(GD&TĐ) - "Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, điều tâm đắc nhất là chúng ta đã thay đổi về nhận thức và tư duy; đã chuyển từ quản lý phát triển dựa vào số lượng, bước đầu chú ý và hướng phấn đấu cho chất lượng, hiệu quả".
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận tại Hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTg và Chương trình hành động của Bộ GD&ĐT về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010 - 2012 tổ chức hôm nay (11/9). Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đến dự chỉ đạo Hội nghị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Cuộc vận động “thấm”đến từng trường
Những yêu cầu trong quá trình đổi mới quản lý giáo dục đặt ra trong 3 năm đã được quán triệt, “thấm” đến tất cả các trường. Nhiều nội dung 3 năm trước còn băn khoăn nay đã thành công và được triển khai tương đối rộng rãi. Chúng ta đã triển khai kiểm tra điều kiện của các trường ĐH mới thành lập; đã làm quen với việc không đủ điều kiện không được tuyển sinh mới, không tăng chỉ tiêu – điều từ trước tới giờ chưa từng có. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân |
Cuộc vận động về đổi mới quản lý giáo dục ĐH giai đoạn 2010-2020 đã được triển khai một cách sâu rộng trong tất cả các trường ĐH, CĐ toàn quốc, tạo ra một bước chuyển tích cực trong tư tưởng, ý thức trách nhiệm và hành động thực tiễn của cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường ĐH, CĐ, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đó là nhận định chung của các đại biểu tham dự hội nghị từ 6 điểm cầu trên cả nước.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các nội dung đặt ra trong quá trình đổi mới đều xuất hiện những mô hình làm tốt như vấn đề bồi dưỡng giáo viên, chuẩn hóa giáo viên, vấn đề chuẩn đầu ra, vấn đề kiểm định chất lượng…
Đặc biệt, nhiều nội dung đổi mới đã được triển khai trên diện rộng. Ví dụ, có đến 96% trường ĐH trên cả nước đã rà soát chiến lược phát triển của trường đến năm 2020, bổ sung chỉ tiêu và các chiến lược, giải pháp; 93% trường ĐH, CĐ có cam kết về chất lượng đào tạo; 91,7% trường công bố chuẩn đầu ra; 72% số trường ĐH, CĐ có đơn vị chuyên trách đảm bảo chất lượng của nhà trường. “Đây là những tỷ lệ mà 3 năm trước chưa hề có” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, điều tâm đắc nhất sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là đã có sự thay đổi về nhận thức và tư duy; cách quản lý bước đầu đã chuyển từ phát triển dựa vào số lượng sang phấn đấu cho chất lượng, hiệu quả; đã bắt đầu tách bạch rõ ràng hơn và ngày càng mạnh mẽ quản lý nhà nước với quản trị các nhà trường, đã xóa bỏ một bước rất mạnh mẽ cơ chế xin cho, tạo lập một cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và giải trình với Bộ, với xã hội.
Đồng thời, triển khai mạnh mẽ thanh tra, kiểm tra, tự thanh tra, kiểm tra của các nhà trường, có xử lý nghiêm khắc và công bố công khai. Cùng với đó, đã bắt đầu hình thành các định mức kinh tế kỹ thuật, giao quyền tự chủ trong khuôn khổ của những định mức, định hướng theo chất lượng; giám sát chặt chẽ cam kết trong thành lập trường; đã đưa đào tạo sau ĐH từ phân tán ở rất nhiều cơ sở bên ngoài trường về cơ sở chính; chấn chỉnh những lệch lạc trong liên kết đào tạo với nước ngoài…
“3 năm vừa qua, điều kiện đảm bảo chất lượng của các nhà trường cải thiện rõ rệt” – Bộ trưởng tự tin báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận: 3 năm vừa qua, điều kiện đảm bảo chất lượng của các nhà trường cải thiện rõ rệt. Ảnh: gdtd.vn |
Kiên định vì chất lượng
Trường trung cấp, CĐ có sứ mạng, vị trí, vai trò, có vinh quang và khó khăn thách thức riêng. Việc nâng cấp nếu có đặt ra là do nhu cầu xã hội, do đòi hỏi khách qua bên ngoài và các bộ ngành, các địa phương. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận |
Tại Hội nghị, nhiều băn khoăn cũng như kiến nghị của các đại biểu được đưa ra. Tổng tư lệnh ngành Giáo dục đã có những trả lời thấu đáo, chỉ đạo kịp thời trước những vấn đề này với tinh thần xuyên suốt là kiên định vì chất lượng.
Tiếp thu ý kiến phản ánh trường CĐ khó tuyển sinh, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng thời lưu ý các trường trước vấn đề này nên quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phân luồng. Mục tiêu của phân luồng thành trường trung cấp nghề, CĐ nghề, TCCN là để tạo lực lượng lao động ở các cấp độ khác nhau. Nếu học sinh vào trường trung cấp, CĐ chỉ để vào ĐH thì các trường này không thực hiện được sứ mệnh và chúng ta tiếp tục đối mặt với việc mất cân đối giữa thầy và thợ.
Vấn đề nâng cấp trường trung cấp, CĐ lên CĐ, ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận kiên quyết với quan điểm cần giữ sự ổn định trong hệ thống. “Các trường trung, CĐ cấp luôn trong tâm trạng thành lập 5 - 3 năm thì lên CĐ, ĐH. Việc các trường đứng núi này trông núi nọ sẽ khiến cả hệ thống không ổn định và không mạnh. Các trường trung cấp mạnh lại thành một trường CĐ yếu. Trường CĐ xây dựng vài năm, đứng được bằng hai chân mình rồi lại nhấp nhổm muốn trở thành trường ĐH. Trường ĐH được vài năm cố xin bằng được để đào tạo thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Như vậy, tình trạng mất cân đối giữa các trình độ đào tạo luôn luôn đặt ra và Bộ GD&ĐT luôn luôn đứng trước sức ép" - Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, ngành Giáo dục đã có chủ trương cho rà soát, tính toán lại thực trạng mạng lưới đào tạo giáo viên các cấp trong cả nước để quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm; khuyến khích việc chuyển đổi và công nhận tín chỉ giữa các trường. Vấn đề đào tạo nhân lực y tế, Bộ trưởng khẳng định nếu cần thiết sẽ có văn bản quy định riêng vì đây là ngành đào tạo đặc biệt…
Đại biểu tại đầu cầu Hà Nội phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Tự chủ càng cao, quản lý phải càng tốt
Tại Hội nghị, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị các trường nên bàn bạc mối quan hệ giữa tự chủ tuyển sinh của trường mình theo năng lực với nhu cầu xã hội gắn với quy hoạch, đây là bài toán đã nêu ra từ 2 năm trước. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, ngoài hai điều kiện “cứng” là cơ sở vật chất là giảng viên, Phó Thủ tướng đề nghị nên đưa thêm tiêu chuẩn điều kiện để đảm bảo các yêu cầu về quản lý. Tự chủ càng cao, quản lý phải càng tốt – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, việc đẩy mạnh các biện pháp như đảm bảo chiến lược thông qua chuẩn bị yếu tố bên trong của trường, thông qua đánh giá bên ngoài của địa phương sẽ tạo nên 3 chế tài chiến lược, đó là: Xác định chế tài của nhà trường thông qua sắp xếp, đánh giá lại giáo viên, chương trình; chế định quản lý nhà nước thông qua giám sát; đánh giá của xã hội thông qua việc sinh viên có vào học trường đó hay không.
Nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 296, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh đào tạo theo yêu cầu xã hội; NCKH cũng phải theo nhu cầu của xã hội. Về quản lý nhà nước, Bộ GD&DT cần có quy chế quản lý nhà nước giữa Bộ với các địa phương để quản lý các trường ĐH, làm rõ trách nhiệm giữa các cơ quan. Đồng thời, tiếp tục mô hình đào tạo chất lượng cao, các khoa chất lượng cao và nhân rộng mô hình này. Chính phủ sẽ có cam kết đầu tư vào một số trường ĐH, ĐH vùng…
Hiếu Nguyễn
TIN LIÊN QUAN |
---|