Giáo dục Mỹ đau đầu với bài toán về người nhập cư

GD&TĐ - Một cuộc khảo sát của tờ Reuters cho thấy hơn nửa triệu trẻ em nhập cư đã đến Mỹ kể từ năm 2022.

Hơn nửa triệu trẻ em nhập cư đến Mỹ kể từ năm 2022.
Hơn nửa triệu trẻ em nhập cư đến Mỹ kể từ năm 2022.

Các trường công lập Mỹ ghi nhận số lượng học sinh nhập cư, đặc biệt là từ các quốc gia kém phát triển, gia tăng, làm thay đổi cơ cấu lớp học và gây căng thẳng cho cả giáo viên lẫn học sinh.

Một cuộc khảo sát của tờ Reuters cho thấy hơn nửa triệu trẻ em nhập cư đã đến Mỹ kể từ năm 2022. Khoảng 25 quận tại Mỹ ghi nhận số lượng học sinh nhập cư gia tăng, gây nhiều tác động như thiếu hụt giáo viên, thiếu ngân sách và rào cản ngôn ngữ.

Hơn nữa, nhiều học sinh trong số này không nói tiếng Anh nhưng các trường không có giáo viên dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (ESL) để hỗ trợ nhóm này bắt kịp với chương trình học. Giáo viên cũng gặp rào cản khi giao tiếp với phụ huynh nhập cư.

Dù giáo viên đã sử dụng ứng dụng dịch thuật và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới, học sinh nhập cư cũng không theo kịp bài vở. Thầy cô phải dừng lại để dịch bài học, làm gián đoạn nhịp học của lớp và ảnh hưởng đến khả năng tập trung của học sinh bản xứ.

Cô Dana Smith, giáo viên lớp Một tại Trường công lập Charleroi, bang Pennsylvania, chia sẻ: “Trong suốt 16 năm giảng dạy, tôi đã quen với việc dạy những học sinh có nền tảng ngôn ngữ khác nhau, nhưng sự xuất hiện của nhiều học sinh Haiti không nói tiếng Anh đã làm tăng áp lực công việc cho tôi”.

Các khu học chánh phải thuê thêm giáo viên ESL và tìm cách huy động kinh phí tuyển dụng giáo viên, nhưng thách thức vẫn còn đó. Một số khu vực, như Charleroi, phải đối mặt với sự gia tăng đột ngột số lượng học sinh nhập cư, trong khi dân số của thị trấn này đã giảm mạnh trong những thập kỷ qua. Thực tế này dẫn đến những tranh cãi về nguồn lực và phân bổ ngân sách trong cộng đồng.

Dù vậy, những thay đổi này cũng đem lại cơ hội mới. Tại Charleroi, một số giáo viên đã tự học và lấy chứng chỉ ESL để hỗ trợ học sinh nhập cư cải thiện khả năng tiếng Anh. Mặc dù thách thức vẫn hiện hữu, họ cảm thấy công việc này mang lại một luồng gió mới và là cơ hội học hỏi cho cả giáo viên và học sinh.

Tuy nhiên, sự thay đổi gây bất bình đẳng trong giáo dục. Chị Beth Pellegrini, phụ huynh có ba đứa con học tại Trường Charleroi, chia sẻ: “Tôi quyết định chuyển con sang trường bán công vì giáo viên quá bận rộn với những học sinh nhập cư mà không thể dành đủ sự quan tâm cho con mình. Việc thiếu đào tạo và nguồn lực cho giáo viên khiến chất lượng giảng dạy và sự chú ý đến từng học sinh bị ảnh hưởng”.

Bức tranh tổng thể về giáo dục tại Mỹ cho thấy sự gia tăng lượng người nhập cư đang tác động mạnh mẽ đến các lớp học. Dù có những thách thức, hệ thống giáo dục Mỹ vẫn đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu của các học sinh nhập cư, đồng thời thúc đẩy sự đa dạng và hòa nhập trong môi trường học tập.

Tuy nhiên, để có thể duy trì và phát triển bền vững, các trường học sẽ cần tiếp tục được hỗ trợ về nguồn lực và đào tạo chuyên môn, đặc biệt là trong việc dạy tiếng Anh và giải quyết các vấn đề văn hóa.

Những học sinh Haiti mới nhập học tại Charleroi, Mỹ đã có sự tiến bộ rõ rệt. Một nữ sinh trước đây không nói được tiếng Anh nhưng nay được trao giải thưởng vì thành tích học tập xuất sắc. Điều này chứng tỏ rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn, các trường học vẫn có thể thích nghi và giúp học sinh vượt qua rào cản ngôn ngữ để thành công.

Theo Reuters

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.