Australia: Sinh viên tốt nghiệp đại học có việc làm tăng cao

GD&TĐ - Theo dữ liệu mới được Chính phủ Australia công bố, có tới hơn 9/10 sinh viên nước này đang làm việc toàn thời gian chỉ sau 3 năm tốt nghiệp đại học. Bên cạnh đó, chính phủ cũng lên kế hoạch đưa ra mức hỗ trợ cao hơn cho các trường đại học.

Bộ trưởng GD Australia Tehan
Bộ trưởng GD Australia Tehan

Tỉ lệ thất nghiệp thấp

Cũng theo thống kê, mức lương của các SV vừa tốt nghiệp tại Australia cũng có sự tăng trưởng đáng kể, với con số khởi điểm trung bình là 58.700 AUD (39.500 USD) và tăng lên 72.800 AUD (49.000 USD) chỉ sau 3 năm làm việc. Dữ liệu cũng cho thấy, tỷ lệ SV thất nghiệp sau ĐH tại quốc gia này là 3,3%, thấp hơn mức trung bình là 5,3%.

Những con số này được công bố chỉ gần một tuần sau khi Bộ trưởng Giáo dục Australia Dan Tehan tuyên bố rằng, số lượng việc làm của SV sau ĐH sẽ là yếu tố quan trọng nhất của mô hình tài trợ dựa trên hiệu suất cho các trường. Bộ trưởng GD khẳng định, số liệu có được từ “Báo cáo khảo sát kết quả tốt nghiệp năm 2019” đã chứng minh được nỗ lực của chính phủ trong việc tập trung vào tạo công ăn việc làm cho người học.

“Có hơn 250.000 việc làm đã được tạo ra vào năm ngoái và dữ liệu này cho thấy, SV sau khi tốt nghiệp ĐH là những người được hưởng lợi chính. Các tổ chức GDĐH là nhân tố then chốt trong việc tạo ra, tăng trưởng việc làm cũng như cải thiện năng suất tại quốc gia này”, ông Tehan nhấn mạnh.

Giám đốc điều hành các trường ĐH Australia, bà Catriona Jackson chia sẻ, sự phục hồi của thị trường lao động kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là khi các SV tốt nghiệp có việc làm ổn định là một điều vô cùng tuyệt vời. “Để tiếp tục củng cố nền kinh tế Australia cũng như tạo việc làm và phát triển các ngành công nghiệp mới, các trường ĐH chính là động lực tăng trưởng của chúng ta.

Số lượng SV tốt nghiệp có tay nghề cao và những đột phá nghiên cứu trong các trường ĐH là tài sản kinh tế quan trọng của quốc gia - gieo mầm tạo ra công việc, nâng cao năng suất lao động và giữ chân những tài năng ở lại Australia thay vì ra nước ngoài làm việc”, bà Jackson khẳng định.

Dữ liệu cho thấy hơn 90% SV tốt nghiệp trong năm 2016 hiện có việc làm toàn thời gian vào năm 2019. Con số này thậm chí còn cao hơn đối với những người có bằng cấp sau ĐH, với 86% người làm việc toàn thời gian chỉ 4 tháng sau khi tốt nghiệp và 93% người trong vòng 3 năm. Cũng theo bà Jackson, đối với mọi cấp độ GD đạt được sau trung học, thu nhập của người dân trung bình sẽ tăng, đồng nghĩa với cơ hội thất nghiệp của họ giảm. “Nếu bạn có bằng ĐH, khả năng thất nghiệp của bạn sẽ thấp hơn 2,5 lần so với khi bạn không có học vấn gì ngoài bằng tốt nghiệp THPT”, nữ giám đốc điều hành nhấn mạnh.

Cuộc khảo sát được thực hiện trên hơn 40.000 SV vừa tốt nghiệp cũng cho thấy, hơn 3/4 số người này đang làm quản lý hoặc chuyên gia. Theo đó, các SV tốt nghiệp từ ngành nha khoa là những người có cơ hội nhận được việc làm cao nhất, với 99% SV tốt nghiệp sau 3 năm có công việc toàn thời gian, tiếp theo là ngành y (98%), phục hồi chức năng (98%), thú y (96%), kỹ thuật (95%) và luật (95%).

Mặt khác, những SV tốt nghiệp từ các ngành tổng quát như khoa học và nhân văn thường mất nhiều thời gian hơn để tìm được công việc toàn thời gian. Tuy nhiên, những người này vẫn được tuyển dụng với tỷ lệ tương tự trong vòng 3 năm.

Mô hình tài trợ dựa trên hiệu suất

Bộ trưởng GD Australia Tehan cho biết, việc đưa kết quả việc làm sau ĐH làm yếu tố cốt lõi của mô hình tài trợ dựa trên hiệu suất cho các trường ĐH có nghĩa là, các tổ chức GDĐH sẽ được khuyến khích để tiếp tục tạo ra những sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp. Chính phủ sẽ cung cấp thêm kinh phí cho các trường ĐH thông qua Chương trình tài trợ chung (CGS) phù hợp và hoạt động theo mô hình tài trợ dựa trên hiệu suất.

Hiệu suất sẽ được đánh giá qua 4 biện pháp: Kết quả việc làm sau ĐH, tỷ lệ thành công và duy trì của SV, sự hài lòng của SV đối với kinh nghiệm có được từ trường ĐH và sự tham gia của người bản địa, địa vị kinh tế xã hội thấp, SV trong khu vực cũng như từ nơi khác. Kết quả việc làm sau ĐH sẽ chiếm 40% kinh phí, còn 3 biện pháp khác sẽ nhận được 20% mức hỗ trợ/biện pháp.

Bắt đầu từ năm 2020, tài trợ dựa trên hiệu suất sẽ đóng góp hơn 80 triệu AUD cho tài trợ CGS và tăng dần trong những năm sau lên 7,5% đối với SV được cấp bằng cử nhân các ngành không thuộc y tế trong nước tại các trường ĐH công lập.

Ông Tehan cho biết, chính phủ nước này sẽ cung cấp tài trợ trị giá hơn 7 tỷ AUD cho các tổ chức GDĐH trong năm nay. “Khoản hỗ trợ này bao gồm quyền được nhận khoảng 7 tỷ AUD/năm thông qua Chương trình tài trợ chung, được dựa trên khả năng thu hút và giữ chân SV của trường”, Bộ trưởng GD nói.

Ông Tehan cũng khẳng định, các trường ĐH sẽ được hỗ trợ khoảng 3,1 tỷ AUD mỗi năm vào năm 2030 nếu nâng cao năng suất trong việc cải thiện kết quả việc làm sau ĐH. “Quan trọng là, mô hình của chúng tôi không hề gây khó khăn. Khi một trường ĐH không đáp ứng mục tiêu hiệu suất, họ sẽ được hỗ trợ để cải thiện thay vì phải chịu biện pháp xử lý”, ông Tehan nhấn mạnh.

Chia sẻ với truyền thông, bà Jackson bày tỏ sự biết ơn Bộ trưởng Tehan vì kế hoạch này tìm cách hỗ trợ tất cả các trường ĐH thực hiện hiệu quả. “Chúng tôi biết rằng, điều kiện kinh tế là yếu tố quan trọng nhất quyết định tỉ lệ việc làm trên thị thường và triển vọng việc làm cho SV vừa tốt nghiệp.

Chúng tôi đánh giá cao sự thấu hiểu của chính phủ về mối quan hệ đó và nhu cầu về một nền kinh tế mạnh mẽ là yếu tố tất yếu nhất quyết định việc liệu SV mới ra trường của đất nước có thể tìm được việc làm hay không”, bà Jackson nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ