Quang cảnh hội nghị |
Triển khai 3 cuộc vận động tốt
Báo cáo tổng hợp các kết quả hoạt động của ngành giáo dục 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cho thấy: Kết quả triển khai 3 cuộc vận động và phong trào xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực đã có những chuyển biến tích cực.
Cụ thể ở Tiền Giang, An Giang và Cà Mau đã chọn được những mô hình trọng điểm ở mỗi cấp học, ngành học để từ đó nhân rộng toàn tỉnh. Từ phong trào tổ chức lễ “trưởng thành và tri ân” ở Hậu Giang, đã phát triển thành phong trào tôn vinh cán bộ quản lý giỏi, giáo viên tiêu biểu ở Hậu Giang, An Giang. Chủ trương của Bộ GD&ĐT thực hiện “ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) được hưởng ứng với hiệu quả tốt. Riêng Cà Mau có thêm đủ phương tiện đến trường, 10 ngàn học sinh có hoàn cảnh khó khăn đủ đò đến trường, nên đã vận động 550 học sinh bỏ học đã trở lại trường.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục, dạy và học đã có bước phát triển vượt bậc. Nhiều đơn vị ứng dụng CNTT tốt như: An Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Tiền Giang đều có “Ngày hội CNTT”. Riêng Hậu Giang có công trình: “Xây dựng nguồn học liệu mở phục vụ việc giảng dạy và học tập cho học sinh PTTH”. Nhiều tỉnh có hội nghị trực tuyến từ Sở đến các Phòng, đến các trường. Hầu hết các tỉnh đều có website của Sở cung cấp thông tin trong hệ thống giáo dục. Các phần mềm công tác quản lý cán bộ (PMIS), quản lý thống kê phát triển giáo dục (EMIS) được ứng dụng rộng khắp.
Chất lượng giáo dục: Phân thành 2 nhóm
Chất lượng giáo dục trong học kỳ qua của ĐBSCL khá ấn tượng:Cấp học Mầm non 96% trẻ em 5 tuổi đến trường, trong đó có 4 tỉnh đạt 100%, hai tỉnh dưới 84% là Cà Mau và Kiên Giang. Trẻ em khuyết tật được chăm sóc tốt. Cấp tiểu học, hai tỉnh Long An và Tiền Giang dẫn đầu số học sinh khá giỏi trên 80%, Cà Mau và Bạc Liêu có tỉ lệ học sinh kém cao trên dưới 10%.
Cấp THCS Bến Tre, Long An và An Giang dẫn đầu với tỉ lệ học sinh khá giỏi từ 51 đến 59%, Hậu Giang và Kiên Giang học sinh yếu kém cao nhất.
Cấp THPT An Giang, Tiền Giang, Bến Tre dẫn đầu số học sinh khá, giỏi từ 31-35%; Kiên Giang, Hậu Giang và Cà Mau vẫn có học sinh yếu kém tỉ lệ cao nhất.
Đặc biệt tỉ lệ học sinh bỏ học giảm nhanh nhờ kết quả của những cuộc vận động nêu trên và được cả cộng đồng hưởng ứng. Cấp tiểu học tỉ lệ bỏ học dưới 1%, đặc biệt Vĩnh Long 0,02%, Bến Tre 0,03%, Long An 0,10%. Cấp THCS dưới 2%, THPT dưới 4%. Các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau có tỉ lệ học sinh bỏ học giảm khá mạnh nhờ thực hiện “3 đủ”.
Từ kết quả trên cho thấy giáo dục ĐBSCL đang phân hoá thành 2 nhóm, một nhóm gần theo kịp chất lượng học tập với cả nước, còn một nhóm vùng sâu, vùng xa, khó khăn về kinh tế, giao thông nên có tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục, do đó cần được quan tâm nhiều hơn.
Thứ trưởng thường trực Phạm Vũ Luận kết luận hội nghị |
Ý kiến đại biểu
Tại hội nghị, đại diện các sở GD&ĐT cũng đã nêu kiến nghị với Bộ GDĐT một số nội dung như: Tổ chức chấm thi tốt nghiệp PTTH theo cụm; Đa dạng hoá loại hình bồi dưỡng cán bộ quản lý trên khả năng tự học của giáo viên thông qua CNTT; Học sinh giỏi cấp quốc gia hạng 1,2,3 nên có điểm ưu tiên khi thi vào đại học; Cần có chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT cho hoạt động quản lý và giảng dạy; Thống nhất văn bản quản lý các trường Cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Thanh Bình, GĐ Sở GD-ĐT An Giang nêu ý kiến: văn bản của Bộ hướng dẫn vùng khó khăn được thi môn Vật lý thay thế môn Anh văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xin được hướng dẫn kỹ hơn. An Giang có 100km biên giới có phải là vùng khó khăn? An Giang tuyển sinh lớp 10 năm nay qua kỳ thi chứ không xét tuyển vì xét sẽ phân phối chất lượng học sinh không đồng đều ở một trường.
Đại biểu Đồng Tháp quan tâm đến việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS: một số vào THPT, một số vào trường nghề, một số học bổ túc văn hoá… thì mới tránh tình trạng học sinh học yếu rồi bỏ học.
Ông Triệu Văn Phấn, GĐ Sở GD-ĐT Trà Vinh tâm đắc với việc vận động cả xã hội chăm lo cho học sinh nghèo, học sinh khó khăn. Trà Vinh là tỉnh giải ngân vốn kiên cố hoá trường lớp đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long. Ông Phấn cho biết, năm 2012 tỉnh sẽ hoàn thành kiên cố hoá trừơng lớp.
Kết luận tại hội nghị, Thứ trưởng thường trực Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: ĐBSCL triển khai thực hiện 3 cuộc vận động của Bộ sáng tạo, sâu sắc. Kết quả ấy không chỉ là kinh nghiệm tốt cho vùng mà còn là kinh nghiệm quý cho cả nước. Chẳng hạn như lễ “Trưởng thành và tri ân” ở Hậu Giang, hỗ trợ tiền đò cho học sinh nghèo ở Cà Mau…
Từ phong trào của Ngành giáo dục đã lôi cuốn cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế rồi cả cộng đồng cùng vào cuộc. Nếu so sánh chất lượng giáo dục hiện nay so với trước khi có Quyết định 20/CP, chúng ta sẽ thấy tiến bộ vượt bậc, tuy nhiên chúng ta chưa hài lòng với điều đó vì chưa thoát ra khỏi "vùng trũng". Kết quả ấy là sự phấn đấu của ngành giáo dục, của hệ thống chính trị mới có được. Về một số kiến nghị của đại biểu các tỉnh, thứ trưởng thường trực cho biết Bộ ghi nhận và sẽ cùng các vụ, cục chức năng nghiên cứu và có hướng dẫn giải quyết hợp lí.
Nguyễn Ngọc