Các thế hệ nhà giáo ở đây luôn khắc ghi lời dạy của Bác Hồ: “Thầy giáo phải gương mẫu, trực tiếp làm nhiệm vụ đào tạo những công dân tốt, cán bộ tốt sau này, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội...”.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Bác Hồ, 15/8/1959, Thủ tướng ban hành Thông tư số 3116-A7 về việc điều động giáo viên cấp 1, cấp 2, cấp 3 ở các tỉnh miền xuôi lên miền núi công tác.
Từ chủ trương trên, Bộ Giáo dục đã xây dựng chương trình đưa 860 giáo viên ở các tỉnh đồng bằng, trung du Bắc Bộ, Thanh Hóa lên Khu Tự trị Thái Mèo, Hòa Bình, Hải Ninh, Lào Cai, Yên Bái và Việt Bắc. Trong đó, tỉnh Lai Châu cũ (nay là Lai Châu và Điện Biên) được đón hơn 500 giáo viên về xây dựng sự nghiệp giáo dục.
Ngày 27/9/1959, đoàn giáo viên theo lời kêu gọi của Đảng, Bác Hồ bắt đầu hành trình lên Tây Bắc. Mỗi nhà giáo được phát áo bông, chăn chiên, màn, chiếu rồi lên đường chia nhau về một châu (đơn vị hành chính cũ) của Khu Tự trị Thái Mèo.
Bước qua nỗi ám ảnh về một vùng “ma thiêng nước độc”, cùng khí thế hừng hực của tuổi trẻ, các nhà giáo trong đoàn quân “gieo chữ” năm 1959 đã đưa “cái chữ” Bác Hồ đến các bản làng xa xôi dạy cho đồng bào và con em các dân tộc, mở ra một trang sử mới trong sự nghiệp giáo dục vùng Tây Bắc, vùng đất vừa đi qua chiến tranh, còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn.
Với quyết tâm cao nhất, hơn 500 con người ở các xã vùng cao Lai Châu đã hòa cùng với khí thế của “đoàn quân 860 người” làm “sáng lên” cái chữ khắp các miền Tây Bắc. Họ đã thực hiện đúng lời Bác Hồ động viên, dặn dò “Xung phong đến nơi, đến chốn”.
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu thăm Trường PTDT Nội trú tỉnh (tháng 5/1998). |
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và động viên các học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. |
Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên trao Cờ thi đua của Chính phủ cho lãnh đạo Trường PTDTNT THPT huyện Mường Nhé. |
Từ sự khởi nguồn này mà nhiều năm sau đó, còn biết bao giáo viên của Hà Nội, các tỉnh đồng bằng đã lên với Lai Châu, Tây Bắc. Rất nhiều người trong số đó đã gắn bó sâu nặng, coi đây là quê hương thứ 2 của mình... Họ đã góp công, góp sức vào việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho Tây Bắc, cả trong thời điểm đó và cả sau này...
Gần 70 năm trôi qua, giáo dục Điện Biên hôm nay có những bước phát triển mới. Hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất trường học ngày một khang trang, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; điều kiện dạy học của thầy và trò từng bước được cải thiện.
Toàn ngành hiện có 486 cơ sở giáo dục đào tạo, với 7.540 lớp, 212.934 học sinh, sinh viên.
Trong đó, 363/465 trường mầm non và phổ thông (chiếm 78,06%) được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng phát triển mạnh cả về chất và số lượng với hơn 15 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Trong đó, đội ngũ giáo viên người địa phương đã khẳng định được năng lực... Chất lượng và hiệu quả giáo dục có nhiều thành tích, đặc biệt là về giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng, ý chí để xây dựng bảo vệ Tổ quốc.
Chất lượng đào tạo học sinh giỏi quốc gia được khẳng định. Trong những năm qua, các đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của Điện Biên giành được nhiều giải Nhất, Nhì, Ba toàn quốc.
Những năm qua, các phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”; các Cuộc vận động: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” được thực hiện hiệu quả.
Giáo viên và phụ huynh lao động tại Trường PTDTBT Tiểu học Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. |
Học sinh Trường THCS Sín Thầu, huyện Mường Nhé trên đường đến trường. |
Giờ sinh hoạt tập thể tại Trường Tiểu học Him Lam (TP Điện Biên Phủ). |
Lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú lần thứ 16 và tuyên dương, khen thưởng học sinh đạt giải, giáo viên tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024. |
Thi đua thực sự trở thành động lực động viên, khích lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành GD&ĐT Điện Biên phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, vượt mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.
Đến nay, 3 tập thể được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”; 1 tập thể vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân của ngành được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 84 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú; 1 nhà giáo đề nghị phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, 1 Chiến sĩ thi đua toàn quốc...
Với những kết quả đó, có thể khẳng định: Ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên đã có những đóng góp quan trọng trong việc bồi dưỡng, phát triển nhân cách, đạo đức cho thế hệ trẻ; góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đất nước.