10 năm phổ cập GD Mầm non tại ĐBSCL: “Thay da đổi thịt”

GD&TĐ - Giáo dục mầm non (GDMN) khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được đầu tư căn bản từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, phát triển cả về số lượng và chất lượng.

10 năm phổ cập GD Mầm non tại ĐBSCL: “Thay da đổi thịt”

Chuyển biến đáng ghi nhận

Từ khi triển khai phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi (PCGDMNT5T), cơ sở vật chất ngành GDMN khu vực ĐBSCL chuyển biến tất cả về chất lượng lẫn số lượng,  bảo đảm 1 phòng/1 lớp mẫu giáo 5 tuổi. Từ phần lớn là phòng học tạm đến nay hầu hết phòng học cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi đã được đầu tư kiên cố, bán kiên cố.

Ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Ô Môn (TP Cần Thơ) chia sẻ: Trước đây, ngành GDMN của quận còn gặp nhiều khó khăn. Do thiếu trường, phòng học, trẻ phải đi học nhờ học tạm và học mượn các điểm lẻ của trường tiểu học, thậm chí là đền chùa. Đến nay, sau 10 năm triển khai PCGDMNT5T, các trường đã hoàn chỉnh theo hướng đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ giáo viên trên lớp theo quy định.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, năm học 2019 - 2020,thành phố có 116/176 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, với tổng số 1.858 phòng học. Trong đó, phòng học kiên cố đạt gần 62%, bán kiên cố khoảng 38% và phòng học tạm dưới 0,5%. Hầu hết, các trường mầm non đều có khu vực vui chơi phát triển vận động cho trẻ như sân đá bóng, khu vực dành cho trẻ chạy chậm, chạy nhanh; đi theo đường hẹp, đánh bóng chuyền, leo thang, cầu trượt, hồ bơi, sân bóng mini...

Ngành GD Mầm non Cà Mau đã hoàn thành và duy trì tốt tiêu chuẩn quốc gia về PCGDMNT5T, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2 và phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1. Toàn tỉnh hiện có 133 trường mầm non mẫu giáo, trong đó có 85 trường đạt chuẩn quốc gia, với 5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và 80 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm học 2019 - 2020, tỉnh tiếp tục xoá thêm 35 điểm trường nhỏ, lẻ không còn phù hợp, nâng số điểm trường lẻ đã xóa từ năm 2018 đến nay lên 234 điểm.

Tại Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 186 trường MN(82 số trường MN đạt chuẩn, trong đó có18 trường MN đạt chuẩn quốc gia mức độ 1). Trong năm học 2019  - 2020, các trường MN đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ… Nhiều công trình giáo dục sáng tạo được ngành GD quan tâm đầu tư như: Phòng Công nghệ trẻ thơ, Khu hướng nghiệp, Công trình Hồ bơi, Sân chơi thân thiện, Đổi mới Buffer sáng…

Bà Huỳnh Thị Phượng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang cho biết: Yêu cầu nhiệm vụ trong năm học 2020 - 2021 của bậc học MN là phải thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra; chú trọng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tập trung thực hiện giáo dục kỹ năng trẻ, quan tâm rà soát cơ sở vật chất, cải tạo phòng học xuống cấp, củng cố chất lượng chăm sóc trẻ, đồng thời đề xuất lộ trình nâng chuẩn GVMN…

Giáo dục Mầm non ĐBSCL có nhiều khởi sắc sau 10 năm phổ cập GDMNT5T.
Giáo dục Mầm non ĐBSCL có nhiều khởi sắc sau 10 năm phổ cập GDMNT5T.

Nâng cao chất luợng cán bộ, giáo viên

Vượt nhiều khó khăn, trong hơn 10 năm qua, ngành GD khu vực ĐBSCL đã thực hiện thành công các mục tiêu PCGDMNT5T, tạo nên diện mạo mới  với GDMN. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên mầm non (GVMN) được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, chế độ chính sách được bảo đảm.

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 186 trường MN với gần 5.000 cán bộ, công chức, viên chức. GV trực tiếp giảng dạy là 3.074 giáo viên, bình quân giáo viên nhà trẻ 1.84 GV/nhóm, Mẫu giáo 1.68 GV/nhóm. 10 năm thực hiện PCGDMNT5T đã góp phần thay đổi và chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của đội ngũ. GV đã chủ động trong việc thực hiện lập kế hoạch, lựa chọn hoạt động giáo dục, hình thức giáo dục phù hợp với đặc điểm của trẻ, tình hình thực tế địa phương. Trẻ khỏe mạnh, tích cực hoạt động, hứng thú, mạnh dạn, tự tin, phát triển thể chất, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội…

Trước đây, phần lớn GVMN chưa được hưởng chế độ của viên chức mà chỉ được chi trả theo hợp đồng lao động với mức lương thấp, thậm chí có nơi GVMN được chi trả bằng thóc lúa, cuộc sống bấp bênh, đến nay các cô được hưởng chế độ chính sách như viên chức Nhà nước.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau, các cơ sở GDMN trên địa bàn đều thực hiện các chế độ chính sách với GV và cán bộ quản lý đúng theo quy định hiện hành. GV mầm non công lập, ngoài công lập đều được hưởng  chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; được học tập bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ... Tỷ lệ GV trong biên chế Nhà nước là 85,8% và 14,2% giáo viên hợp đồng lao động, bảo đảm tỷ lệ 1,7 giáo viên/lớp (hoặc nhóm trẻ).

Bà Thiệu Kim Chi, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) thông tin: Năm học 2019 - 2020, toàn thành phố có 5.416 cán bộ quản lý, GVMN và nhân viên, tăng 1.687 người so với năm 2010 - 2011. GV mầm non trong và ngoài công lập đều được thực hiện đầy đủ chính sách như ký hợp đồng lao động, khám sức khỏe đầu  năm, chế độ nghỉ lễ tết, thai sản.

Ngành GD Mầm non thành phố tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên để huy động tối đa trẻ mẫu giáo 5 tuổi trên địa bàn đến trường và chuẩn bị tốt về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, tiếng Việt cũng như tâm lý sẵn sàng vào lớp 1; duy trì và phát triển bền vững tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi. - Bà Thiệu Thị Kim Chi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quyền và trách nhiệm công vụ

GD&TĐ - Có thể thấy, để có nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, ngoài các quy định pháp luật, yếu tố quan trọng là tinh thần trách nhiệm.