Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chia sẻ giáo viên để bù thiếu hụt

GD&TĐ - TPHCM hiện có hơn 2.300 trường học. Hằng năm, nhu cầu tuyển dụng giáo viên của địa phương này rất lớn, tuy nhiên không phải năm học nào ngành cũng tuyển đủ chỉ tiêu đề ra.

Giờ học Tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1. Ảnh minh hoạ: P.N
Giờ học Tiếng Anh của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1. Ảnh minh hoạ: P.N

Nhiều môn như Âm nhạc, Mĩ thuật, Tiếng Anh, Tin học… rất ít ứng viên dự tuyển, gây khó khăn trong công tác tuyển dụng. Khắc phục tình trạng này, nhiều trường chọn giải pháp mời giáo viên thỉnh giảng, “chia sẻ” giáo viên giữa các trường lân cận với nhau. 

Cùng hỗ trợ

Theo ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 8, thời gian qua, nhiều trường trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh nhưng chưa tuyển đủ, có môn ứng viên dự tuyển ít .Vì vậy, các trường phải chủ động tìm kiếm nguồn giáo viên để đáp ứng hoạt động giáo dục.

Định hướng là ưu tiên tuyển dụng nhưng chưa tuyển được, nên giải pháp trước mắt phải hợp đồng thỉnh giảng, các trường có thể “chia sẻ” giáo viên với nhau. Việc mời giáo viên thỉnh giảng do các trường tự trả kinh phí. Giáo viên được mời sẽ sắp xếp thời gian dạy phù hợp, cam kết về chất lượng giáo dục. Theo nhiều hiệu trưởng, mời giáo viên thỉnh giảng ở một số môn học ở các trường trên địa bàn là chuyện không hiếm những năm qua.

Tại Trường THCS Minh Đức (Quận 1), cô Trần Thuý An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học trước, trường mời giáo viên thỉnh giảng môn Giáo dục công dân, do có 2 giáo viên trong tổ mang bầu, sinh con. Năm học này, trường mời giáo viên giảng dạy môn Địa lý.

“Việc mời giáo viên của trường công lập khác trên địa bàn Quận 1 thỉnh giảng, chi phí sẽ do nhà trường trả căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ. Ban giám hiệu sẽ kiểm tra các hồ sơ, kế hoạch dạy học, cũng như có những cam kết để nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục. Đồng thời nhà trường sẽ sắp xếp thời khoá biểu phù hợp, thuận lợi cho giáo viên thỉnh giảng”, cô An cho hay.

Tương tự tại Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1), theo thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng, trường chưa tuyển dụng được giáo viên Âm nhạc nên thời gian qua có sự hỗ trợ của trường bạn. Và ngược lại, một số môn khác trường hỗ trợ lại các trường trên địa bàn.

Tương tự, Trường THCS Trần Văn Ơn (Quận 1), hai năm học gần đây chưa tuyển được giáo viên Công nghệ nên phải hợp đồng thỉnh giảng với giáo viên.

Với cấp tiểu học, nhiều trường tại TPHCM hiện thiếu giáo viên cơ hữu môn Tiếng Anh, Tin học do rất ít ứng viên dự tuyển. Theo đó, các trường phải linh hoạt mời thỉnh giảng, hợp đồng với các trung tâm Ngoại ngữ uy tín, trung tâm Tin học uy tín hoặc với giáo viên đã nghỉ hưu.

Không chỉ các trường công lập, trường tư thục cũng thực hiện giải pháp nói trên khi thiếu một số giáo viên do chưa tuyển đủ. Thầy Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, Quận 6 cho rằng: Một số môn khi chưa tuyển đủ giáo viên cơ hữu, trường thực hiện giải pháp mời giáo viên ở các trường có uy tín thỉnh giảng. Giáo viên và nhà trường đều có những cam kết về chất lượng dạy học. 

Với việc bỏ yêu cầu về hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên, những năm gần đây, TPHCM hút rất đông ứng viên hộ khẩu các tỉnh, thành khác đến tham gia ứng tuyển. Ảnh minh hoạ: P.Nga
Với việc bỏ yêu cầu về hộ khẩu trong tuyển dụng giáo viên, những năm gần đây, TPHCM hút rất đông ứng viên hộ khẩu các tỉnh, thành khác đến tham gia ứng tuyển. Ảnh minh hoạ: P.Nga 

Cần giải pháp bền vững

Việc mời giáo viên thỉnh giảng, chia sẻ giữa các trường, theo nhiều lãnh đạo chỉ là giải pháp tạm thời gỡ khó khi việc tuyển dụng giáo viên chưa đủ. Để giải quyết vấn đề này, ngành GD-ĐT phải có những giải pháp mang tính lâu dài, bền vững để bảo đảm “ở đâu có học sinh, ở đó có giáo viên” và nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhất là trong bối cảnh thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tại TPHCM, để giải quyết việc không tuyển đủ giáo viên, nhất là với các bộ môn như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ, những năm gần đây Sở GD&ĐT TP bỏ yêu cầu về hộ khẩu. Chủ trương này đã “hút” được lượng ứng viên rất lớn. Đơn cử, năm 2020 - 2021, các đơn vị trực thuộc sở GD&ĐT cần tuyển 495 giáo viên thì có khoảng 1.300 ứng viên đăng kí, trong đó có 766 ứng viên không có hộ khẩu TP. Tuy vậy, trên thực tế việc tuyển đủ giáo viên thiếu cục bộ ở một số môn học hiện vẫn là bài toán “đau đầu” với nhiều đơn vị.

Huyện Bình Chánh,  năm học 2020 - 2021 thiếu 42 giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học, 17 GV tiếng Anh dạy THCS và thiếu 17 giáo viên Tin tiểu học. Hằng năm, huyện tuyển dụng liên tục nhưng ứng viên ít, khó tuyển đủ. Một phần, huyện Bình Chánh thuộc khu vực ngoại thành nên ít thu hút được các ứng viên đến dự tuyển. Chính vì vậy, giải pháp được các trường đưa ra chủ yếu là hợp đồng với các trung tâm Anh ngữ được cấp phép. Một số ít trường chọn cách “mượn” giáo viên của trường bên cạnh. Việc “chia sẻ” giáo viên này là sự thoả thuận giữa các trường và giáo viên, kinh phí do trường tự chi trả.

Trong cuộc họp với UBND TPHCM gần đây, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT đã đề xuất với UBND TP kiến nghị với Bộ GD&ĐT sớm sửa đổi Thông tư 16/2017 về ban hành danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở giáo dục phổ thông công lập, phù hợp với Nghị quyết 102 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế. Đặc biệt, quan tâm giáo viên các môn Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Nhạc, Mỹ thuật... Hiện, do vướng Thông tư 16, các trường học ở TPHCM rất khó tuyển nhân viên y tế, giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Công nghệ...

Về phía địa phương, ngành GD-ĐT TPHCM cũng kiến nghị với UBND TP xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp với thực tiễn phát triển GD-ĐT của thành phố. TP Thủ Đức, các quận huyện, cần chủ động rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn, chủ động xây dựng kế hoạch sắp xếp, tuyển bổ sung đội ngũ, sử dụng và phân công hợp lý giáo viên hiện có. Một kiến nghị được Sở GD&ĐT TP đề xuất là cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với giáo viên Tiếng Anh, để khuyến khích thầy cô gắn bó với ngành.

Môn Tiếng Anh ở bậc tiểu học, do các ứng viên dự tuyển không đáp ứng theo quy định, TPHCM từng có văn bản gửi Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn trong việc tuyển dụng giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học tương tự quy định tuyển dụng đối với giáo viên THCS, THPT.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm chống đột quỵ giả được bày bán trong cửa hàng nằm bên trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.

Ai chịu trách nhiệm?

GD&TĐ - Công an TP Thanh Hóa vừa phát hiện bắt giữ nhiều sản phẩm là thuốc chống đột quỵ giả bày bán trong siêu thị Coopmart Thanh Hóa.
Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.
Xe tăng rùa với thiết bị gây nhiễu đặc biệt.

Clip UAV FPV chịu thua xe tăng rùa

GD&TĐ - Máy bay không người lái kamikaze góc nhìn thứ nhất (FPV) của Ukraine đã không hiệu quả khi tấn công những xe tăng rùa của Nga trên chiến trường.
Minh họa/INT

Khi nào Hamas buông súng?

GD&TĐ - Việc phát hiện hố chôn gần 240 thi thể trong bệnh viện Nasser ở thành phố Khan Younis, phía Nam Dải Gaza, thể hiện rõ nhất sự đẫm máu của cuộc xung đột.