Căn cứ quan trọng để phát triển các chương trình bồi dưỡng thường xuyên

GD&TĐ - Trong 3 ngày, từ 28 - 30/11/2018, tại Hải Phòng, Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) tổ chức Tập huấn.

TS Tôn Quang Cường, báo cáo viên hướng dẫn học viên tìm minh chứng về sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
TS Tôn Quang Cường, báo cáo viên hướng dẫn học viên tìm minh chứng về sử dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy

Tập huấn triển khai Thông tư số 14/2018/TT-BGDĐT, ngày 20/7/2018, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 14) và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT, ngày 22/8/2018, của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là Thông tư 20).

Hơn 260 đại biểu là những cán bộ sở/phòng giáo dục và đào tạo, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, giáo viên cấp tiểu học, THCS, THPT đến từ 22 tỉnh thành khu vực phía bắc, đại diện Cục, Vụ liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các trường đại học sư phạm tham gia ETEP (phía bắc) tham dự tập huấn.

Chương trình tập huấn nhằm giúp các địa phương triển khai thực hiện các thông tư này đúng quy định, đảm bảo đánh giá khách quan, đúng thực trạng phẩm chất, năng lực của giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (GV & CBQLCSGDPT) theo chuẩn. Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy công tác bồi dưỡng thường xuyên, phát triển đội ngũ GV & CBQLCSGDPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

TS Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục phát biểu khai mạc
TS Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục phát biểu  khai mạc 

Phát biểu khai mạc chương trình tập huấn, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục nhấn mạnh: “Đội ngũ GV&CBQLCSGDPT đóng vai trò then chốt trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 chuẩn mới: Chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông.

Đây là bộ công cụ quan trọng để làm rõ năng lực của đội ngũ, đánh giá hiện trạng đội ngũ đang ở mức nào. Bộ công cụ này đã tiếp cận được chuẩn quốc tế, cập nhật những vấn đề đổi mới giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chuẩn mới tường minh, định lượng, định tính hơn, bao quát hết được những năng lực cần thiết của cán bộ quản lý và giáo viên.

Việc tiếp cận, triển khai thực hiện tốt các chuẩn ở cơ sở nhằm hướng đến cái đích là mỗi GV,CBQLCSGDPT xác định đúng năng lực của mình để tự bồi dưỡng, các cấp quản lý xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đáp ứng nhu cầu nâng cao năng lực cho đội ngũ”.

Các học viên được cung cấp thông tin đầy đủ về căn cứ, mục đích ban hành thông tư, nội dung chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông; Những yêu cầu, quy trình đánh giá và xếp loại kết quả đánh giá theo chuẩn; Tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quy trình lựa chọn cốt cán; Công tác chỉ đạo, thực hiện đánh giá, xếp loại theo chuẩn. …

Đặc biệt thu hút sự quan tâm chú ý của đại biểu là các nội dung: Nguyên tắc tiếp cận, những điểm mới của chuẩn, nội dung cốt lõi của chuẩn; Hướng dẫn cách sử dụng chuẩn; Cách tập hợp minh chứng trong đánh giá, xếp loại theo chuẩn.

Sau phần giới thiệu về 2 thông tư quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông của các cán bộ, chuyên viên của Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, 2 chuyên gia PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý giáo dục - Học viện Quản lý Giáo dục) và TS Tôn Quang Cường (Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội), các đại biểu chia nhóm để thảo luận và thực hành đánh giá theo chuẩn.

Nhiều ý kiến trao đổi về cách thu thập minh chứng trong qúa trình đánh gía theo chuẩn
Nhiều ý kiến trao đổi về cách thu thập minh chứng trong qúa trình đánh gía theo chuẩn  

Nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận, ví dụ như: Vai trò và nhiệm vụ của giáo viên/cán bộ quản lý được nhấn mạnh như thế nào trong Thông tư 20 và Thông tư 14; Vì sao giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông muốn đạt chuẩn nghề nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu ở mức đạt của tất cả các tiêu chí?

Việc đánh giá giáo viên theo Thông tư số 20 có chồng chéo với quy định về đánh giá Nghị định 56/2015/NĐ-CP Hà Nội, ngày 09/06/2015, của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 88/2017/NĐ-CP, ngày 27/7/2017 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP không? Những điểm nào cần lưu ý khi đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp?

Nếu giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp hay dạy thêm học thêm, thu trái quy định thì có đạt chuẩn nghề nghiệp không? Tổ chuyên môn tổ chức lấy ý kiến đánh giá giáo viên như thế nào để đảm bảo chính xác và khách quan? Các minh chứng được sử dụng trong đánh giá chuẩn hiệu trưởng như thế nào?

Những ý kiến của giáo viên trong đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn được sử dụng như thế nào? Kết quả đánh giá giáo viên và hiệu trưởng theo chuẩn ảnh hưởng thế nào trong việc đánh giá công nhận nhà trường đạt chuẩn Quốc gia?...

Tới đây, chương trình tập huấn triển khai Thông tư Số 14/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông tiếp tục tổ chức tại Cần Thơ và Đà Nẵng vào đầu tháng 12/2018.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ