Giáo dục học sinh về chủ quyền biên giới bằng trải nghiệm thực tế

GD&TĐ - Trường học huyện vùng biên Kon Tum đưa học sinh đi tham quan đồn biên phòng, cửa khẩu quốc tế Pờ Y... nhằm giáo dục các em chủ quyền biên giới.

Học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn chào cờ trên cột mốc ba biên.
Học sinh Trường Tiểu học Bế Văn Đàn chào cờ trên cột mốc ba biên.

Thấu hiểu vất vả của bộ đội biên phòng

Là đơn vị nằm trên địa bàn huyện biên giới, mỗi năm 5 lần, Trường Tiểu học số 2 thị trấn Pleikần (huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm thực tế nhằm giáo dục các em về chủ quyền biên giới.

Cô Hoàng Thị Hoà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 thị trấn Pleikần cho hay, năm học 2022-2023 toàn trường có 926 học sinh. Để các em thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của lực lượng biên phòng, bộ đội vùng biên nhà trường liên hệ với các đơn vị đóng quân trên địa bàn để đưa học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Tại đây, các cán bộ, chiến sĩ sẻ chia, tuyên truyền cho học sinh về chủ quyền biên giới, lòng yêu nước… Bên cạnh đó, tuỳ vào điều kiện thực tế nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu ngã ba Đông Dương và cột mốc giáp biên 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức chương trình, như: Rung chuông vàng, đóng tiểu phẩm… về an ninh - quốc phòng.

“Mỗi lần đi trải nghiệm thực tế nhằm trau dồi kiến thức sẽ có từ 150-200 em. Thông qua những chuyến đi đơn vị mong muốn học sinh nắm bắt được nhiệm vụ, sự hy sinh và vất vả của các chiến sĩ, bộ đội biên phòng. Khi về trường, những học sinh tham gia chia sẻ lại câu chuyện, kiến thức đã tiếp thu cho các bạn khác. Qua đó, tất cả học sinh đều thấu hiểu nỗi vất vả của những cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền đất nước Việt Nam. Với những trải nghiệm thực tế này, nhà trường mong rằng các em sẽ tự lập, đoàn kết và nuôi dưỡng ước mơ”, cô Hoà bộc bạch.

Học sinh được tuyên truyền về ý nghĩa của cột mốc ba biên và chủ quyền biên giới.
Học sinh được tuyên truyền về ý nghĩa của cột mốc ba biên và chủ quyền biên giới.

Trải qua 2 lần được tham quan, tìm hiểu thực tế tại doanh trại quân đội và cột mốc ba biên, em Hoàng Minh Quân (lớp 3A) cảm nhận được sự cẩn thận, nghiêm túc nhưng không kém phần vất vả của các chú bộ đội. Qua đó, Minh Quân ý thức hơn được trách nhiệm của bản thân phải cố gắng học tập và ngoan ngoãn, phụ giúp cha mẹ những việc nhỏ.

“Em sẽ cố gắng học giỏi để sau này lớn lên trở thành bộ đội bảo vệ tổ quốc”, Minh Quân chia sẻ.

Chào cờ ở cột mốc ba biên

Lá cờ đỏ sao vàng bay phất phới trên cột mốc biên cương và Quốc ca vang lên trong một buổi sáng nắng vàng. Hàng chục học sinh của Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) hướng mắt theo lá cờ hát vang bài Quốc ca.

Em Đinh Sa Thu Thuỷ (lớp 2A) tâm sự: Em rất tự hào và hạnh phúc khi được chào cờ ở cột mốc ba biên. Với trải nghiệm đáng nhớ này em sẽ về kể cho cha mẹ và các bạn ở nhà nghe. Và em cũng sẽ cố gắng học tập để thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ của mình.

Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tổ chức cho học sinh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Trường Tiểu học Bế Văn Đàn tổ chức cho học sinh đi viếng nghĩa trang liệt sĩ.

Thầy Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bế Văn Đàn cho biết, trong chương trình GDPT 2018 hoạt động trải nghiệm và giáo dục địa phương trở thành môn học với nội dung riêng biệt. Theo đó, với từng chủ đề nhà trường tổ chức các hoạt động phù hợp nhằm nâng cao năng lực, phẩm chất của học sinh, như: Chủ đề quê hương đất nước tổ chức cho học sinh tìm hiểu về chính mảnh đất mình đang sinh sống; Bếp của người Việt – tham quan bếp của người Brâu hay những hoạt động như tìm hiểu múa xoang, nhà rông… để gìn giữ nét văn hoá truyền thống của dân tộc.

Nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của những anh hùng dân tộc đã hy sinh bảo vệ tổ quốc, hàng năm nhân ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho học sinh. Theo đó, đưa học sinh đi viếng bia tưởng niệm, thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ. Bên cạnh đó tổ chức hoạt động trải nghiệm thăm cột mốc ba biên, tặng quà cho đồn biên phòng, Cửa khẩu quốc tế Pờ Y…

“Toàn trường có 449 học sinh, trong đó có trên 59% là người dân tộc thiểu số. Do đó, nhà trường rất quan tâm và chú trọng đến việc tuyên truyền, giáo dục văn hoá truyền thống, bảo vệ chủ quyền biên giới…Thông qua những hoạt động này các em mạnh dạn, tự tin hơn trong học tập cũng như cuộc sống. Đây cũng là kỉ niệm đáng nhớ của các em khi học tập tại trường”, thầy Đại nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.