* Theo ông, việc giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hiện nay đang gặp phải những khó khăn gì? Và Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ trẻ khuyết tật như thế nào để các em được học tập như bao trẻ em khác?
Thực tế mà nói, các số liệu về trẻ khuyết tật vẫn còn khó khăn vì chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể khái niệm thế nào là trẻ khuyết tật. Chính vì thế, khi các cơ quan tiến hành thống kê thì mỗi đơn vị có những quan điểm riêng về người khuyết tật nên có các sự khác nhau về số lượng.
Thêm một khó khăn nữa là nhận thức của cộng đồng, gia đình về người khuyết tật vẫn còn hạn chế. Nhiều gia đình họ không muốn thừa nhận con mình bị khuyết tật. Cho nên các số liệu vênh nhau, không phản ánh chính xác điều các cơ quan chức năng mong muốn.
Từ trước tới nay, Bộ GD&ĐT luôn quan tâm, hỗ trợ đối với trẻ em khuyết tật. Khi thấy trẻ em khuyết tật có khó khăn về học tập là chúng tôi quan tâm, hỗ trợ các điều kiện học tập tốt nhất có thể cho các em.
Hiện nay, đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố; đã có 17 trung tâm cấp tỉnh và cấp huyện; 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt và được triển khai ở tất cả các cấp mầm non, phổ thông trên cả nước.
Theo đó, Bộ rất quan tâm đến việc giáo dục hòa nhập cho trẻ em khuyết tật, tạo mọi điều kiện để các em có khó khăn về học tập được học hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, đó là chính sách rất quan trọng trong giáo dục.
Mới đây, ngày 28/1/2018, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư liên quan đến người khuyết tật, trong đó có giáo dục trẻ em khuyết tật để tạo hành lang pháp lý về mặt giáo dục, giúp trẻ em có yêu cầu đặc biệt về giáo dục có cơ hội phát triển nhiều hơn và có điều kiện tốt hơn trong việc tiếp cận giáo dục.
Qua đó, có thể hỗ trợ các em, giúp đỡ các em đạt được những ước mơ của mình, giống như bác Nguyễn Ngọc Ký. Từ đó họ sẽ có những đóng góp hữu ích cho xã hội.
* Tuy nhiên, để làm được điều đó thì rất cần có sự đầu tư về cơ sở vật chất. Vậy hiện nay các trường được được đầu tư như thế nào? Vụ Giáo dục Tiểu học có khảo sát về sự đầu tư này để ngày càng cải thiện tốt hơn môi trường học tập cho trẻ em khuyết tật?
Bên cạnh việc ban hành các văn bản; trong quá trình kiểm tra ở địa phương, nhất là kiểm tra về giáo dục, kiểm tra về trường chuẩn quốc gia, chúng tôi đều kết hợp kiểm tra về cơ sở vật chất đối với giáo dục hòa nhập. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các nhà trường đều cố gắng để đáp ứng yêu cầu này.
Tuy nhiên, thực tế thì không phải trường nào cũng có học sinh khuyết tật. Mặt khác không phải lúc nào nhà trường cũng có học sinh khuyết tật theo học cho nên một số cơ sở vật chất của các trường đó đôi khi vẫn chưa được chuẩn bị tốt và chu đáo như mong muốn.
* Liệu việc gộp quá nhiều học sinh khuyết tật ở trong một lớp có phải là một gánh nặng cho các thầy, cô giáo? Và chúng ta giải quyết bài toán này như thế nào, thưa ông?
Thực chất nếu trong lớp có học sinh khuyết tật thì giáo viên sẽ vất vả hơn. Chính vì lý do đó, Bộ GD&ĐT đã có quy định về số lượng trẻ khuyết tật trong một lớp (nếu có). Chẳng hạn như Điều lệ Trường mầm non quy định: Khi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có một trẻ khuyết tật học hòa nhập thì sĩ số của lớp được giảm 5 trẻ.
Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo không quá 2 trẻ cùng một loại tật. Mỗi nhóm trẻ, lớp mẫu giáo có đủ số lượng giáo viên theo quy định hiện hành. Nếu nhóm, lớp có từ 2 giáo viên trở lên thì phải có 1 giáo viên phụ trách chính.
Ngoài ra, để hỗ trợ giáo viên có kiến thức và kỹ năng giáo dục hòa nhập, chúng tôi đã tổ chức các khóa bồi dưỡng cho giáo viên nhằm nâng cao năng lực cho các thầy, cô để họ hoàn toàn tự tin khi lớp mình có học sinh khuyết tật.
* Vậy hiện nay, trong các trường sư phạm đã có giáo trình về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật hay chưa?
Chúng tôi đã khuyến cáo các nhà trường cần thiết kế, xây dựng tài liệu, giáo trình về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Hiện nay, trong chương trình đào tạo của các trường sư phạm đã đưa giáo dục hòa nhập vào giảng dạy cho sinh viên.
Mặc dù chưa có hẳn môn học này nhưng các trường đã cố gắng lồng ghép kiến thức về giáo dục học sinh khuyết tật để khi ra trường các em có kiến thức, kỹ năng nhằm kịp thời hỗ trợ học sinh khuyết tật (nếu có).
Xin cảm ơn ông!