Giáo dục Lào Cai nỗ lực thực hiện nhiệm vụ 'kép'

GD&TĐ - Tỉnh Lào Cai hiện chỉ còn 3 trường học chưa thể đón học sinh đến lớp sau cơn bão số 3.

Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên được chia thành 2 ca.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên được chia thành 2 ca.

Nhiều trường học dù chịu ảnh hưởng nặng nề nhưng đã nỗ lực để đón học sinh trở lại. Trong điều kiện thiếu thốn, thầy cô vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ “kép”, tổ chức dạy học bắt kịp chương trình vừa ổn định tâm lý học sinh.

Sớm đón trò ra lớp

Thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai, đến ngày 23/9, toàn tỉnh còn 3 trường cho học sinh nghỉ học là Trường THCS và THPT huyện Bát Xát, tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát; Trường PTDTBT THCS Phìn Ngan, huyện Bát Xát và Trường PTDTBT THCS Nậm Lúc, huyện Bắc Hà. Đây đều là các trường bị ảnh hưởng nặng do thiên tai gây ra.

Vụ sạt lở đất xảy ra đêm và sáng 9/9 khiến toàn bộ dãy nhà xe và 16 phòng ở bán trú của học sinh Trường THCS và THPT Bát Xát tại xã Mường Hum, huyện Bát Xát sập đổ hoàn toàn. Đất đá vùi lấp 10 xe máy của giáo viên và học sinh cùng khu trạm bơm cứu hỏa. Khu vực taluy dương sau nhà bán trú 5 tầng cũng bị sạt khoảng 6.000 m3 đất, đá. Phía sau dãy phòng học 4 tầng xuất hiện nhiều vết nứt, có nguy cơ sạt lở cao…

Đến nay, công tác khắc phục hậu quả đang được nhà trường và các lực lượng hỗ trợ triển khai. Thầy Vũ Xuân Quế - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi cố gắng khắc phục hậu quả để thứ 4 (25/9) có thể cho học sinh quay trở lại trường và tiến hành ổn định tổ chức, dọn dẹp vệ sinh. Đến thứ 5 (ngày 26/9), nhà trường dạy học bình thường”.

Theo thầy Quế, nhà trường sẽ tổ chức học 2 ca để lấy phòng học làm chỗ ở cho 200 học sinh nữ. Còn 300 học sinh nam được bố trí ở tại khu nhà đa năng. “Cơ sở vật chất bị thiệt hại được nhiều đoàn đến hỗ trợ. Bây giờ, quan trọng và khó khăn nhất là chỗ tắm giặt, vệ sinh cho hơn 500 thầy cô, học sinh của trường”, thầy Quế thông tin.

Tại Trường PTDTBT THCS Phìn Ngan, huyện Bát Xát, do nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở, đá lăn nên đã cho học sinh nghỉ học. Thầy Lương Sỹ Dương - Phó Hiệu trưởng thông tin: “Trước mắt, chúng tôi gửi học sinh lớp 9 ra học tập tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX của huyện để đảm bảo tiến độ chương trình cho học sinh cuối cấp. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương tìm địa điểm học tập mới đảm bảo an toàn cho các khối lớp còn lại. Theo kế hoạch, các khối lớp còn lại sẽ đi học vào ngày 26/9”.

Hiện, một số điểm trường tại vùng nguy hiểm cũng chuyển trò đến học tạm tại các nhà văn hóa, học nhờ trường khác, nhà dân. Ngành Giáo dục Lào Cai bố trí để học sinh đang theo gia đình ở các khu tạm cư được học tập thuận lợi tại nơi ở mới. Mặt khác, yêu cầu các nhà trường tiếp tục rà soát nguy cơ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người học.

Qua rà soát, khu đồi phía sau Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng, huyện Bảo Yên xuất hiện nhiều vết nứt sụt lún, có nguy cơ sạt lở cao. Do vậy, nhà trường khẩn trương di chuyển thiết bị, đồ dùng dạy học sang địa điểm mới để ổn định tổ chức, đón học sinh trở lại trường.

no luc thuc hien nhiem vu kep (5).jpg
Phụ huynh Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh, huyện Bảo Yên động viên con khi mới chuyển về ở bán trú.

Cô Ma Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng cho biết: “Vết sạt lở đã chia đồi phía sau trường học thành 2 bậc cùng hàng trăm vết nứt sâu, nước và đất đá rỉ ra. Vì vậy, chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương và tạm thời di chuyển ra địa điểm mới”.

Hiện, toàn bộ bàn ghế, đồ dùng học tập của 20 lớp và các phòng học chức năng của Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng được vận chuyển, sắp xếp hợp lý tại Trường Mầm non Hoa Hồng cũ. Các thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh tập trung dọn dẹp, lắp đặt thiết bị và hệ thống điện, vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng… do trường vừa bị ngập sâu.

Đến ngày 23/9, Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng đón học sinh quay trở lại. Năm học này, nhà trường có 648 học sinh với 20 lớp. Tuy nhiên, địa điểm mới chỉ có 10 phòng học nên trường đã tổ chức dạy học 2 ca.

“Buổi sáng chúng tôi dạy 10 lớp thuộc khối 3, 4, 5 với thời lượng 5 tiết. Tuy nhiên, học sinh các khối lớp này phải học cả thứ 7 mới hết được số tiết theo phân phối chương trình. Buổi chiều, chúng tôi dạy khối lớp 1, 2 cùng 2 lớp 3. Các em sẽ học 4 tiết và trường cắt toàn bộ tiết hoạt động trải nghiệm đối với học sinh lớp 3 học buổi chiều để học sinh tan học cùng một khung giờ”, cô Xuân cho biết.

Trường Tiểu học số 1 Phố Ràng được bố trí đầy đủ giáo viên để có thể dạy 2 buổi/ngày với cả 20 lớp. Khi tổ chức dạy học 2 ca, nhà trường yêu cầu giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ học sinh học tại nhà. Trước mắt, trường gặp khó đối với môn Tin học do không có phòng.

no luc thuc hien nhiem vu kep (2).jpg
Công tác khắc phục hậu quả tại Trường THCS và THPT huyện Bát Xát.

Điểm tựa cho trò

Sau trận lũ quét, toàn bộ học sinh tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên được di chuyển về ở bán trú tại Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh. Việc tổ chức bán trú cho trẻ Làng Nủ khiến số học sinh ăn, ngủ tại trường Phúc Khánh tăng từ 90 lên khoảng 150.

Theo thầy Hiệu trưởng Phạm Đức Vinh, đón học sinh Làng Nủ về trường, áp lực lớn với ban giám hiệu khi chỉ có 5 phòng bán trú (2 nam, 3 nữ), 12 ô vệ sinh đa phần đã xuống cấp. Việc cho học sinh ăn bán trú cũng được chia thành 2 ca do số lượng đông hơn trước.

Địa phương và nhà trường tập trung kêu gọi, huy động thức ăn và chăn, gối, giường cho trẻ. Sau vài ngày vận động, đồ dùng đã tạm đủ, còn phòng ở được trưng dụng từ lớp học. Nhà trường sẽ xem xét các em có đủ điều kiện để ở bán trú hay không để đề xuất chế độ hỗ trợ cho phù hợp.

Do học sinh lớp 1, 2 còn quá nhỏ, lại mới xa gia đình nên việc vệ sinh cá nhân, thực hiện nền nếp cần có giáo viên và phụ huynh giúp đỡ. Nhiều phụ huynh cứ đến buổi chiều lại đến trường chăm sóc con rồi tối muộn mới về.

Chị Hoàng Thị Sách - phụ huynh em Hoàng Thị Huệ (lớp 2C) chia sẻ: “Lần đầu xa bố mẹ nên cháu thường khóc, lại hay ốm đau nên cứ chiều tối tôi lại xuống trường thăm con, thay các thầy cô vệ sinh, tắm rửa cho cháu để thích nghi dần. Biết là vất vả nhưng chúng tôi phải cho con ra đây học để đảm bảo an toàn”.

Chia sẻ của thầy Phạm Đức Vinh, bên cạnh việc chăm sóc học sinh lớp 1, 2, nhà trường cũng tập trung ổn định tâm lý cho những em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, chịu thiệt hại do lũ quét. Trong đó, có 4 em bị mồ côi cha, mẹ và 6 em có gia đình bị thiệt hại hoàn toàn tài sản sau trận lũ quét.

Nỗi buồn còn hiện hữu trên khuôn mặt em Hoàng Anh Quân - học sinh lớp 8, Trường Tiểu học và THCS số 1 Phúc Khánh khi bố bị lũ cuốn trôi giờ vẫn mất tích. Nhà cửa, tài sản của gia đình cũng trôi theo dòng lũ.

Hằng ngày, cô Hoàng Thị Nhương - giáo viên chủ nhiệm lớp 8 ân cần hỏi han và động viên em Quân. “Thật buồn khi chứng kiến những cảnh tang thương, mất mát ở Làng Nủ nhưng các em vẫn phải đi học, chúng tôi phải giảng dạy. Những em mồ côi bố, mẹ thì cần hơn sự quan tâm, động viên của giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi sẽ bù đắp cho các em những phần tình cảm còn thiếu”.

Không chỉ Làng Nủ, nhiều địa phương thuộc huyện Bảo Yên còn chịu thiệt hại rất nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3. Theo ông Bùi Minh Tuân - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên, có hàng nghìn hộ gia đình bị ảnh hưởng do bão số 3. Trong đó có rất nhiều gia đình học sinh và giáo viên.

“Trước mắt, chúng tôi chỉ đạo các cơ sở giáo dục tập trung ổn định tâm lý giáo viên, học sinh bị thiệt hại sau lũ. Về phía ngành đã kịp thời động viên và kết nối với nhà hảo tâm và các nguồn tài trợ khác để hỗ trợ thầy cô, học sinh bị ảnh hưởng. Qua đó, sớm mở cửa đón học sinh quay trở lại trường”, ông Bùi Minh Tuân chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ