Ai đặt tên cho Gateway là trường quốc tế?

GD&TĐ - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) Phạm Ngọc Anh khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào là trường quốc tế. Tên “Trường Tiểu học quốc tế Gateway” là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh. Gateway tự gán mác trường quốc tế cho tất cả các tên giao dịch của mình. Danh xưng trường quốc tế giúp Gateway tạo được hình ảnh như một ngôi trường đào tạo với tiêu chuẩn chất lượng cao, uy tín.

Ai đặt tên cho Gateway là trường quốc tế?

Tận dụng tâm lí sính ngoại

Không chỉ Gateway mà rất nhiều trường ngoài công lập khác đã gán mác trường quốc tế từ nhiều năm qua để thu hút học sinh và tăng lợi nhuận. Tuy vậy, chất lượng so với mức học phí “khủng” của các trường quốc tế là điều đáng bàn.

Không chỉ qua sự việc Gateway mà trong tháng 6 vừa qua, một trường mầm non tư thục khác gắn mác quốc tế cũng đã liên quan đến việc cô giáo đánh học sinh đến bầm má, rách môi. Dù chỉ là một trường có giáo viên thuần Việt, chủ đầu tư cũng là người Việt Nam nhưng trường vẫn tự gắn mác là trường quốc tế để tận dụng tâm lí sính ngoại của nhiều phụ huynh.

Được biết, Trường Gateway có các chương trình đào tạo giáo dục kết hợp giữa chương trình tiếng Anh và tiếng Việt như chương trình STEAM thực hành, khoa học, tin học, các môn tự chọn AP, chương trình Dual Enrollment.

Hệ thống trường phổ thông liên cấp quốc tế Gateway có 3 cơ sở là Gateway Cầu Giấy, Gateway Tây Hồ tây và

Gateway Hải Phòng. Hệ thống trường này thuộc quản lý của Tập đoàn Edufit - một tập đoàn giáo dục tại Việt Nam.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Giáo dục quốc tế Edufit được thành lập tháng 12/2017 với người đại diện theo pháp luật là bà Trần Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1982). Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính là giáo dục, tập đoàn này còn kinh doanh bất động sản và bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

Vốn điều lệ của Edufit tại thời điểm mới thành lập là 20 tỷ đồng. Đến tháng 10/2018, Edufit nâng vốn điều lệ lên 150 tỷ đồng, hoàn toàn là vốn tư nhân. Theo thông tin trên website nhà trường, học phí bậc tiểu học năm học 2019 - 2020 của Gateway là 117,7 triệu đồng.

Chưa có quy định cụ thể về trường quốc tế

Dù đã có rất nhiều ngôi trường quốc tế thành lập và được giới thiệu là một môi trường học tập tiên tiến, hiện đại với mức học phí cao ngất, nhưng trong các văn bản pháp luật hiện nay, không hề có quy định nào về trường quốc tế. Theo đó, cũng không có tiêu chuẩn cụ thể nào cho những ngôi trường này.

Theo Điều 48 của Luật Giáo dục hiện hành, các loại hình nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ bao gồm: Trường công lập; Trường dân lập; Trường tư thục. Luật Giáo dục mới được Quốc hội thông qua năm 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020) cũng quy định 3 loại hình nhà trường tương tự như trên.

Các trường quốc tế hầu như được hoạt động dưới mô hình là các trường tư thục. Những trường này được gắn thêm tên “quốc tế” do có yếu tố nước ngoài; thường là có vốn đầu tư nước ngoài, hoặc liên kết đào tạo với nước ngoài, hoặc cả hai.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định, tên các trường có vốn đầu tư nước ngoài bao gồm các yếu tố cấu thành được sắp xếp theo trật tự: “Trường”, “Cấp học hoặc trình độ đào tạo” và tên riêng.

Tại các trường có vốn đầu tư nước ngoài, số lượng học sinh ở mỗi lớp không quá 30 học sinh; số lượng giáo viên ít nhất phải 1,5 giáo viên/lớp đối với trường tiểu học. Các trường phải đảm bảo tiêu chuẩn về cơ sở vật chất như: Tập trung tại một địa điểm, có môi trường tốt; Diện tích mặt bằng bình quân ít nhất 6m2/học sinh; Có sân chơi, bãi tập, khu để xe với diện tích ít nhất bằng 30% tổng diện tích mặt bằng của trường…

Như vậy, Trường Phổ thông liên cấp Gateway cũng như nhiều trường quốc tế khác trên cả nước không hề được pháp luật công nhận là trường quốc tế. Từ “quốc tế” chỉ được gắn vào tên trường như một tên riêng, nhằm thu hút tuyển sinh và đánh bóng tên tuổi của trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ