Giáo dục học sinh về bảo tồn đại dương

GD&TĐ - Giáo dục học sinh về bảo tồn đại dương là lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích thế hệ trẻ hành động bảo vệ môi trường biển.

Cù Lao Chàm được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ. Ảnh: Internet.
Cù Lao Chàm được thiên nhiên ban tặng cho vẻ đẹp kỳ vĩ. Ảnh: Internet.

Ngày 23/10, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng UNESCO tổ chức Hội thảo tham vấn góp ý về “Giáo dục bảo tồn đại dương”.

Hội thảo nhằm tham vấn kết quả khảo sát ban đầu về tình hình bảo tồn biển - đại dương tại hai khu vực Cù Lào Chàm và Cần Giờ, đồng thời trao đổi về vấn đề liên quan đến lồng ghép, tích hợp về nội dung bảo tồn đại dương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhấn mạnh, Việt Nam có bờ biển dài và hệ sinh thái phong phú, GS.TS Lê Anh Vinh – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khẳng định, bảo vệ đại dương trở thành một nhiệm vụ cấp bách không chỉ dành cho các nhà nghiên cứu và nhà quản lý, mà nội dung này cần được tích hợp vào hệ thống giáo dục.

Việc trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức và kỹ năng về bảo tồn đại dương sẽ giúp họ nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và góp phần vào các nỗ lực bảo tồn bền vững trong tương lai.

baotondaiduong-3-1381-9750.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại Hội thảo.

“Giáo dục bảo tồn đại dương là lĩnh vực quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động bảo vệ môi trường biển. Điều này bao gồm việc giảng dạy về sự đa dạng sinh học của đại dương, tác động của ô nhiễm và biến đổi khí hậu, cũng như tầm quan trọng của các hệ sinh thái biển đối với cuộc sống con người” - GS.TS Lê Anh Vinh trao đổi.

Ngày 3/11 hằng năm được UNESCO chọn là Ngày Quốc tế về Khu dự trữ Sinh quyển nhằm thúc đẩy bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững trên toàn cầu. “Thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện khảo sát tại Cù Lao Chàm và Cần Giờ – những địa danh được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Kết quả khảo sát mang lại dữ liệu quý giá, giúp chúng tôi hiểu rõ hơn về tình hình thực tế và xây dựng nền tảng vững chắc cho các phương án giáo dục bảo tồn đại dương” - GS.TS Lê Anh Vinh cho hay.

baotondaiduong-1-7203-6107.jpg
Bà Miki Nozawa chia sẻ tại hội thảo.

Theo bà Miki Nozawa, Trưởng Chương trình Giáo dục UNESCO Việt Nam, sáng kiến “Bảo tồn Đại dương của Chúng ta: Xây dựng Mối quan hệ lành mạnh với đại dương”, là một phần trong cam kết của UNESCO với tư cách là cơ quan hàng đầu của Liên hợp quốc về Giáo dục vì Phát triển bền vững, với mục tiêu chuyển đổi giáo dục để ứng phó với những thách thức cấp bách mà hành tinh đang phải đối mặt.

Điểm đặc biệt của dự án là nhấn mạnh sự hợp tác giữa các đối tác, các bên liên quan khác nhau từ nhiều tầng lớp xã hội, bao gồm các nhà giáo dục và những người phụ trách công tác bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý hệ sinh thái bền vững; thúc đẩy trao đổi và hợp tác quốc tế.

Đồng thời, dự án tập trung vào các chương trình giáo dục mang tính trải nghiệm thực tế và phản ánh thực tế, đảm bảo người học không chỉ tiếp thu kiến thức mà còn có khả năng đưa ra quyết định dựa trên hành động cụ thể, phù hợp với cách tiếp cận mới trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

baotondaiduong-2-9914-6182.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Kết quả tích cực của dự án sẽ góp phần không nhỏ trong thực hiện Điều 153 Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm của Bộ GDĐT và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quy định nội dung, chương trình giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường và phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ mong muốn dự án có sự lan tỏa lớn hơn nữa, tìm hiểu sâu về thể chế, thực hiện tốt từng việc nhỏ, làm sao để tạo động lực cho mỗi người tham gia, gắn trách nhiệm của từng cá nhân với nhiệm vụ của toàn cầu, giải quyết 3 vấn đề cấp bách là: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học.

baotondaiduongjpg1-5179-2803.jpg
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Trần Nam Tú chia sẻ tại hội thảo.

Đánh giá cao sáng kiến của UNESCO và nhóm nghiên cứu trong việc góp phần bảo vệ môi trường sống của nhân loại, ông Trần Nam Tú - Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, dự án cần mở rộng đối tượng không chỉ là học sinh, sinh viên, mà còn tác động đến giáo viên và phụ huynh, với những phương pháp, nội dung phù hợp để nâng cao hiệu quả và có tác động lâu dài, bền vững.

Dự án “Giáo dục bảo tồn đại dương” là sáng kiến của UNESCO, được giới thiệu tại Tuần lễ Môi trường Toàn cầu vào tháng 9/2024, nhằm cung cấp các công cụ và tài liệu giáo dục giúp các nhà giáo dục và học sinh hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường biển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam đã có bước phát triển đáng kể những năm gần đây. Ảnh minh họa: INT

Tích hợp hệ thống năng lượng hỗn hợp

GD&TĐ - Kết hợp năng lượng mặt trời và gió giúp hệ thống điện ổn định hơn, hiệu suất cao hơn. Hệ thống phù hợp để ứng dụng vào điện mặt trời mái nhà.