Bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý GD thường xuyên, liên tục, tại chỗ

GD&TĐ - Ngày 23/4, tại Đà Nẵng, Bộ GD&ĐT, Chương trình ETEP đã tổ chức Hội nghị Sơ kết bồi dưỡng GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 và kế hoạch năm 2021. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Chương trình ETEP, các trường ĐH Sư phạm trọng điểm và các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV, CBQL năm 2021 đảm bảo khoa học, minh bạch.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị Chương trình ETEP, các trường ĐH Sư phạm trọng điểm và các Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch bồi dưỡng GV, CBQL năm 2021 đảm bảo khoa học, minh bạch.

Công thức 5 – 3 – 7

Một trong các mục tiêu trọng tâm của Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV, CBQL cơ sở giáo dục phổ thông (gọi tắt là chương trình ETEP) là phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GV và CBLQ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thông qua các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, kết hợp giữa các phương thức trực tuyến, trực tiếp và sinh hoạt chuyên môn.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: “Điểm mới trong bồi dưỡng GV thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 là không có F1, F2. Trước đây bồi dưỡng cán bộ là GV ở cấp trung ương rồi chuyển giao cho GV cấp tỉnh rồi đến cấp quận huyện. Cứ mỗi một lần chuyển giao lại “rơi mất” đi một ít. Ở đây, dù là GV cốt cán hay GV đại trà đều được nghiên cứu một tài liệu như nhau. Sau khi cùng nghiên cứu thì có sự hỗ trợ của GV cốt cán cùng đội ngũ giảng viên sư phạm ở các tỉnh sẽ giúp đỡ.

GV cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn. Bên cạnh GV cốt cán sẽ có một giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ thêm để GV được tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trước kia là bồi dưỡng theo đợt, giờ là bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ, có sự hỗ trợ của CNTT, kết hợp trực tuyến và trực tiếp, đặc biệt là có sự hỗ trợ của GV cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thực tế triển khai việc bồi dưỡng GV theo công thức 5–3-7 cho thấy có hiệu quả rõ rệt. Tài liệu về bồi dưỡng đã được xây dựng và đưa lên hệ thống, GV có tài khoản để nghiên cứu tài liệu. GV có 5 ngày để nghiên cứu tài liệu. Trong tài liệu, có những clip để giới thiệu những định hướng và những bài tập thử thách. Nếu GV vượt qua thì sẽ chuyển sang những nội dung tiếp theo để khai thác thông tin trong tài liệu này.

Sau đó, GV sẽ có 3 ngày để gặp trực tiếp các chuyên gia, những giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường ĐH Sư phạm trọng điểm đã được Bộ GD&ĐT lựa chọn để có thể hướng dẫn, hỗ trợ đồng nghiệp giúp cho các GV hiểu sâu, kỹ hơn những nội dung của tài liệu tự bồi dưỡng.

Tiếp theo, GV có 7 ngày tự nghiên cứu, tự học, tự làm và có bài kiểm tra cuối khóa để đánh giá kết quả. Sau công thức 5-3-7, GV sẽ có bài kiểm tra. Nếu GV đỗ thì sẽ được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng. Mỗi GV sẽ có 9 modun để bồi dưỡng và tự bồi dưỡng.

Theo đánh giá của Chương trình ETEP, năm 2020, do tình hình dịch Covid – 19 diễn ra phức tạp, tài liệu bồi dưỡng được hoàn thành muộn so với kế hoạch. Theo đó, thời gian bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ cốt cán bị dồn lại vào 3 tháng cuối năm. Điều này gây ra một số khó khăn cho công tác tổ chức bồi dưỡng và cho việc sắp xếp thời gian của các học viên.

Tuy vậy, với sự nỗ lực của các trường ĐH Sư phạm và Học viện QLGD cùng sự phối hợp chặt chẽ, tích cực của các Sở GD&ĐT, Chương trình ETEP đã hoàn thành mục tiêu đề ra đối với bồi dưỡng các modun 2, 3 cho đội ngũ GV phổ thông cốt cán và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. Đã tạo ra được cơ chế gắn kết giữa các trường ĐH Sư phạm với các Sở GD&ĐT, hình thành được một cộng đồng học tập tích cực với sự tham gia của đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, đội ngũ GV phổ thông và CBQL cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà trên cả nước.

Tăng tốc bồi dưỡng để triển khai thực hiện chương trình SGK lớp 2, lớp 6

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá: “Năm 2020 là một năm đặc biệt đối với GD&ĐT. Đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thời gian đầu triển khai thực hiện, chúng ta gặp không ít khó khăn. Nhưng đến nay, những phản hồi từ các trường học, từ xã hội, từ các Sở GD về việc thực hiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là rất tích cực. HS dễ học được bài hơn, đọc trơn tiếng Việt nhanh, vốn từ phong phú đã hỗ trợ cho các em học những môn khác rất tốt. HS và GV tự tin, chủ động khi thực hiện chương trình mới”.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đây được xem là hội nghị 4 bên để cùng thống nhất với nhau để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV, CBQL trong năm 2021. Việc xây dựng chương trình bồi dưỡng vì vậy phải rõ ràng, minh bạch, giúp GV triển khai thực hiện tốt CTGDPT mới.

Những khó khăn, vướng mắc về mặt kỹ thuật, tài chính sẽ sớm được tháo gỡ. Tuy nhiên, có những vấn đề, địa phương phải có sự linh động trong vận dụng. Đơn cử như việc các trường có thể tăng số lượng giáo viên cốt cán tham gia tập huấn thì có thể chủ động thêm từ kinh phí địa phương. Bộ GD&ĐT đã làm việc với Bộ Tài chính để sớm có thông tư về hỗ trợ bồi dưỡng trực tuyến – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ lưu ý: “Năm học 2021 – 2022 chúng ta bắt đầu triển khai chương trình – SGK mới với lớp 6. So với lớp 1 thì việc triển khai ở lớp 6 có những khó khăn, thách thức hơn. Ngoài các môn học mới, như không còn môn Lý, Hóa, Sinh nữa mà là môn KHTN, môn Lịch sử, Địa lý không còn là môn riêng mà là môn tích hợp cộng thêm những yêu cầu khác. Đầu vào của HS lớp 6 năm tới không học được trọn chương trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 của Tiểu học.

Vì vậy, Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình và kế hoạch bổ sung cho lớp 5. Điều này nhằm giúp HS tiểu học được bổ trợ các kiến thức để đảm bảo yêu cầu đầy đủ kiến thức để sẵn sàng đón nhận chương trình lớp 6. Tuy nhiên, thách thức khi triển khai chương trình – SGK ở lớp 6 là rất lớn. GV giảng dạy lớp 6 năm học tới phải rất tâm huyết, hiểu về chương trình, làm chủ chương trình và dạy học bằng cả tâm huyết của mình thì mới vượt qua những khó khăn vướng mắc”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ