Giáo dục nhạc Jazz ở châu Á – niềm đam mê vượt qua rào cản ngôn ngữ

GD&TĐ - Tại các quốc gia trên thế giới, các nhạc sĩ, nhà giáo dục, sinh viên và những người yêu âm nhạc sẽ tham dự vào các lễ kỷ niệm, những hoạt động kể về lịch sử nhạc jazz và thể hiện những hướng sáng tạo mới của dòng nhạc này.

Giáo dục nhạc Jazz ở châu Á – niềm đam mê vượt qua rào cản ngôn ngữ

Một báo cáo giáo dục gần đây đã khám phá sự tăng trưởng và phát triển của nền giáo dục nhạc jazz ở một phần của thế giới: châu Á; khám phá cách các nhà giáo dục và sinh viên Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc đang tạo ra những dấu ấn riêng của họ về nhạc jazz và giáo dục nhạc jazz.

Jazz là gì?

Jazz là một hình thức âm nhạc Mỹ kết hợp các ý tưởng nhịp điệu châu Phi với sự hài hòa châu Âu. Nó có nguồn gốc từ âm nhạc dân gian của cộng đồng người Do Thái châu Phi – những người châu Phi rời khỏi châu lục này. Khiêu vũ và những biểu hiện cá nhân là phần quan trọng của dòng nhạc này. Trong thế kỷ 20, nhạc jazz đã thay đổi từ nhạc dân ca thành một hình thức nghệ thuật cao. Số lượng phong cách jazz tăng lên khi ngày càng nhiều nghệ sỹ đưa ý tưởng của họ vào âm nhạc.

Trong phần lớn thế kỷ 20, các trường cao đẳng và đại học Mỹ không cung cấp các lớp học hoặc đào tạo về nhạc jazz. Theo Học viện Thelonious Monk – một tổ chức phi lợi nhuận, những ý tưởng về dòng âm nhạc này bắt đầu thay đổi trong những năm 1960 và 1970. Các chương trình giáo dục nhạc jazz đã trở nên phổ biến hơn ở Hoa Kỳ vào những năm 1980 và 1990.

Thái Lan là trung tâm giáo dục nhạc jazz trong khu vực

Hiện nay, giáo dục nhạc jazz đang rất phát triển ở một số nước châu Á. Điển hình là đất nước Thái Lan đang trở thành một trung tâm giáo dục jazz trong khu vực. Jerome Quah – một nhạc sĩ và nhà giáo dục người Malaysia cho biết: “Thái Lan thực sự là một thánh địa của jazz ở Đông Nam Á”.

Ông Denny Euprasert là Hiệu trưởng của Nhạc viện Rangsit (RSU) và giám đốc của Dàn nhạc Jazz RSU. Ông nói rằng khi ông còn là một cậu bé, một trong những người ảnh hưởng đầu tiên đến ông là cựu quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej. Nhà vua là một nhạc sĩ saxophone và là một nhà soạn nhạc. Ngài thường chơi jazz với các nhạc sĩ Mỹ. Euprasert nghe nhạc của nhà vua và đã yêu nó từ đó.

Ông Euprasert giải thích: “Nhiều người quyết định học nhạc vì vua Thái Lan ... Có thể đó là lý do tại sao nhạc jazz phổ biến ở Thái Lan. Ngài ấy có ngày âm nhạc ở một trường đại học, và ngài tới rồi chơi nhạc ở đó. Tôi nghĩ điều đó thực sự gây cảm hứng cho rất nhiều người… Trong nhiều bài phát biểu của mình, ngài nói rằng âm nhạc rất quan trọng, và chúng ta nên dạy nhạc một cách đúng đắn. Âm nhạc có thể tốt cho con người. Là một con người, bạn nên có hội họa và âm nhạc trong chính mình”.

Euprasert đã chuyển đến Hoa Kỳ trong nhiều năm. Ông đã nhận được bằng thạc sĩ và tiến sĩ tương ứng tại Đại học Bắc Texas và Đại học Bắc Colorado. Sau đó, ông đã trở về Thái Lan và bắt đầu một hội thảo giáo dục nhạc jazz. Gene Aitken – nhà giáo dục nhạc jazz và là cố vấn của Euprasert đã giúp phát triển chương trình. Hội thảo đã được đưa ra cách đây khoảng 10 năm. Các giáo viên đều là người Thái, có khoảng 100 sinh viên đã tham dự một lớp kéo dài từ hai đến ba ngày.

Ông Eupraset cho biết hiện tại, có khoảng 300 học sinh trung học và sinh viên cao đẳng, đại học tham gia vào hội thảo jazz ở Thái Lan mỗi năm. Sinh viên đến từ Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Hồng Kông và Indonesia. Giáo viên nước ngoài – chủ yếu đến từ Hoa Kỳ - cũng tham gia cùng giáo viên Thái Lan để hướng dẫn sinh viên. Ông lưu ý: “Lượng học sinh, sinh viên tham gia mỗi năm vẫn tăng lên”.

Hiện nay, có ba trường đại học ở Thái Lan cung cấp chương trình học nhạc jazz. Euprasert nói thêm rằng khi ông lắng nghe các nghệ sỹ biểu diễn, ông có thể biết được các em đến từ trường đại học nào. Jerome Quah ở Malaysia cũng đã tham dự các hội thảo và đã có những buổi học tư ở Thái Lan. Ông nói thêm rằng nhiều sinh viên Malaysia đến Thái Lan để học tập và nghiên cứu jazz tại các trường đại học ở đó.

Ông Quah cho biết Malaysia đã chứng kiến sự tăng trưởng, trở nên phổ biến của nhạc jazz, mặc dù không phải là mức tăng trưởng cao như ở Thái Lan. Ông cho biết: “Tôi không có số liệu thống kê, nhưng tôi nghĩ rằng jazz đang trở nên phổ biến ở đất nước tôi hơn. Số lượng các nhóm nhạc tiếp tục tăng lên”.

Trung Quốc

Giáo dục Jazz cũng đang phát triển ở các nước châu Á khác, một trong số đó là Trung Quốc.

Terence Hsieh là một nhạc sĩ chơi kèn trombone và là nhà giáo âm nhạc ở Bắc Kinh. Ông nói rằng sự phát triển của Trung Quốc và sự gia nhập vào nền kinh tế thế giới đã mở ra nhiều khả năng cho sinh viên yêu thích jazz. Các bậc cha mẹ gửi con mình đến các trường âm nhạc đặc biệt, hoặc đôi khi là các trường quốc tế để luyện tập nhạc jazz.

Kevin Sun – một người chơi saxophone ở Brooklyn, đã từng sống ở Bắc Kinh lưu ý rằng không phải tất cả các nhạc sĩ Trung Quốc đều đi nước ngoài mới học được nhạc jazz, một số người gần như hoàn toàn tự học và đã phát triển được kỹ năng rất mạng về nhạc cụ của họ. Ông Hsieh giải thích bởi vì nhạc jazz tương đối mới đối với nhiều người Trung Quốc, mọi người thường đi đến những buổi biểu diễn mà không mang mong đợi nhiều về những gì họ sẽ nghe. Chính sự thiếu mong đợi này của đám đông cho phép các nghệ sỹ tự do sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí, năng lượng sáng tạo ở Bắc Kinh còn có thể so sánh được với những thành phố có bối cảnh nhạc jazz lớn hơn như thành phố New York.

Điều gì hấp dẫn sinh viên ở dòng nhạc này?

Ông Hsieh nói rằng các sinh viên của mình thích sự ngẫu hứng của nhạc jazz bởi vì nó cho phép họ thể hiện bản thân theo cách nghệ thuật bằng cách sử dụng một ngôn ngữ âm nhạc. Nghệ thuật cổ truyền Trung Quốc, có lẽ ngoại trừ thư pháp, không thường dựa vào sự ứng biến.

Ông Jerome Quah (Malaysia) cho biết chính những ý tưởng ứng biến ra là điều đầu tiên khiến ông hứng thú với jazz. Ông nói thêm rằng sinh viên Malaysia thích sự tự do mà tính ngẫu hứng của nhạc jazz mang lại cho họ. Các sinh viên thích chơi những thứ nhạc không được viết ra trước.

Ông Denny Euprasert (Thái Lan) nói rằng các sinh viên của ông thích nhạc jazz vì nó dân chủ, tức là mỗi người chơi trong một nhóm nhỏ sẽ có cơ hội đóng cả vai trò phụ và vai trò lãnh đạo. Ông cũng cho biết thêm rằng giáo dục nhạc jazz có thể tạo ra những mối liên kết cá nhân, thậm chí là vượt qua cả những rào cản ngôn ngữ. Như tại một trại nhạc jazz gần đây, các sinh viên từ khắp Đông Nam Á đã gặp nhau lần đầu tiên. Và mặc dù họ không nói cùng một ngôn ngữ, nhưng họ đã có thể kết nối với nhau thông qua niềm yêu thích chung trong âm nhạc. Ông cho biết: “Họ trở thành bạn bè… đến bây giờ vẫn giữ liên lạc. Tôi cảm thấy rất vui khi thấy được điều này”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.