Bất cập trong đào tạo đội ngũ giáo dục thể chất

GD&TĐ - Để đáp ứng công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, quy mô và chất lượng đào tạo ngành Giáo dục thể chất phải được nâng cao.

Sinh viên ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Đồng Tháp tham gia giải thể thao tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NTCC
Sinh viên ngành Giáo dục thể chất, Trường Đại học Đồng Tháp tham gia giải thể thao tại tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, số lượng, chất lượng đào tạo của ngành này có nhiều bất cập.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh - Giám đốc Trung tâm Thể thao, Giám đốc ngành Kinh tế Thể thao (Trường Đại học Hoa Sen): Thiếu giáo viên Giáo dục thể chất

Hiện ngành Giáo dục nói chung, ngành Giáo dục thể chất nói riêng đều gặp tình trạng thiếu giáo viên. Về nguồn lực đào tạo, cả nước có nhiều trường đại học công lập và tư thục tuyển sinh ngành Giáo dục thể chất nhằm cung cấp lực lượng giáo viên giảng dạy các cấp học từ mầm non đến đại học.

Có thể kể tên một số trường nổi bật như: Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội; Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, Trường Đại học Thể dục thể thao TPHCM; Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM, Trường Đại học Sư phạm TPHCM…

Không ít trường tư thục đào tạo từ 1 - 4 chuyên ngành như: Giáo dục thể chất, Huấn luyện thể thao, Quản lý Thể dục thể thao, Y sinh học Thể dục thể thao. Song, nhiều trường tư thục hiện dừng không được phép tuyển sinh đào tạo ngành Giáo dục thể chất vì vướng các quy định.

Theo ghi nhận ở nhiều trường đại học đào tạo ngành Giáo dục thể chất, công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở vật chất, công trình thể thao. Một số đơn vị phải thuê sân bãi, cơ sở vật chất bên ngoài để tổ chức dạy học một số môn chuyên ngành.

Hoạt động nghiên cứu khoa học của ngành Giáo dục thể chất cũng khó khăn khi thiếu trang thiết bị, máy móc chuyên dụng, hiện đại trong lĩnh vực thể dục thể thao.

Mỗi năm, các trường đại học đều đặn tuyển sinh nhiều chỉ tiêu nhưng thống kê cho thấy, ngành Giáo dục thể chất vẫn thiếu giáo viên. Bởi cũng như nhiều ngành Sư phạm khác, cử nhân ngành Giáo dục thể chất có mức lương, phụ cấp thấp. Nhiều em bỏ nghề hoặc làm thêm công việc khác để trang trải cuộc sống.

Theo tôi, nội hàm của môn học Giáo dục thể chất nói ngắn gọn và dễ hiểu là rèn luyện thể chất, nâng cao chất lượng sống thông qua một môn thể thao nào đó được tập luyện thường xuyên.

Từ đó, tôi đề xuất chương trình đào tạo của ngành Giáo dục thể chất cần bổ sung các tín chỉ thực hành trải nghiệm thực tế, tăng cường thực tập nhận thức, kiến tập, tốt nghiệp. Mỗi năm cần có nhiều đợt tập huấn kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm cho giáo viên Giáo dục thể chất.

Đội ngũ giáo viên Giáo dục thể chất hiện nay dạy không đúng chuyên ngành, dẫn đến không thu hút được sự đam mê tập luyện của học sinh, nhiều em học môn Giáo dục thể chất cho có. Do đó, cần có giải pháp cụ thể cải thiện các vấn đề này.

Cơ quan quản lý Nhà nước cần tạo điều kiện cho các trường tự chủ tổ chức môn thể thao ngoài chương trình bắt buộc, nhằm tạo cho học sinh hứng thú và hội nhập quốc tế các môn thể thao SEA Games, Olympic như: Bắn cung, bắn súng, golf, danceSport, Taekwondo, bơi… Tại môi trường này mới phát hiện nhiều vận động viên cung cấp cho thể thao chuyên nghiệp.

TS Nguyễn Thị Hiền Thanh.
TS Nguyễn Thị Hiền Thanh.

ThS Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (TPHCM): Không kịp đáp ứng Chương trình GDPT 2018

Chương trình môn Giáo dục thể chất quán triệt đầy đủ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; kế hoạch giáo dục, định hướng nội dung, phương pháp, đánh giá kết quả giáo dục được quy định tại chương trình tổng thể. Số lượng môn học (các môn thể thao) trong chương trình đa dạng, phong phú. Chương trình mang tính mở, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn hoạt động phù hợp thể lực, nguyện vọng bản thân, điều kiện nhà trường.

Tuy nhiên, có thể thấy hiện nay, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu dạy và học Giáo dục thể chất theo Chương trình GDPT 2018. Nhiều trường phổ thông thiếu giáo viên thể chất chuyên ngành.

Đa số thầy cô chỉ dạy môn thể dục cơ bản, trong khi nhu cầu học, chơi thể thao của học sinh ngày càng cao. Những môn như: Bơi lội, bóng rổ, cầu lông… nếu không có giáo viên chuyên ngành, chuyên sâu, việc dạy học không nhiều hiệu quả, học sinh không hứng thú.

Giải pháp cho vấn đề này là bổ sung nguồn nhân sự ngành Giáo dục thể chất. Nhưng bổ sung bằng cách nào là bài toán nan giải. Việc tuyển thêm giáo viên không đơn giản khi số lượng biên chế trong đề án việc làm giới hạn. Còn nếu trường muốn tuyển hợp đồng sẽ vấp bài toán kinh phí chi trả.

Tương tự, nếu trường muốn kết hợp cùng trung tâm thể dục thể thao tổ chức các môn học cho học sinh cũng không có nguồn kinh phí. Không thể xã hội hóa hoặc kêu gọi phụ huynh được, bởi đây là học phần chính khóa.

ThS Huỳnh Thanh Phú.

ThS Huỳnh Thanh Phú.

TS Trần Anh Hào - Trưởng khoa Giáo dục Thể chất - Sư phạm nghệ thuật (Trường Đại học Đồng Tháp): Nỗ lực nâng cao trình độ đội ngũ

Hơn 19 năm thành lập và phát triển, hiện Khoa Giáo dục Thể chất - Sư phạm nghệ thuật (Trường Đại học Đồng Tháp) là một trong những cơ sở đào tạo giáo viên ngành Giáo dục thể chất có chất lượng trong cả nước. Chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất tại trường được các bộ phận liên quan góp ý xây dựng theo chuẩn chất lượng và nhu cầu xã hội, đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Nhiệm vụ của khoa là đào tạo chính quy giáo viên chuyên ngành Giáo dục thể chất trình độ đại học; đào tạo không chính quy trình độ đại học ngành Giáo dục thể chất tại trường và các tỉnh liên kết; giảng dạy Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng - An ninh cho sinh viên trong toàn trường...

Tham gia xây dựng và phát triển chương trình, kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng trình độ đại học. Tổ chức và quản lý quá trình đào tạo, chất lượng, nội dung, phương pháp đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy. Biên soạn giáo trình, bài giảng, tài liệu học tập, tham khảo.

Tổ chức và thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Giáo dục thể chất cho các trường phổ thông. Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ, tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên thuộc khoa Giáo dục Thể chất - Sư phạm nghệ thuật.

TS Trần Anh Hào.

TS Trần Anh Hào.

Khoa hiện có 28 cán bộ, giảng viên; về trình độ chuyên môn giảng dạy Giáo dục thể chất có 25 người, gồm 3 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ. Thời gian qua, công tác đào tạo Giáo dục thể chất tại Trường Đại học Đồng Tháp được nhà trường quan tâm. Đội ngũ làm công tác Giáo dục thể chất luôn đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Trường hiện có 26 viên chức làm công tác giảng dạy Giáo dục thể chất, trong đó đội ngũ giảng viên trực tiếp giảng dạy là 25.

Về cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo, Khoa Giáo dục Thể chất - Sư phạm nghệ thuật được nhà trường bố trí đầy đủ phương tiện phục vụ cho việc quản lý và đào tạo chuyên ngành Giáo dục thể chất. Hằng năm, Khoa được Ban Giám hiệu trường quan tâm đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, phục vụ tốt nhu cầu giảng dạy, học tập cũng như hoạt động thể dục, thể thao ngoại khóa của giảng viên và sinh viên.

Một tiết học thể dục của học sinh Trường THPT Thanh Đa (TPHCM). Ảnh: Lê Nam

Một tiết học thể dục của học sinh Trường THPT Thanh Đa (TPHCM). Ảnh: Lê Nam

Khoa hiện có 357 sinh viên. Phương pháp giảng dạy theo nhóm sử dụng lời nói như: Giảng giải, thuyết trình, đàm thoại, kể chuyện, chỉ thị, mệnh lệnh… Nhóm phương pháp trực quan: Trực quan trực tiếp và gián tiếp. Nhóm phương pháp luyện tập: Hoàn chỉnh, phân chia, trò chơi, thi đấu, tổng hợp. Nhóm phương pháp đánh giá mật độ động của buổi tập: Phân nhóm tập luyện, phân nhóm quay vòng, liên hoàn vòng.

Để đáp ứng kịp thời đòi hỏi ngày càng cao về nhân lực phục vụ phát triển thể dục thể thao trong bối cảnh hội nhập quốc tế; đặc biệt là đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, trong năm 2024, nhà trường tuyển dụng thêm 1 - 2 tiến sĩ để đáp ứng nhu cầu nhân sự mở mới mã ngành cao học Giáo dục học (chuyên ngành Thạc sĩ Giáo dục thể chất).

Điểm thuận lợi của khoa là chương trình đào tạo ngành Giáo dục thể chất đã được kiểm định đánh giá ngoài đạt chất lượng. Hiện trong khu vực chỉ có Khoa Giáo dục Thể chất - Sư phạm nghệ thuật của trường được kiểm định, điều đó thể hiện chất lượng của khoa và nhà trường.

Đào tạo trình độ đại học chuyên ngành Giáo dục thể chất, sinh viên khi ra trường là giáo viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất ở trường phổ thông các cấp; có khả năng giảng dạy và huấn luyện thể dục thể thao ở trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề; làm công tác huấn luyện các môn thể thao ở trung tâm thể dục thể thao, công tác quản lý và làm phong trào thể dục thể thao ở sở, ngành,…

Tháng 8/2023, Đoàn khảo sát của Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả khảo sát đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 25/2015/TT-BGDĐT quy định về chương trình môn học Giáo dục thể chất thuộc các chương trình đào tạo đại học. Khảo sát được tiến hành tại 13 cơ sở giáo dục đại học ở 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Tiền Giang, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế.

Ngoài kết quả tích cực đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác giáo dục thể chất ở trường đại học. Trong đó, nêu lên thực trạng đội ngũ giảng viên Giáo dục thể chất còn thiếu về số lượng so với tổng sinh viên của trường; công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho các giảng viên môn Giáo dục thể chất chưa được quan tâm đúng mức và chưa đạt kết quả cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ