Giáo dục với những tín hiệu vui đầu xuân

GD&TĐ - Ngay sau kỳ nghỉ tết, đồng loạt 63 tỉnh/thành trên cả nước đã mở cửa trường học, với chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT; Hướng dẫn tuyển dụng đặc cách GV; Vấn đề sức khoẻ học đường… nhận nhiều quan tâm.

Ngay sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, tất cả các địa phương trên cả nước đã đón học sinh đến trường học trực tiếp. (Ảnh: Đình Tuệ/gdtd.vn)
Ngay sau kỳ nghỉ tết nguyên đán, tất cả các địa phương trên cả nước đã đón học sinh đến trường học trực tiếp. (Ảnh: Đình Tuệ/gdtd.vn)

Không còn địa phương đóng cửa trường học

 “Trước khi HS quay trở lại trường, cần chuẩn bị tinh thần, thái độ cho cả phụ huynh và HS. Trong những ngày đầu HS quay trở lại trường cần có các hoạt động hội nhập, tương tác xã hội, kỹ năng khác, bởi sau thời gian dài học trực tuyến, sẽ có trường hợp HS ngại học trực tiếp, giáo viên ngại dạy trực tiếp, do đó cần có những hỗ trợ để HS hứng thú, mong muốn được học trực tiếp, giáo viên thích ứng trở lại với dạy trực tiếp” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.

Theo tổng hợp của Bộ GD&ĐT: Ngay sau kỳ nghỉ tết nguyên đán 2022, tất cả 63/63 tỉnh, thành đã lên kế hoạch đưa học sinh THCS, THPT đi học trực tiếp trong thời gian từ 7 – 14/2, thay vì chỉ có 9 - 15 địa phương có kế hoạch này như trước kỳ nghỉ tết.

Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về các nhiệm vụ trọng tâm sau nghỉ tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương mở cửa trường học trên phạm vi toàn quốc ở tất cả các cấp học từ ngày 7 – 14/2 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bảo đảm để HS đi học an toàn, khoa học, hiệu quả, hợp lý và giúp các phụ huynh HS bớt lo toan.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhấn mạnh: Trọng tâm của năm 2022 là củng cố, bù đắp kiến thức để chuẩn bị tốt nhất cho những năm tiếp theo, vì vậy khi HS trở lại, các nhà trường cần tập trung hỗ trợ kiến thức, tâm lý cho HS, thực hiện đánh giá, phân nhóm phù hợp để hỗ trợ hiệu quả.

Thời gian qua, các địa phương, nhà trường triển khai dạy và học dựa theo nội dung chương trình cốt lõi do Bộ GD&ĐT ban hành, khi HS quay trở lại học trực tiếp, các sở GD&ĐT cần lưu ý vẫn tiếp tục thực hiện nội dung chương trình này. Nếu các địa phương, cơ sở giáo dục nào hoàn thành sớm thì quay trở lại củng cố kiến thức, kỹ năng cho HS. Bên cạnh đó, các địa phương, nhà trường cũng cần cân nhắc lộ trình kiểm tra đánh giá phù hợp, tránh gây áp lực, quá tải đối với HS.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Hướng dẫn tuyển dụng đặc cách giáo viên

Tuần qua, Bộ GD&ĐT có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Trong đó nêu rõ, về việc tuyển dụng đặc cách giáo viên theo Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ. Năm 2019, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 5378/BNV-CCVC ngày 5/11/2019 hướng dẫn các địa phương tổ chức tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng (gọi tắt là Công văn số 5378).

Theo đó, việc tuyển dụng phải bảo đảm các quy định của Bộ GD&ĐT về tiêu chuẩn chức danh, khung danh mục vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập tại thời điểm năm 2019.

Do đó, những địa phương chưa thực hiện xong việc tuyển dụng đặc cách theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn tại Công văn số 5378 của Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành để bảo đảm quyền lợi của giáo viên có nhiều năm công tác.

Ảnh minh hoạ/INT
Ảnh minh hoạ/INT

Công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025

Trong phát biểu tại Lễ công bố Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021 – 2025 chiều 10/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt”

Tại lễ công bố, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế ký kết Chương trình phối hợp về công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe trẻ em, học sinh, sinh viên giai đoạn 2022- 2026. Đại diện lãnh đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch sẽ ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2022 – 2026.

Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm nội dung và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khoẻ, trẻ em, học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học.

Với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh”, lần đầu tiên tại Việt Nam, một chương trình quy mô, thiết thực và ý nghĩa về sức khoẻ học đường với Chương trình tổng thể, chính thống và toàn diện được thực hiện, cùng với đó là những trách nhiệm và hy vọng lớn lao về những ngôi trường an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh. Chương trình Sức khoẻ học đường giai đoạn 2021 - 2025 kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho trường học, để chăm sóc và nuôi dưỡng một thế hệ Việt Nam khoẻ mạnh, năng động, trưởng thành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ