Giáo dục nghệ thuật – một cánh cửa, vạn cơ hội

GD&TĐ - Giáo dục nghệ thuật theo tiêu chuẩn mang tính phổ quát quốc tế đem lại lợi ích to lớn cho mọi người, từ học viên đến giáo viên và cả cộng đồng nghệ thuật, mở ra nhiều cơ hội học tập, làm việc trong và ngoài nước.

Cô Teresa Hall, Chuyên gia Huấn luyện Cấp cao ISTD của Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam hướng dẫn học viên.
Cô Teresa Hall, Chuyên gia Huấn luyện Cấp cao ISTD của Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam hướng dẫn học viên.

Kỷ nguyên sáng tạo đã đưa những bộ môn trình diễn nghệ thuật và âm nhạc vào vị thế đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế của một cá nhân, một xã hội, một đất nước. Vai trò của giáo dục nghệ thuật trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được thể hiện ở mục đích đào tạo con người mới Việt Nam phát triển cân đối, hài hòa, toàn diện, có ý thức về cái đẹp.

Chuyên nghiệp hóa đam mê

Từ năm học 2020-2021, chương trình phổ thông mới đã bắt đầu triển khai ở lớp 1 bậc tiểu học. Các môn nghệ thuật sẽ triển khai ở cả 3 cấp tiểu học, THCS, THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới, dẫn đến tình trạng thiếu hàng chục nghìn giáo viên nghệ thuật được đào tạo có trình độ chuyên môn.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, ở bậc tiểu học, trong tổng số 15.538 trường tiểu học trên toàn quốc, chỉ có 13.339 giáo viên âm nhạc, thiếu 2.199nhân sự . Riêng đối với bậc THPT, theo lộ trình của chương trình giáo dục phổ thông mới, khi môn nghệ thuật triển khai tại các trường, số giáo viên nghệ thuật sẽ thiếu 100%.

Vậy nên, công tác chuẩn bị cho quá trình đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn, nâng chuẩn cho đội ngũ giáo viên âm nhạc là vô cùng cần thiết và cấp bách.  Hơn nữa, trong điều kiện Việt Nam hiện nay, các bạn sinh viên âm nhạc còn có thể trực tiếp trải nghiệm các kỳ thi lấy chứng chỉ âm nhạc quốc tế mà thông qua đó, các tiêu chí đánh giá trong đào tạo nghệ thuật đã được chuẩn hóa trên phạm vi toàn cầu.

Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Âm nhạc Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam (Vietnam Institute for Arts Education – VIA Education),  một trong những cách hiệu quả giúp học sinh có thể cảm thụ nghệ thuật một cách bài bản, cập nhật với những trào lưu mới trong nghệ thuật thế giới, đó là để cho các em được gia tăng tương tác trong lĩnh vực nghệ thuật trên những nền tảng công nghệ 4.0. Điều này còn giúp lớp học trở nên sinh động hơn, đồng thời khuyến khích trí tưởng tượng và khả năng kết nối của từng cá nhân học sinh.

Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Âm nhạc Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam giới thiệu các giáo trình Piano cơ bản cho trẻ em.
Nguyễn Thị Ngọc Dung, Giám đốc Âm nhạc Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam giới thiệu các giáo trình Piano cơ bản cho trẻ em.

Tuy nhiên, cô cho rằng giáo dục nghệ thuật tại Việt Nam cần khắc phục những hạn chế như thiếu hụt nguồn học liệu hiện đại chất lượng cao cũng như những nghiên cứu về phương pháp giáo dục nghệ thuật. “Thế giới hôm nay đã xuất hiện rất nhiều thể loại âm nhạc, nghệ thuật mới, đòi hỏi người dạy phải có năng lực thật sự. Giảng viên không chỉ trau dồi về chuyên môn âm nhạc mà nên biết cách khai thác các nguồn học liệu, áp dụng công nghệ hiện đại trong giảng dạy, gắn kết giáo dục nghệ thuật với sự phát triển của văn hóa xã hội”, TS. Ngọc Dung cho biết.

Quốc tế hóa lộ trình sự nghiệp

Sự ra đời của Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam (VIA Education) được xem là một cú hích trong việc hỗ trợ giải quyết bài toán nhu cầu nhân lực giáo viên nghệ thuật cũng như nâng tầm chất lượng đào tạo âm nhạc và nghệ thuật tại Việt Nam hiện nay.

VIA Education hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tư vấn và xuất bản, gồm các chương trình: giáo dục sáng tạo cho các đơn vị giáo dục với các chương trình học tích hợp và ngoại khóa; các khóa học chuyên đề ngắn và dài hạn nhằm đào tạo phát triển năng lực chuyên môn giáo viên; tư vấn chiến lược và khung chương trình cho hệ thống trường học; hoạt động khảo thí cho các chứng chỉ quốc tế; giới thiệu và xuất bản giáo trình, học liệu chất lượng cao.

Giáo trình Âm nhạc của Nhà xuất bản Alfred Music được giới thiệu đến công chúng thông qua Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam – đơn vị phát hành và phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Giáo trình Âm nhạc của Nhà xuất bản Alfred Music được giới thiệu đến công chúng thông qua Viện Giáo dục Nghệ thuật Việt Nam – đơn vị phát hành và phân phối độc quyền tại Việt Nam.

Các bằng cấp và chứng nhận âm nhạc và trình diễn nghệ thuật từ VIA Education có giá trị toàn cầu, mang đến ưu thế cho hồ sơ cá nhân của mỗi học viên khi du học, bao gồm: Chứng chỉ âm nhạc Trinity College London, Chứng chỉ âm nhạc AMEB, Chứng chỉ âm nhạc MTB, Chứng chỉ Vũ đạo ISTD – NATD, Chứng chỉ trình diễn nghệ thuật I-PATH…

Là một học viên theo học chương trình ISTD (của Hội đồng khảo thí vũ đạo quốc tế - có lịch sử 110 năm trên thế giới, là một trong nhiều chương trình đào tạo vũ đạo từ VIA Education), nghệ sĩ, biên đạo múa quốc tế Đỗ Hải Anh - Hiệu trưởng Học viện Unicorn Dance Academy, chia sẻ: “Một người nghệ sĩ Việt khi hiểu được ngôn ngữ chung của dòng chảy nghệ thuật thế giới sẽ dễ dàng hòa nhập với môi trường quốc tế và làm việc cùng bạn bè trên toàn cầu. Đây là những kiến thức và hành trang ‘vàng’ để những bạn trẻ có đam mê có thể làm việc và sinh sống tại nước ngoài”.

Ngọc Dung cho rằng việc tiếp cận với các chương trình đào tạo và nguồn học liệu quốc tế giúp giáo viên mở rộng khả năng giảng dạy, chuẩn hóa yêu cầu đầu ra của các bộ môn nghệ thuật và góp phần làm cho con đường chinh phục âm nhạc trở nên hấp dẫn hơn. “Sau khi được trải nghiệm các chương trình đào tạo quốc tế - mà tiêu biểu là việc vượt qua kỳ thi chứng chỉ âm nhạc quốc tế - sinh viên âm nhạc sẽ hiểu được mình cần bổ sung thêm kiến thức nào… để có thể thích nghi với thị trường việc làm đa dạng tại Việt Nam hiện nay. Cánh cửa nghề nghiệp cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật sẽ rộng mở hơn: không chỉ là người biểu diễn trên sân khấu, các bạn còn có thể làm giáo viên âm nhạc; không chỉ làm việc trong môi trường công lập, các bạn còn có thể bắt đầu sự nghiệp giảng dạy âm nhạc từ môi trường dân lập, tư thục hay quốc tế…”, cô cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.