Tham dự các sự kiện do Bộ GD&ĐT tổ chức trong năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần khẳng định, trong suốt chiều dài lịch sử, giáo dục luôn tồn tại, phát triển cùng đất nước. Giáo dục đóng vai trò quan trọng như trụ cột cơ bản của việc xây dựng và vun đắp nền văn hiến lâu đời của nước nhà.
Nỗ lực không mệt mỏi
Chia sẻ tại buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2023), Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách phát triển sự nghiệp “trồng người”.
Trên cơ sở đó, ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng, nhất là về tư duy, nhận thức, phương thức, quy mô, chất lượng dạy - học; về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo; cơ chế, chính sách đào tạo nguồn nhân lực; hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo…
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, toàn ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”. Đội ngũ nhà giáo luôn trách nhiệm và nhiệt huyết với nghề, nỗ lực vượt khó, kiên định, kiên trì, kiên quyết, quyết liệt hành động, thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Qua đó, đáp ứng mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển hùng cường, thịnh vượng của đất nước.
Viện dẫn những kết quả nổi bật, Thủ tướng nhìn nhận, hệ thống giáo dục quốc dân ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Chất lượng giáo dục các cấp học tiếp tục được củng cố, duy trì.
Giáo dục đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân. Công bằng trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, phấn đấu không mệt mỏi và đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhà giáo nói riêng và toàn hệ thống giáo dục, đào tạo nói chung. Qua đó, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước những năm qua.
Phát triển phù hợp quy luật khách quan
Trao đổi về một số quan điểm phát triển giáo dục, đào tạo trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có phạm vi tác động rộng nên cần đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện…
Ngoài ra, phát triển giáo dục, đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ Tổ quốc; gắn với tiến bộ của khoa học công nghệ. Phát triển giáo dục, đào tạo phải phù hợp quy luật khách quan, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự chủ động, sáng tạo của nhân dân và toàn xã hội. Các cơ chế, chính sách về giáo dục, đào tạo phải bám sát, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng và lấy thực tiễn khách quan làm thước đo.
Trong quá trình đổi mới, cần kế thừa, phát huy những thành tựu, nhân tố mới; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm thế giới phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; kiên quyết chấn chỉnh nhận thức, việc làm lệch lạc trong giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp từng đối tượng và cấp học. Các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm và lộ trình, bước đi phù hợp.
Học sinh Trường Tiểu học Vĩnh Hải 3 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: Trương Tiến |
Công tác xây dựng và triển khai kế hoạch đổi mới giáo dục, đào tạo phải được thực hiện khoa học, bài bản, kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, sát thực tiễn. “Cái gì đã chín và rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện hiệu quả, đa số đồng tình thì cứ thế mà làm”, Thủ tướng gợi mở, đồng thời nhấn mạnh, giáo dục đào tạo phải bám sát tư tưởng: Lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực; vận hành hiệu quả mối quan hệ “Nhà trường, học sinh và giáo viên”; đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phẩm chất toàn diện cho học sinh.
Nêu một số định hướng nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu: Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách, hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi để thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục.
Cùng đó, khẩn trương ban hành các chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 về phát triển giáo dục, đào tạo và các quy hoạch khác có liên quan. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với thực tiễn, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới.
Ngoài ra, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo phù hợp; có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, xa, giáo viên mầm non. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên sư phạm và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông về nội dung, đổi mới phương pháp, đánh giá chất lượng giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một lớp học ở Trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Phòng GD&ĐT |
Thủ tướng gợi ý, cần tổng kết, phân tích kỹ hơn tỷ lệ học sinh đăng ký vào các trường sư phạm, xem có ít đi hay không, nếu có thì ở lĩnh vực, bộ môn, khu vực, vùng nào. Khi hệ thống dữ liệu chuẩn xác mới có giải pháp phù hợp. Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tự chủ giáo dục trên tinh thần “không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội” với cách làm bài bản, khoa học, phù hợp với lộ trình cụ thể, rõ ràng để các cơ sở giáo dục tự chủ về chuyên môn, kinh phí nhưng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, kiểm tra việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học. Tăng cường thông tin truyền thông về chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới giáo dục. Qua đó, tạo sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân; phát hiện và tuyên truyền về những tấm gương giáo viên, học sinh tiêu biểu để tạo sức lan tỏa, động lực trong xã hội; kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các trường hợp đưa tin sai lệch, xuyên tạc về giáo dục.
Ngoài ra, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng số, hạ tầng điện, đường truyền Internet, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo; xóa “điểm lõm” về sóng và Internet. Mặt khác, cần có giải pháp hiệu quả phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao để nâng cao năng suất lao động; chú trọng phát triển kỹ năng mềm, ngoại ngữ, kỹ năng số, thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Học sinh Trường THCS Trung Đô (TP Vinh, Nghệ An) tham gia Cuộc thi sáng tạo Robot năm 2023 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức. Ảnh: Sỹ Điền |
Tháo gỡ bất cập
Đổi mới phương thức thi, công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, giảm tốn kém cho phụ huynh, học sinh, gia đình và xã hội nhưng phải bảo đảm chất lượng, Thủ tướng yêu cầu:
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành liên quan có giải pháp tài chính hỗ trợ giáo viên vùng sâu, xa, giáo viên mầm non. Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT và các địa phương phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình tuyển dụng biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” nhưng phải phù hợp.
Thủ tướng nêu rõ, mỗi cán bộ, công chức, viên chức ngành Giáo dục phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc của mình để chăm lo sự nghiệp giáo dục, đào tạo.
“Giáo dục luôn được xã hội quan tâm, các thầy giáo, cô giáo đang mang trên mình trọng trách “dạy chữ, dạy người” cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước”, Thủ tướng nói và nhắn nhủ, mỗi học sinh, sinh viên cần nỗ lực phấn đấu, học tập, rèn luyện, tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo nhiều hơn nữa. Các em phải biết đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau; không ngừng rèn luyện để trở thành con ngoan trò giỏi, xứng đáng công lao nuôi dưỡng của gia đình, sự dạy dỗ từ thầy cô cũng như kỳ vọng xã hội.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các thầy, cô giáo và đại biểu tại buổi gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu - chiều 17/11/2023. Ảnh: gdtd.vn |
Với những vấn đề nổi lên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời, hiệu quả. Theo đó, phải kiên quyết, kiên trì không cho ma túy, tệ nạn xã hội vào học đường, xâm hại đến sức khỏe, đạo đức và nhân cách học sinh, sinh viên. Đặc biệt, khắc phục bằng được tình trạng bạo lực trong học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học cho học sinh, giáo viên trong mọi hoàn cảnh.
Theo Thủ tướng, hệ thống sách giáo khoa cần đổi mới nhưng phải bảo đảm chuẩn mực, có tính ổn định tương đối, phát triển. Chú trọng nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, giáo dục thường xuyên; đồng thời rà soát lại việc dạy và học môn học giáo dục công dân trong trường học phổ thông, bảo đảm chất lượng, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có giải pháp nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu giáo viên mầm non, các trường học ở khu vực vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo.
Học sinh Trường THCS & THPT Newton (Hà Nội) tham gia ngày hội STEM. Ảnh: Sỹ Điền |
Trả lời những câu hỏi lớn
Trao đổi về kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho chúng ta những cơ hội, thuận lợi nhưng không ít khó khăn, thách thức mới, nhất là đối với đội ngũ nhà giáo - những hạt nhân của sự nghiệp “trồng người”.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục các cấp học, chú trọng phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh; bảo đảm yêu cầu đặt ra: “Học thật, thi thật, nhân tài thật”, “Thực tâm, thực tài, thực nghề”.
Để đạt được mục tiêu đó, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề lớn: Chúng ta đã, đang và sẽ phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo một cách hiệu quả? Trong bối cảnh, tình hình mới, công tác dạy và học cần thay đổi thế nào cho phù hợp? Làm thế nào để học thực sự đi đôi với hành?
Làm sao để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế? Giải pháp nào để vừa xây cho học sinh những kiến thức nền tảng, cơ bản, vừa tạo điều kiện để các em phát triển năng khiếu bản thân ở bất kỳ môn học nào?
Chúng ta cần phát triển thể thao học đường thế nào để các em phát triển đầy đủ cả trí tuệ, thể chất và tinh thần? Chính sách đãi ngộ thế nào là phù hợp để thầy, cô yên tâm công tác, không ngừng phấn đấu, cống hiến vì nền giáo dục nước nhà, nhất là ở những vùng sâu, xa, biên giới, hải đảo, khó khăn?
Sinh viên Trường ĐH CMC. Ảnh: NTCC |
Để trả lời cho những câu hỏi trên, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, cơ quan liên quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Trong đó, tập trung, tổng kết đầy đủ, thực chất công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương Đảng.
Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là bếp ăn, bảo đảm vệ sinh, y tế học đường, trường học; tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa học đường. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ làm công tác giáo dục và đào tạo.
Tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để giáo viên được thụ hưởng mức lương tương xứng với công sức của mình, nhất là giáo viên mầm non, những người đang công tác ở vùng sâu, xa, khó khăn...
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng chia sẻ với các thầy, cô giáo một số suy nghĩ: Muốn có học sinh giỏi, phải có người thầy tốt. Học sinh chỉ tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất nếu nhận được sự dìu dắt và chỉ bảo của thầy, cô giáo có năng lực, tâm huyết, trách nhiệm và phương pháp truyền cảm hứng, tạo động lực.
Thành công của giáo dục không phải là nhồi kiến thức cho đầy, không chỉ là tạo ra những chuyên gia giỏi, mà là thắp lên ngọn lửa đam mê, ươm mầm khát vọng, chắp cánh ước mơ, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái, đổi mới sáng tạo; bồi đắp, hun đúc, trao truyền cho thế hệ trẻ lý tưởng, đạo đức, các giá trị chân - thiện - mỹ, tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, góp phần hình thành phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Giáo dục đào tạo phải bám sát nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt, đa dạng, khuyến khích sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thu tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến…, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, phẩm chất mỗi học sinh.
Thủ tướng đề nghị, Văn phòng Chính phủ, Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan liên quan tổng hợp, báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết sớm vướng mắc. Trên tinh thần đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, bất cập, tạo mọi thuận lợi cho công tác dạy - học, tất cả vì học sinh thân yêu và sự nghiệp đào tạo cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, mọi người, nhà, phụ huynh... chung tay, chung sức, sát cánh với ngành Giáo dục và đào tạo, chung sức với thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người” cao cả. Chúng ta cùng chung tay xây dựng thế hệ tương lai của đất nước phát triển toàn diện với tinh thần thúc đẩy xã hội học tập, học tập suốt đời.