(GD&TĐ) - Thị trường lao động toàn cầu ngày càng hướng tới nguồn nhân lực có chất lượng cao. Do đó, nhu cầu tạo ra một đội ngũ lao động vừa có tri thức vừa có tay nghề, chuyên nghiệp trong công việc và khả năng thích nghi nhanh chóng với những kỹ năng, hình thức tổ chức công việc mới… hết sức bức thiết.
Tăng đầu tư cho GDNN
PGS.TS Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề cho biết: Trong những năm trở lại đây, các nước đã tăng tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo trong GDP. Để phát triển trong tương lai, các nước đã tập trung đầu tư rất lớn cho giáo dục và đào tạo, cải cách hệ thống giáo dục đào tạo, nhất là GDNN. Mỹ đã chi khoảng 7% GDP/năm cho việc đào tạo và phát triển nhân tài. Các nước công nghiệp phát triển khác cũng đầu tư cho lĩnh vực này rất lớn, như Hà Lan 6,7% GDP, Pháp 5,7%, Nhật 5,0%,... Chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực của các nước nhất là Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu là lấy phát triển giáo dục và đào tạo làm trung tâm của phát triển nguồn nhân lực.
Chi phí đào tạo của các hãng ở Mỹ tăng lên rất nhanh, năm 1992 là 210 tỷ, đến năm 1995 đã tăng lên 600 tỷ và đến nay đã tăng lên gần 1.000 tỷ.
Chính sách giáo dục, đào tạo ở Nhật dựa trên cơ sở kết hợp truyền thống dân tộc và tiếp thu, thừa hưởng những thành quả của những phát minh khoa học kỹ thuật mới của nhân loại theo phương châm “văn hóa Nhật, công nghệ phương Tây”. Có thể nói Nhật Bản là nước đầu tư tốt nhất cho hệ thống giáo dục bậc thấp, làm cơ sở cho đào tạo lao động kỹ thuật (GDNN) và cho đào tạo đại học. Các công ty của Nhật mặc dù tuyển lựa “đầu vào” khá gắt gao nhưng khi đã được tuyển dụng thì nhân viên được coi như thành viên của gia đình, được công ty đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp phù hợp với công nghệ sản xuất của công ty.
Giờ thực hành tại trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội |
Không nằm ngoài xu hướng
Xu hướng GDNN của thế giới cho thấy, mọi sự đổi mới, cải cách đều do nhu cầu của thực tế sản xuất, sự thay đổi của khoa học và công nghệ. GDNN Việt Nam dù có chậm về mặt thời gian nhưng cũng không nằm ngoài xu hướng chung này. Vì vậy, đổi mới GDNN là nhu cầu khách quan của xã hội phát triển, phù hợp với xu hướng chung của thế giới ngày nay. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã khẳng định: “Phát triển mạnh hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng nhanh quy mô đào tạo cao đẳng nghề, trung cấp nghề cho các khu vực công nghiệp, các vùng kinh tế động lực và cho xuất khẩu; Tạo chuyển biến căn bản về chất lượng dạy nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới…”.
Tại một hội thảo về trình độ và cơ chế chính sách dạy nghề được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đắc Hưng, Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá: Nước ta có lực lượng lao động tương đối trẻ so với một số quốc gia khác. Nhưng GDNN đang đứng trước những thách thức rất lớn do nhu cầu phát triển kinh tế đất nước. Mặc dù nền kinh tế đang trên đà phát triển nhưng thị trường lao động vẫn chưa tương xứng có nguy cơ tụt hậu, thiếu thực tiễn. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và những tác động của công nghệ mới đã làm xuất hiện nhiều khó khăn mới… đòi hỏi Chính phủ cần có các giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, do đó phải có chính sách phát triển GDNN đúng hướng.
Anh Quang