Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cùng đại biểu và các chuyên gia của 53 thành viên thuộc Diễn đàn ASEM.
Tại Hội nghị, đại diện các nước thành viên cùng các chuyên gia tập trung trao đổi kinh nghiệm và thảo luận các nội dung: Vai trò của giáo dục và nguồn nhân lực trong thế kỷ 21 vì mục tiêu phát triển bền vững...
Thực tiễn và bài học kinh nghiệm tại châu Á và châu Âu, điển hình Á - Âu trong thúc đẩy giáo dục sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ thông tin, giáo dục xuyên quốc gia, đào tạo nghề, tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ: Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển vũ bão thì giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực có tri thức, công nghệ ngày càng có tính quyết định.
Gần đây mọi người nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nhiều ngành sản xuất, phương thức sản xuất, nhân công sẽ phải thay đổi, buộc phải đào thải, được thay thế.
Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây sẽ có những ngành nghề mới, cách làm mới, nguồn nhân lực mới sẽ ra đời, sẽ phát triển. Ai là người sẵn sàng cho sự thay đổi đó sẽ giành được lợi thế. Ngược lại sẽ tụt lại phía sau.
Đổi mới giáo dục, đào tạo đã luôn quan trọng lại càng quan trọng. Không chỉ với các nước đang phát triển mà ngay cả với các nền kinh tế, nền giáo dục phát triển nhất.
Điều đáng lưu ý là cuộc cách mạng lần thứ tư này sự thay đổi, thay thế sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều so với những lần trước. Vì thế đổi mới giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ quan trọng hơn mà còn bức thiết hơn.
GD-ĐT phải tiếp tục sứ mệnh khai mở trí tuệ, bồi dưỡng nhân văn để phát triển con người toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ. Đặc biệt, giáo dục đào tạo hơn lúc nào hết cần khơi dậy hứng khởi, để học sinh, sinh viên và mọi người vào đam mê học hỏi, tìm tòi cuộc sống, thế giới quanh mình; đam mê để nghiên cứu, tiếp thu, làm chủ, sáng tạo tri thức, công nghệ mới để lập thân, lập nghiệp, cống hiến...
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội nghị |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong rằng các diễn giả, các đại biểu sẽ thảo luận, đưa ra được nhận thức chung về tư duy, cách tiếp cận tổng thể, liên ngành về đổi mới giáo dục - đào tạo để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; đồng thời vẫn đảm bảo tính bao trùm, công bằng, bình đẳng với nhóm yếu thế.
Qua hội nghị nhiều kinh nghiệm đổi mới sẽ được trao đổi, phân tích; nhiều sáng kiến khuyến nghị được đưa ra. Đặc biệt là liên quan tới các giải pháp thúc đẩy kết nối các trung tâm đào tạo, nghiên cứu, phát triển nhân lực trong ASEM và cả ASEM với các đối tác, tăng cường hợp tác công - tư, sáng tạo và chuyển giao công nghệ (nhất là công nghệ trong giáo dục đào tạo), xây xây dựng xã hội học tập và đề xuất “Chương trình Nghị sự về kỹ năng ASEM thế kỷ 21”.
Kết quả của Hội nghị này cũng là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEM lần thứ 6 sắp tới ở Seoul và Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels vào năm 2018.
Diễn ra trong bối cảnh các nước thúc đẩy giáo dục sáng tạo, phát triển các kỹ năng thế kỷ 21 để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hội nghị góp phần thúc đẩy hợp tác Á - Âu giải quyết các vấn đề liên quan đến giáo dục, lao động, việc làm, đề xuất về Tầm nhìn Giáo dục và phát triển nhân lực của ASEM, Chương trình các kỹ năng mới của ASEM, hướng tới tăng trưởng bền vững và toàn diện.