Chuyển biến lớn từ một phong trào lớn

Chuyển biến lớn từ một phong trào lớn

(GD&TĐ) - Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận tại Hội nghị Tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” sáng nay (17/7): Sẽ không còn là một phong trào - phong trào tức là vận động - “Xây dựng THTT - HSTC” sẽ trở thành hoạt động bình thường trong nền nếp, trong nội dung công tác của Ngành, của mỗi nhà trường.

GD&TĐ trân trọng đăng tải nội dung phát biểu kết luận Hội nghị của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Đầu đề và các tiểu mục do tòa soạn đặt.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phát biểu tại Hội nghị

Chủ trương đúng đắn, đúng trọng tâm, có trọng điểm

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói:

“Qua tài liệu Hội nghị và phát biểu tham luận, các đồng chí đều bày tỏ ý kiến thống nhất với báo cáo của Ban Chỉ đạo phong trào và nhất trí việc phát động phong trào là chủ trương đúng đắn, đi đúng trọng tâm, có trọng điểm, phù hợp với tình hình chung của giáo dục phổ thông cả nước cũng như đặc điểm riêng của mỗi địa phương, mỗi nhà trường.

Thực tiễn phong trào cho thấy: “Xây dựng phong trào trường học thân thiện - Học sinh tích cực đã phát huy được tính chủ động sáng tạo của thầy cô giáo và của các nhà trường, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan trung ương, địa phương và người dân tham gia vào hoạt động của nhà trường, tham gia vào việc củng cố và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ trưởng đánh giá: “Qua theo dõi tình hình, chúng tôi nhận thấy phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực” đã đi vào cuộc sống, đã trở thành một sinh hoạt bình thường của nhà trường và của các địa phương.

Phong trào có thể sống bình thường, không cần phải có sức ép, không cần có chỉ thị, văn bản nào từ bên ngoài, từ bên trên. Trong thực tế, nhiều phong trào, nhiều hoạt động của chúng ta sống được, nhưng sống có thời hạn, sống nhờ có nhiều văn bản, chỉ thị, ngoại lực tác động từ bên ngoài, từ bên trên.

Qua theo dõi có thể thấy phong trào đi vào cuộc sống, phù hợp với tình hình của cơ sở, của địa phương, đúng trọng tâm, sống bình thường, sống độc lập và tiếp tục sống trong giai đoạn tới, không cần sức ép”.

Sẽ là nội dung hoạt động thường nhật của mỗi nhà trường

Với đánh giá như vậy, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Sẽ không để “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” là một phong trào nữa - phong trào tức là vận động - mà đưa trở thành những hoạt động bình thường trong nền nếp, trong nội dung của hoạt động nhà trường.

Theo đó, có thể tới đây sẽ không còn Ban chỉ đạo, mà có sự phối hợp giữa các ban ngành T.Ư, có sự phối hợp giữa T.Ư Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đi vào bài bản, nền nếp trong sự phối hợp giữa các cơ quan; Đưa vào hoạt động thường nhật, bình thường, nội dung hoạt động chỉ đạo của các phòng, các sở, của UBND các địa phương cũng như của Bộ GD&ĐT.

Qua thực tiễn cho thấy, phong trào này có ý nghĩa, có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của thầy và trò, trong việc thay đổi quan niệm và thay đổi quan hệ thầy - trò, giữa học trò với nhau, giữa các thầy cô giáo cũng như mối quan hệ giữa nhà trường với xã hội, với cộng đồng. Phong trào mang tính thiết thực, cụ thể, hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động đổi mới, bao gồm đổi mới hoạt động quản lý, đổi mới hoạt động chuyên môn trong hoạt động thi cử, trong giảng dạy của mỗi nhà trường tại các địa phương.

Hiện nhiều địa phương đã làm, đã thay đổi được nội dung và thay đổi cả phương pháp giảng dạy. Những thay đổi tích cực của ngành cả ở T.Ư, cả ở địa phương, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp - đã gắn liền với nội dung của phong trào “Trường học thân thiện - Học sinh tích cực”.

Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đề cập đến phương hướng sắp tới, trong đó tập trung tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm, nhất là bài học kinh nghiệm về sự chủ động sáng tạo của các thầy cô giáo, của nhà trường, của học sinh, sự chủ động trong việc đón nhận những sự hỗ trợ từ các lực lượng ngoài nhà trường.

Cụ thể hóa một phong trào vào Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết:

“Trong quá trình hoàn thiện Đề án đổi mới căn bản toàn diện GD - ĐT, Hội nghị T.Ư 8 sẽ đưa ra thảo luận, trong đó có nhiều nội dung, nhưng gắn với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực” có 2 điểm cần lưu ý nhằm cụ thể hóa để vận dụng vào thực tiễn.

Thứ nhất, trong nội dung chuyển đổi căn bản toàn diện của giáo dục sắp tới, lưu ý việc chuyển phương thức giáo dục từ coi nặng về truyền thụ kiến thức một chiều, ứng thí sang một phương thức giáo dục chủ động chú trọng việc hình thành phẩm chất và năng lực của người học.

Với sự thay đổi này, phải thiết kế lại toàn bộ chương trình, nội dung dạy và học trong các nhà trường. Từ nội dung đó, phải thiết kế lại gần như toàn bộ nội dung giảng dạy của các trường sư phạm. Và phải xây dựng mới chương trình, nội dung bồi dưỡng cho giáo viên đang làm việc hiện nay.

Thứ hai, nội dung chuyển đổi căn bản thứ hai của giáo dục là chuyển từ hệ thống giáo dục đóng, khép kín sang hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời.

Từ “đóng” sang “mở, học tập suốt đời” có nhiều nội dung không nằm trong khuôn khổ nhà trường mà nằm ngoài cộng đồng, ngoài xã hội, nhưng liên quan trực tiếp đến nhà trường là: Trường học không cô lập trong cộng đồng, không chỉ thu hẹp trong tường rào của nhà trường nữa. Trường học sẽ được mở ra gắn với cộng đồng.

Không chỉ thầy cô giáo tham gia vào hoạt động giáo dục, mà các lực lượng xã hội  tiên tiến tham gia vào hoạt động nhà trường, đặc biệt là tham gia vào các hoạt động hình thành nên phẩm chất, hình thành nên giá trị đạo đức, tư cách của con người học sinh. Cùng đó, nhà trường cũng sẽ tham gia nhiều vào hoạt động xã hội, của cộng đồng.

Trước mắt, 2 nội dung chuyển đổi đó sẽ gắn liền với nội dung hoạt động của phong trào của “Xây dựng trường học thân thiện - Học sinh tích cực”. Có những nội dung triển khai rồi phải làm một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn, căn cơ hơn để hiệu quả cao hơn. Có những nội dung chưa làm phải từng bước nghiên cứu triển khai.

“Trường học thân thiện – Học sinh tích cực” là một hoạt động vừa có giá trị phổ quát - UNESCO cũng có nói đến việc này và phổ biến trên phạm vi nhiều nước, vừa có ý nghĩa đặc thù riêng với hoạt động GD – ĐT của chúng ta trong hoàn cảnh hiện nay”.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng đề nghị các thầy cô giáo, các cán bộ quản lý ở địa phương, ở cơ sở, một mặt tiếp thu kiến thức kinh nghiệm phổ quát, mặt khác chú ý việc tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn của mình, nhân rộng ra.

Đồng thời, tiếp tục góp ý vào đề án và tiếp nhận nội dung của Đề án đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT khi được T.Ư thông qua.

Gia Hân ghi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.