Giao ban 3 Ban Chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ

GD&TĐ - Sáng nay (22/7), tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ diễn ra Hội nghị Giao ban 3 Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Trần Đại Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh -Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành và các địa phương thuộc Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.

Giữ vững sự phát triển ổn định

Theo báo cáo của đồng chí Nguyễn Phong Quang - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đại diện cho lãnh đạo 3 Ban Chỉ đạo, trình bày tại hội nghị cho thấy:

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, các Ban Chỉ đạo đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phối hợp nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã tham mưu, đề xuất triển khai Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc năm 2015; tham mưu đề xuất các giải pháp ổn định đời sống sản xuất cho đồng bào tái định cư các dự án thủy điện trong vùng; đề xuất với Chính phủ bổ sung, sửa đổi chính sách về dân tộc cho phù hợp với thực tế; triển khai nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm nghèo bền vững đối với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. 

Phối hợp với các địa phương, bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện Quyết định số 1064/QĐ-TTg ngày 8/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Chương trình liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh phía Bắc, Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”; mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu mía đường (khoảng 80 ngàn ha), vùng chè (khoảng 75,4 ngàn ha), vùng nguyên liệu giấy, vùng dược liệu… phối hợp với các bộ ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào vùng Tây Bắc năm 2015 tại Sơn La (thu hút được 26.540 tỉ đồng).

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tiếp tục đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ các tỉnh vùng Tây Nguyên phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế, gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Đề nghị ban hành cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh hỗ trợ tín dụng tái canh tác cà phê và triển khai chủ trương thành lập Quỹ phát triển Cà phê Việt Nam.

Triển khai nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù huy động nguồn lực phục vụ kết nối hạ tầng giao thông trên địa bàn Tây Nguyên và phụ cận. Xúc tiến thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch và liên kết phát triển các sản phẩm du lịch vùng Tây Nguyên. 

Tiến hành đánh giá kết quả thu hút đầu tư từ sau Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 2 năm 2013 đến nay. Phối hợp tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội Tây Nguyên lần thứ 3 năm 2015 và Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên (Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư lần thứ 2 năm 2013 đến nay, toàn vùng đã thu hút được 262 dự án với vốn đăng ký 50 nghìn tỉ đồng...

Về an sinh xã hội, đã huy động 165 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên trên các lĩnh vực: giáo dục, y tế, khắc phục hậu quả thiên tai và xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Tham mưu đồng chí Trưởng ban quyết định thành lập Tổ nghiên cứu Liên kết vùng; phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai công tác nghiên cứu và tiếp tục đề xuất chủ trương về hoạt động liên kết vùng và xây dựng mô hình thử nghiệm chính sách, cơ chế liên kết đối với một số lĩnh vực, ngành hàng…

Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tham mưu, đề xuất cơ chế chính sách liên kết vùng; cơ chế chính sách đặc thù phát triển đảo phú Phú Quốc; giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách khu vực Tây Nam Bộ; cơ chế đặc thù đào tạo nguồn nhân lực vùng Tây Nam Bộ; đề xuất giải pháp ổn định đời sống đối với người dân di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn trong vùng…

Tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL năm 2014 với chủ đề “Tái cơ cấu nông nghiệp - Xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” tại tỉnh Sóc Trăng và Chương trình an sinh xã hội “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”, qua đó đã vận động ngành ngân hàng, các doanh nghiệp hỗ trợ hơn 771 tỉ đồng cho an sinh xã hội.

Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, UBND TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng đã tổ chức thành công các hội nghị, hội thảo, sự kiện trong “Tuần lễ du lịch xanh đồng bằng sông Cửu Long năm 2015” tại TP Cần Thơ; tổ chức Tọa đàm về việc thành lập các mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã kiểu mới vùng ĐBSCL; triển khai thực hiện Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2014 - 2019 “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ”; tham mưu đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và nâng cao năng lực nông dân giai đoạn 2016 - 2020…

Quan tâm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, 3 Ban Chỉ đạo tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình tại các địa phương, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh trên các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội để kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ.

Bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện lễ hội diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. 

Đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội các địa phương biên giới; đồng thời, có chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhân dân vùng biên giới.

Về đề xuất, kiến nghị, Thường trực 3 Ban Chỉ đạo đề nghị Trung ương quy định cụ thể về vai trò, nhiệm vụ của các Ban Chỉ đạo trong lãnh đạo, điều phối liên kết vùng về triển khai thực hiện các dự án trọng điểm về kinh tế, xã hội trên địa bàn; công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; công tác an sinh xã hội... đồng ý cho Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế cấp vùng định kỳ; xem xét cho Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã thành lập xong).

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng biên giới (như đường giao thông; cụm, tuyến dân cư; các xã nông thôn mới trên tuyến biên giới; đầu tư nâng cấp, phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, đảm bảo cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, thu hút di dân đến khu vực biên giới nhằm tạo hành lang biên giới phục vụ bảo vệ an ninh quốc gia.

Có cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển tại các khu kinh tế cửa khẩu nhằm phát triển nhanh kinh tế vùng biên... 

Đặc biệt, các địa phương giáp biên giới tập trung giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, nhất là thực hiện các chính sách đối với gia đình chính sách; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; công tác xóa đói giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân vùng biên, tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới…

Vùng Tây Bắc với đặc điểm là vùng núi cao, biên giới, địa hình hiểm trở, là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội của cả nước. Địa bàn hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc có 9 tỉnh biên giới từ Lạng Sơn dọc theo biên giới đến Nghệ An với 51 huyện, 239 xã, 2.445 thôn, bản biên giới; trên 2.571km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và Trung Quốc, có 8 cửa khẩu quốc tế, 11 cửa khẩu quốc gia và 43 cửa khẩu phụ, đường tiểu ngạch và điểm chợ biên giới.

Vùng Tây Nguyên có tuyến biên giới dài 580,8 km tiếp giáp với Lào và Campuchia, có 280 thôn buôn, 31 xã thuộc 12 huyện của 4 tỉnh, với tổng số dân 171.000 người; có 5 cửa khẩu chính sang hai nước bạn.

Vùng Tây Nam Bộ có đường biên giới đất liền giáp Campuchia dài 340 km qua 4 tỉnh, 16 huyện, thị và 53 xã, phường. Trên tuyến biên giới có 6 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu ngạch. 

Đặc biệt, vùng biển rộng khoảng 228.000 km2, đường bờ biển dài khoảng 740 km, 7 tỉnh, 29 huyện và 122 xã, phường, thị trấn ven biển, đảo, 2 huyện đảo, 5 quần đảo, 147 đảo lớn nhỏ (trong đó 43 đảo có dân sinh sống).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ