Tốc độ tiến nhanh
Ngành GD tỉnh Sóc Trăng mới áp dụng GD STEM từ năm học 2018 - 2019. Trên địa bàn tỉnh được triển khai thí điểm mô hình này gồm 3 trường, tương ứng với 3 cấp học phổ thông: Trường Trung học thực hành Sư phạm Sóc Trăng (khối tiểu học); Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên) và Trường THPT Thuận Hòa (huyện Châu Thành). Trong mỗi cấp học, các khối lớp cũng sẽ thí điểm một cơ số lớp nhất định được học STEM.
Theo ông Châu Tuấn Hồng - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sóc Trăng, khi chọn lựa các trường thí điểm STEM, ngành GD hướng đến những trường có cán bộ quản lí, giáo viên tâm huyết với nghề, tích cực tham gia đổi mới; chia ra những khu vực khác nhau, khảo sát những hiệu quả khác nhau của chương trình.
Chương trình GD STEM ở Sóc Trăng được một trường ĐH tại TPHCM hỗ trợ khung chương trình, công cụ thí điểm năm đầu tiên; sau đó sẽ chuyển giao lại cho giáo viên. Dù triển khai có phần muộn hơn những tỉnh, thành khác trong khu vực, với 21 tuần HS được học STEM, chỉ mới đi khoảng 1/4 đoạn đường, nhưng các trường này đã thu về nhiều tín hiệu phản hồi rất tích cực.
Thầy Hà Cơ Nhu - giáo viên dạy môn Vật lý của Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), bày tỏ: “Sau 2 tuần đầu học với STEM, HS dần hứng thú hơn, tính tích cực được nâng lên, các em đã chủ động được hoạt động diễn ra trong tiết học. Không còn bỡ ngỡ, thay vào đó thời lượng 1 tiết học tiêu chuẩn của STEM không đủ, các em quan tâm đến khía cạnh khám phá giờ thực hành, muốn trải nghiệm nhiều hơn, chủ động các câu hỏi của vấn đề”.
|
Đảo lại trật tự quy trình học tập
Phương pháp “lớp học đảo ngược” là một quá trình trải nghiệm trong GD STEM. Một xu hướng học tập hiện đại, thay đổi hoàn toàn cấu trúc tiết học giữa lí thuyết với thực hành. Ứng dụng E - Learning vào lớp học đảo ngược là một trong các yếu tố chiến lược góp phần thành công của STEM.
Lớp học đảo ngược là ở đó, người học tiếp thu nội dung bài học trực tuyến qua việc xem các video bài giảng trực tuyến ở nhà, còn bài tập về nhà hay bài tập thực hành thì giáo viên và HS cùng nhau thảo luận, giải quyết tại lớp. Mô hình này gia tăng sự tương tác giữa người dạy và người học, đảo lại trật tự quy trình học tập, đem đến những sự mới mẻ. Qua đó, những khó khăn của HS được đem ra trao đổi, giải đáp thắc mắc tại chỗ. Phương pháp này đã được áp dụng thành công nhiều nước trên thế giới.
Cô Lâm Bích Tiên - giáo viên dạy môn Sinh học của Trường THCS Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), thông tin: “Thời lượng chủ yếu để thực hành, đến lớp các em tập trung vào mảng kĩ năng làm sao cho tốt. Giáo viên hướng dẫn HS thực hiện sản phẩm, quan sát lưu thông tin, thảo luận các nhóm, sau đó trình bày báo cáo. Giáo viên chỉ thông báo chủ đề của dự án đó, các em phải nghiên cứu lí thuyết ở nhà có thể là trang web trường, bạn bè, sách vở”.
Khi thực hiện STEM ở Sóc Trăng, HS dễ dàng thực hiện những dự án gắn liền với thực tiễn như: Trồng rau phương pháp thủy canh, làm máy sấy nông sản, làm trà sữa, kim chi… Tất cả đều thực hiện từ những vật liệu đơn giản, có những dự án được hỗ trợ công cụ và cũng có khi học sinh phải tự chuẩn bị những vật liệu tái chế (chai, lọ…) để hoàn thành sản phẩm. Tiếp cận với phương pháp bài bản về những vấn đề của đời sống, học sinh vừa thực hiện ở trường và ở nhà rất tiện lợi. Dường như đến lớp, HS sẽ chỉ tập trung học hỏi nhau cách thực hành, xử lí sâu hơn các vấn đề liên quan.
Mô hình lớp học đảo ngược đã phát huy tác dụng khi HS không còn bị ràng buộc bởi những kiến thức “cứng” giáo viên phổ biến trên lớp; cho phép HS có nhiều hơn một cách để giải quyết vấn đề bài học. Hình thức tiếp thu kiến thức tại nhà, thực hành tại trường gia tăng sự tham gia của HS, tăng cường kĩ năng làm việc nhóm, đưa ra hướng dẫn cho từng cá nhân, tập trung vào thảo luận trên lớp...