 1 cũng được tính toán linh hoạt để đảm bảo hiệu quả cao nhất.

GV linh hoạt với dạy học lớp 1 trong bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh chụp khi chưa có dịch)
GV linh hoạt với dạy học lớp 1 trong bối cảnh dịch bệnh. (Ảnh chụp khi chưa có dịch)

Linh hoạt trong dạy học

Theo cô Nguyễn Thị Hải Yến – GV lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai): HS đã tựu trường trước khai giảng 5 ngày nhưng vì sĩ số chưa đủ nên sau khai giảng, khi 100% HS trở lại lớp, nhà trường mới tiến hành triển khai các hoạt động làm quen của HS lớp 1 (tuần 0). Cụ thể, HS sẽ được dạy nền nếp, nhận biết các nét cơ bản, phân biệt sách, vở, cách cầm bút, phấn, cách ngồi học, nền nếp trường lớp…

“Vì mới ra trường và chưa được hướng dẫn tuần 0 nên HS còn “lớ ngớ”, đặc biệt HS dân tộc thiếu tự tin, tiếng Việt chưa sõi, rụt rè… nên không thể bỏ qua tuần 0. Sau đó, tùy thuộc vào thực tế tiếp nhận của HS, GV sẽ triển khai dạy học theo chương trình, nội dung mới cho phù hợp nhất...

Tuy nhiên xác định dạy học trong thời điểm dịch bệnh cần có sự ứng phó kịp thời song thời gian đầu việc triển khai tuần 0 sẽ không thể nhanh, hoặc cắt bớt. Thậm chí, tiến hành chậm nhưng tới đâu HS phải chắc kiến thức tới đó. Như vậy khi bước vào học trực tiếp hay trực tuyến thì mới hiệu quả và có cơ sở…’ – cô Yến bày tỏ.

100% HS lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) đã ra lớp.
100% HS lớp 1 Trường PTDTBT Tiểu học Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà – Lào Cai) đã ra lớp. 

Cô Chu Thị Uyên – GV lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc) cho biết: Ngay sau khai giảng, ngày 6/9 HS đã bước ngay vào học kiến thức mới trực tiếp tại lớp vì đã trải qua tuần làm quen cách trước đó.

Song đề phòng dịch diễn biến phức tạp, HS có thể phải chuyển sang học trực tuyến nên nhà trường đã chỉ đạo dạy học khối 1 “cuốn chiếu” trong thời gian đầu với 3 môn chính Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Các môn còn lại dạy sau. Như vậy, trong trường hợp phải dạy học trực tuyến thì triển khai cũng đơn giản hơn so với những môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh…

Cô Chu Thị Uyên cũng cho rằng, do năm nay HS lớp 1 được chuẩn bị tuần 0 kĩ càng nên bước vào học kiến thức mới đã bắt nhịp ngay, các kĩ năng, nền nền học tập trường lớp cũng thành thạo. So với năm ngoái HS không trải qua tuần 0, thì năm nay GV đỡ vất vả hơn rất nhiều, không còn vừa dạy bài mới vừa hướng dẫn HS viết nét…

Cô Nguyễn Thị Lan Phương – Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm- Hà Nội) cũng chia sẻ: Nhà trường và GV khối 1 đã xác định HS lớp 1 bước vào học trực tuyến sẽ bỡ ngỡ bởi không có tuần trước khai giảng. Chắc chắn các em chưa nắm được cách học ở bậc tiểu học, chưa biết cách thao tác máy móc, ý thức học chưa cao, cách chuẩn bị đồ dùng học tập, lấy sách gì vở cho đúng cũng chưa được chuẩn bị…

Như vậy, dù học trực tuyến ngay sau khai giảng thì vẫn phải triển khai kĩ tuần làm quen cho HS. Đồng thời yêu cầu  phụ huynh học cùng con thời gian đầu. Ở tuần đầu giáo viên sẽ hướng dẫn ý thức ngồi học, chuẩn bị đồ dùng học tập, cách cầm bút đúng, lấy đồ dùng học tập… Với thao tác, mở tắt máy tính, tắt bật míc khi học sẽ nhờ gia đình hỗ trợ trẻ thao tác trực tiếp trên máy cho hiệu quả.

HS lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm - Hà Nội) học trực tuyến.
HS lớp 1 Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm - Hà Nội) học trực tuyến. 

“Kinh nghiệm 20 năm dạy học lớp 1, và bước sang năm thứ 2 dạy học online cho HS lớp 1 cho thấy, để dạy học thành công thì nhất định phải có sự hỗ trợ của phụ huynh ít nhất trong vòng 1 tháng đầu tiên.

Cùng đó triển khai tuần làm quen thật chuẩn chỉnh. Càng đặt “nền móng” vững chắc bao nhiêu thì khi bước vào dạy kiến thức mới sẽ HS sẽ nhanh chóng bắt nhịp bấy nhiêu. Sau khi HS đi học trực tiếp trở lại sẽ căn cứ thực tế để củng cố kiến thức cho HS thêm vững vàng…” – cô Lan Phương chia sẻ.

Tạm dừng đến trường không dừng học

Hướng dẫn việc dạy học lớp 1, lớp 2 trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, TS Thái Văn Tài – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học Bộ GD&ĐT) trao đổi: Đối với HS lớp 1, lớp 2, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục (CSGD) chủ động liên hệ và hướng dẫn cha mẹ HS phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện địa phương, nhà trường và gia đình.

Các trường cũng cần lựa chọn những nội dung cần thiết để hướng dẫn phụ huynh tổ chức các hoạt động giáo dục HS ở nhà phù hợp với điều kiện gia đình, nhằm chuẩn bị cho HS sẵn sàng tâm thế và duy trì việc học tập…

Nhà trường cũng cần sẵn sàng cho kịch bản dạy học trực tiếp khi HS trở lại trường học tập và có phương án tăng cường riêng cho đối tượng HS gặp khó khăn.

TS Thái Văn Tài lưu ý: Việc tổ chức dạy học trực tuyến (DHTT) cần có hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi đối với HS lớp 1, lớp 2. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các cơ sở GD phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm, học liệu DHTT.

Cô Chu Thị Uyên với HS lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) (ảnh chụp khi chưa có dịch)
Cô Chu Thị Uyên với HS lớp 1 Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) (ảnh chụp khi chưa có dịch)

GV được hướng dẫn sử dụng phần mềm, có các kỹ năng cần thiết khi tổ chức DHTT; cha mẹ HS được thông báo lịch học, hướng dẫn sử dụng và chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng phối hợp cùng GV hỗ trợ cho HS trong quá trình DHTT tại nhà.

Về thời khóa biểu phải được sắp xếp một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các môn học, phân bổ hợp lý về thời lượng dạy học trong tiết học/buổi học, thời điểm tổ chức học trong ngày và trong tuần phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không gây áp lực đối với HS;

Ưu tiên dạy học môn Tiếng Việt và môn Toán đảm bảo giúp HS hình thành kỹ năng đọc, viết, nói, nghe, kỹ năng tính toán và các kỹ năng cơ bản cần thiết ban đầu theo quy định; thực hiện sắp xếp các chủ đề học tập, sử dụng kho học liệu điện tử kèm theo các bộ SGK để xác định các nội dung có thể tổ chức DHTT.

Trong trường hợp không đủ điều kiện để tổ chức DHTT theo quy định, các CSGD phối hợp cùng cha mẹ HS triển khai thực hiện giải pháp học tập qua truyền hình trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” được phát trên kênh VTV7 (Đài THVN) và các ứng dụng khác từ 6/9/2021;

Nhà trường cần hướng dẫn GV sử dụng các bài giảng trong chuyên mục “Dạy Tiếng Việt lớp 1” để gửi bài giảng đến cha mẹ HS qua các ứng dụng phổ biến, thông dụng như Facebook, Zalo, Email… phối hợp cùng GV hướng dẫn HS chủ động học tập ở nhà phù hợp với khung thời gian, điều kiện cụ thể và khả năng đáp ứng của gia đình...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Myanmar tìm cách gia nhập BRICS

Myanmar tìm cách gia nhập BRICS

GD&TĐ - Myanmar mong muốn hợp tác với BRICS và sẽ nỗ lực hết sức để gia nhập khối này, theo phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Than Swe.