Phấn khởi với thành công – tiền đề thực hiện nhiệm vụ năm tới.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Vụ trưởng vụ Giáo dục dân tộc - báo cáo tổng kết năm học 2013 – 2014 và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 – 2015 đối với giáo dục dân tộc.
Năm học 2013 – 2014, giáo dục dân tộc đã có những kết quả đáng mừng về thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các cấp học.
Tình hình dạy tiếng dân tộc thiểu số được nâng lên rỗ rệt, công tác quản lý giáo dục dân tộc và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo ở cùng dân tộc, miền núi cũng có những kế hoạch cụ thể, kịp thời.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2014 – 2015 là thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29 - NQ/T.Ư. Tiếp tục tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi và các trường Phổ thông dân tộc nội trú, Phổ thông dân tộc bán trú, trường Dự bị Đại học dân tộc.
Tổ chức và quản lý tốt việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh và cán bộ, công chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định; triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng việt ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ở cùng dân tộc thiểu số, miền núi.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành đối với giáo dục dân tộc; tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ nhà giáo, cán bộ quản lý, học sinh và các cơ sở giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số.
Không chỉ dạy tích cực mà còn học tích cực
Trong phần thảo luận, các đại biểu đã đưa ra những bài học kinh nghiệp trong công tác xã hội hóa Giáo dục đối với trường phổ thông dân tộc bán trú. Lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái cho biết: Hằng năm, vào dịp đầu năm mới, Sở phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền chủ trương “3 đủ” và vận động học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh bán trú.
Vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trường thuận lợi tạo mọi điều kiện giúp đỡ, ủng hộ trường khó khăn bằng nhiều hình thức; đặc biệt quan tâm tới các trường, lớp học bán trú tại vùng khó khăn và 2 huyện Trạm Tấu và Mù Căng Chải để ngày càng xã hội hóa công tác giáo dục dân tộc...
Ông Vũ Đình Chuẩn – Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học - nhấn mạnh: Hiện nay, chúng ta cần chú ý đặt vấn đề chất lượng giáo dục học sinh lên hàng đầu, không chỉ dạy tích cực mà còn quan tâm đến việc học tích cực, đổi mới phương pháp sinh hoạt chuyên môn thành giờ học tập trung.
Việc ra đề cũng cần có sự phù hợp chất lượng học sinh vùng miền, cần kiểm tra đánh giá sự tiến bộ của học sinh để đảm bảo “mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đối với các học sinh dân tộc thiểu số.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu chỉ đạo Hội nghị |
Phối hợp với các địa phương để thực hiện nhiệm vụ năm học mới
Tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Hội nghị đã nghe các ý kiến tham luận và cùng chia sẻ những khó khăn vướng mắc, trao đổi về những chủ trương đánh giá về chất lượng dạy và học nói chung và vùng dân tộc thiểu số nói riêng. Bộ GD&ĐT ghi nhận và tiếp thu các ý kiến để xem xét và có những quyết định đúng đắn.
Thứ trưởng đánh giá: Giáo dục dân tộc là lĩnh vực công tác hết sức khó khăn bởi đây là vùng địa hình cách trở, trình độ dân trí còn thấp, thiên tai thường xuyên, sự quan tâm của bà con vào việc học tập còn chưa nhiều, hơn nữa còn có những khó khăn về phong tục, tập quán, nhưng nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, nhà nước và tâm huyết của những nhà giáo, những nhà quản lý mà chúng ta đã hoàn xuất sắc nhiệm vụ năm học 2013 – 2014.
Năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh bỏ học giảm, sĩ số được duy trì ổn định, chất lượng giáo dục tăng lên rõ rệt thể hiện ở tỉ lệ học sinh khá giỏi, hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi... là những kết quả đáng mừng với giáo dục dân tộc.
Trong đổi mới kiểm tra đánh giá, nhiều trường đã xây dựng được nguồn học liệu mở, trường dự bị đại học cũng đã nâng cao việc tuyển chọn chất lượng học sinh từ khâu đầu vào.
Công tác dạy tiếng dân tộc đã được quan tâm nhưng còn nhiều khó khăn...
Dự định trong Quý III, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định, ban hành danh mục thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số gồm 6 thứ tiếng. Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ có những rà soát về trường dự bị dân tộc, các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn về giáo dục dân tộc.
Vấn đề khen thưởng xét thi đua, Thứ trưởng chỉ đạo hàng năm các đơn vị gửi danh sách về Vụ thi đua khen thưởng để có những động viên, khuyến khích kịp thời cho các đối tượng có sự nỗ lực, đóng góp cho giáo dục dân tộc.
Các Vụ, Cục chức năng (Bộ GD&ĐT) cần có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để cùng hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc được tốt nhất và hoàn thiện - Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh.