Tại lớp tập huấn, đại biểu được nghe báo cáo thực trạng chuyển đổi số trong quản lý học bạ; kế hoạch triển khai học bạ số cấp tiểu học và báo cáo mô hình kỹ thuật triển khai học bạ số, với các nội dung về cung cấp quy trình, thủ tục quản lý, sử dụng học bạ của học sinh tiểu học, THCS bao gồm: phần mềm hệ thống, tập huấn sử dụng, vận hành các chức năng, nghiệp vụ cơ bản trong tạo lập và sử dụng học bạ số…
Phạm vi thực hiện sử dụng học bạ số đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 của năm học 2023 – 2024. Sang năm học 2024 – 2025, huyện Mường Nhé sẽ triển khai đồng loạt ở cả cấp tiểu học và THCS.
Theo ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết: “Học bạ số là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền; có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Nội dung của học bạ số gồm các thông tin cá nhân của học sinh và kết quả học tập, rèn luyện theo quy định. Mục đích của việc triển khai học bạ số ở cấp tiểu học nhằm xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng học bạ số để thuận tiện trong quản lý và có liên thông trên toàn quốc”.
Cán bộ quản lý, giáo viên trường PTDTBT THCS Mường Toong tham gia tập huấn tại nhà trường. |
Sau khi nghe triển khai, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn của địa phương, đơn vị trong thực hiện học bạ số. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để việc triển khai học bạ số đạt hiệu quả.
Theo ông Phạm Thiết Chùy, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, chủ động về nhân lực, nguồn lực để thực hiện học bạ số. Kết nối, trao đổi dữ liệu học bạ số với cơ sở dữ liệu ngành giáo dục, cơ sở dữ liệu quốc gia. Đảm bảo quản lý theo quy định của Bộ GD&ĐT.