Giáo dục ý thức cội nguồn, giữ mãi biểu tượng thiêng liêng

GD&TĐ - Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người dân đất Việt, dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, cứ mỗi độ tháng Ba về ai cũng lắng lòng hướng về Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên. 

Giáo dục ý thức cội nguồn, giữ mãi biểu tượng thiêng liêng

Bởi người Việt Nam đều có chung một tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng. Ý thức tín ngưỡng thờ cúng đó đã thấm vào máu thịt cộng đồng của mỗi người con dân đất Việt, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Hình tượng Vua Hùng không chỉ gắn chặt với hồn thiêng sông núi đất Việt, mà còn tỏa ánh hào quang lịch sử - là sự phản chiếu hình ảnh của ông Vua mở nước, quy tụ thần linh, gắn kết lòng người bằng huyết tộc, đồng bào được cộng đồng tôn vinh là Thủy Tổ của người Việt, là người đứng đầu Nhà nước Văn Lang trong buổi bình minh.

Vì thế Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ đơn thuần là ngày con cháu bốn phương hội tụ thắp hương cúng giỗ tổ tiên mà còn là ngày giao lưu văn hóa giữa các vùng miền cùng biên cõi.

Trong những ngày tháng Ba trên khắp mọi nẻo đường, mọi vùng quê, từ chốn đầu non ngọn suối, trong tâm thức của người dân đất Việt đều khắc cốt ghi tâm, sâu đậm ký ức thiêng liêng về một cội nguồn chung: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ Ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng 3/Khắp miền truyền mãi câu ca/Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”…

Cũng chính từ những giá trị ấy, Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã thực sự vượt ra ngoài khuôn khổ không chỉ mang ý nghĩa tâm linh đơn thuần mà trở thành biểu tượng cho ý chí và sức mạnh - cho bản sắc văn hóa - cho điểm tựa tinh thần - cho lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt hướng về quê hương với hai tiếng “đồng bào” thiêng liêng sâu sắc, tạo thành sức mạnh phi thường của dân tộc được hình thành và phát triển bởi văn hiến hàng ngàn năm.

Đó là sức mạnh của con người, của tinh thần đoàn kết cộng đồng được hình thành bằng ý thức vững vàng về nguồn cội, về quốc gia, dân tộc…

Tuy nhiên những năm gần đây, môi trường tín ngưỡng ở nhiều nơi đã và đang bị lạm dụng, biến tướng. Sự hiểu biết hời hợt, cuồng tín, mê tín dị đoan, tư tưởng trục lợi… đang là những biểu hiện bất cập, làm biến tướng, méo mó hình thức tín ngưỡng văn hóa của dân tộc.

Ý thức của người dân và du khách trong tham gia các hình thức tín ngưỡng cộng đồng chưa tốt; tình trạng nhét, vứt tiền lẻ trong khuôn viên thờ cúng tôn nghiêm diễn ra tràn lan; nạn đốt vàng mã rình rang, tốn kém, lợi dụng văn hóa tâm linh để hành nghề mê tín dị đoan… đã và đang làm cho nét đẹp tín ngưỡng truyền thống bị méo mó, phản cảm.

Đã đến lúc không thể coi nhẹ công tác giáo dục, định hướng sinh hoạt tín ngưỡng theo những chuẩn mực văn hóa, đạo đức truyền thống.

Đặc biệt là chú trọng trong việc bồi dưỡng, vun đắp cái gốc của tín ngưỡng cho người dân bằng chính những giá trị lao động và hy sinh xương máu của cha ông tiềm ẩn trong cội nguồn nền văn hoá dân tộc, để từ đó mách bảo, thôi thúc mỗi người dù quần tụ ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, không chỉ thêm thiết tha, thêm yêu mảnh đất quê hương đất nước mình, thêm trân quý những biểu tượng cao đẹp thiêng thiêng… mà càng thấm thía biết ơn công lao dựng nước của các Vua Hùng đã tạo nên sức mạnh đoàn kết cộng đồng của một dân tộc hùng cường mãi trường tồn cùng thời gian.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ