Giáo dục Bắc Giang đảm bảo chất lượng nhà vệ sinh trường học

GD&TĐ - Nhà vệ sinh sạch tại trường học đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe cho cả thầy và trò.

Học sinh rửa tay bằng xà phòng sau vệ sinh
Học sinh rửa tay bằng xà phòng sau vệ sinh

Môi trường cảnh quan sư phạm

Những năm qua, thành phố Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) luôn chú trọng đến hệ thống nhà vệ sinh trong các trường học. Với sự quan tâm đầu tư của thành phố, ngành giáo dục từng bước cải thiện chất lượng nhà vệ sinh.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đỗ Văn Quý - Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Bắc Giang cho biết, thời gian qua Phòng luôn quan tâm chỉ đạo các trường thường xuyên quan tâm xây dựng, tu bổ nhà vệ sinh cho học sinh, đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, tạo cảnh quan sự phạm.

Phòng GD&ĐT thường xuyên kiểm tra rà soát cơ sở vật chất, tham mưu với UBND thành phố xây dựng bổ sung, sửa chữa hệ thống các nhà vệ sinh. Đến nay, cơ bản hệ thống nhà vệ sinh trong các nhà trường đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (thành phố Bắc Giang) là địa bàn xa trung tâm, nhưng với sự quan tâm đầu tư, hệ thống nhà vệ sinh của nhà trường được đầu tư tương đối khang trang sạch đẹp.

Hiện nhà vệ sinh được bố trí khu tách biệt nam, nữ, lắp đặt hệ thống nước sạch, có vách ngăn, giấy vệ sinh được bổ sung thường xuyên. Nhà trường bố trí nhân viên dọn dẹp vệ sinh thường xuyên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

Em Đào Phương Linh - Học sinh lớp 9A (trường THCS Nguyễn Khắc Nhu) cho biết, khi đến trường, chúng em thường xuyên sử dụng nhà vệ sinh, không gian sạch đẹp, gọn gàng nên rất yên tâm khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng.

Nhà vệ sinh trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (Thành phố Bắc Giang).
Nhà vệ sinh trường THCS Nguyễn Khắc Nhu (Thành phố Bắc Giang).

Đối với khối trường mầm non trên địa bàn thành phố Bắc Giang, hệ thống nhà vệ sinh được xây khép kín với phòng học, đảm bảo chất lượng, vệ sinh và an toàn.

Cô Nguyễn Thị Ninh - giáo viên Trường mầm non Song Khê cho biết, do nhà vệ sinh khép kín nên mỗi giáo viên trong lớp luôn luôn nhắc nhở học sinh biết giữ vệ sinh chung khi đi vệ sinh, thường xuyên dọn dẹp, giữ gìn ngăn nắp nhà vệ sinh đảm bảo sạch sẽ thơm tho không để ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập của các con.

Cô Đào Thị Hằng - Hiệu trường trường Mầm non Song Khê (thành phố Bắc Giang) cho biết, đầu giờ học, sau giờ ra chơi và cuối mỗi buổi học, nhà trường đều có cán bộ kiểm tra nhắc nhở người phụ trách nếu nhà vệ sinh không sạch sẽ.

Nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền để học sinh nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh chung.

Nhà vệ sinh cần coi là công trình chính

Trao đổi với Báo GD&TĐ, cô giáo Nguyễn Thị Hà - Đại biểu Quốc hội khóa XV (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh, nhà vệ sinh phải được xem là công trình chính trong trường học.

Thực tế cho thấy, điều kiện các nhà vệ sinh trong trường học chưa đáp ứng yêu cầu, kể cả ở thành thị. Đây là vấn đề cần được nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức nhằm khắc phục khó khăn, vướng mắc và bất cập hiện nay.

Nhà vệ sinh trường Mầm Non Song Khê thành phố Bắc Giang.

Nhà vệ sinh trường Mầm Non Song Khê thành phố Bắc Giang.

Theo cô Nguyễn Thị Hà, "lâu nay, chúng ta vẫn coi trường, lớp, phòng thư viện, nhà thể chất, sân thể dục thể thao… là công trình chính trong các cơ sở giáo dục. Còn nhà vệ sinh, nhà bếp là công trình phụ. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi tư duy, nhận thức về vấn đề này.

Theo đó, nhà vệ sinh và nhà bếp phải là công trình chính trong trường học. Khi tư duy, nhận thức thay đổi sẽ dẫn đến hành động và việc làm thay đổi. Từ đó sẽ có kết quả thay đổi và mang lại những giá trị thiết thực

Công tác trong ngành Giáo dục và trực tiếp giảng dạy, tôi nhận thấy: Học sinh có yêu trường, lớp hay không, một phần bởi các công trình vệ sinh có sạch sẽ, thân thiện. Đây là việc rất đáng quan tâm và cần suy tính. Qua đó, cần có giải pháp căn cơ trong triển khai; trước mắt có kế hoạch cải tạo, sửa chữa, xây mới nhà vệ sinh cũ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh.

Trong quy hoạch trường học, cần dành phần đất để xây dựng nhà vệ sinh theo hướng sạch đẹp, hiện đại".

"Cần coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang sức khỏe thể chất. Do đó, một trong những việc cụ thể cần giải quyết sớm là cải thiện điều kiện vật chất, cơ sở trường học. Đồng thời tăng cường xây dựng, quy hoạch các điểm trường đảm bảo hợp lý, khoa học. Mặt khác, tiếp tục cải thiện hệ thống nhà vệ sinh trường học để phục vụ nhu cầu chính đáng của thầy trò; tạo môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn, hạn chế dịch bệnh…", Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ