Giảng viên trẻ tìm việc cho người ăn xin

GD&TĐ - Một giảng viên trẻ ở Ấn Độ đã thành lập tổ chức thiện nguyện, quy tụ hơn 400 tình nguyện viên giúp người ăn xin xây dựng cuộc sống, tạo cơ hội làm ăn và đoàn tụ gia đình.

P Naveen Kumar và một người ăn xin trên đường phố.
P Naveen Kumar và một người ăn xin trên đường phố.

Việc làm của anh đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng cấp nhà nước

Trăn trở của chàng trai trẻ

Hầu hết trong chúng ta đều từng gặp những người ăn xin ở nơi công cộng. Cùng với việc bám theo xin tiền, họ còn kể lể những câu chuyện thương tâm về bệnh tật, bị cướp giật hoặc bị các thành viên trong gia đình bỏ rơi. Những người yếu lòng thường móc ra một số tiền lẻ, mua cho họ một ít đồ ăn nhanh với sự cảm thông. Tuy nhiên, đa số các câu chuyện của họ đều được phóng đại. 

P Naveen Kumar ở bang Tamil Nadu, có trải nghiệm tương tự cách đây 6 năm. Nhưng thay vì cho một vài rupee (tiền Ấn Độ) và xua đuổi họ, anh đã giúp phục hồi cho hơn 5.000 người ăn xin và tìm việc làm cho gần 600 người trong số đó. “Đó là vào năm 2014, tôi đến thăm một ngôi đền ở Erode. Một phụ nữ lớn tuổi đến xin tôi một số tiền và than vãn bị người thân bỏ rơi, đang cần tiền để trở về nhà”, Naveen kể. Lúc đó anh đang theo học năm thứ ba đại học, ngành Kỹ thuật - Cơ khí. Naveen cho bà ta 15 Rs (khoảng 4.600 đồng), đây là món tiền dành cho bữa tối của anh. Tối đó, anh uống nước thay cơm, trằn trọc không ngủ được, cứ nghĩ về hoàn cảnh của người phụ nữ nọ. 

Vài ngày sau, anh lại gặp một người đàn ông, tự giới thiệu là Rajsekar, xin một số tiền để trở về quê. Naveen lại móc túi đưa tiền cho ông ta và ngủ với cái bụng rỗng. Xuất thân từ một gia đình nghèo, Naveen cảm thấy trăn trở với cảnh ngộ của những người khó khăn phải đi xin ăn trên đường phố và nghĩ cách để giúp đỡ họ. Tuy nhiên, vài ngày sau, anh bị sốc, khi thấy Rajsekar ở chỗ cũ và xin tiền người khác cũng với giọng điệu cũ.

“Tôi tiến đến, đề nghị anh ta trả lời thật về hoàn cảnh của mình và vì sao không kiếm đồng tiền bằng lòng tự trọng mà phải đi ăn xin trên đường”, Naveen nói. Dĩ nhiên là người ăn xin này từ chối câu trả lời và  bỏ đi. 

Trong 22 ngày, chàng sinh viên kỹ thuật đi theo Rajsekar mỗi tối, quyết tâm tìm kiếm câu trả lời, nhưng anh luôn bị xua đuổi và lăng mạ. Cho đến một buổi tối nọ, anh cũng moi được thông tin từ người này.
Rajsekar cho biết bị nghiện rượu và thất vọng với cuộc sống của mình nên quyết định đi theo con đường này. Điều đáng ngạc nhiên đối với chàng trai trẻ là người ăn xin này xuất thân từ một gia đình
khá giả.

Đến tổ chức thiện nguyện

Các tình nguyện viên của tổ chức Atchayam Trust đang chăm sóc một người ăn xin.
Các tình nguyện viên của tổ chức Atchayam Trust đang chăm sóc một người ăn xin.

Những phát hiện này đã khiến Naveen suy nghĩ nhiều đêm và anh quyết định giúp đỡ những người ăn xin bằng cách tạo cho họ một công việc làm, hoặc giúp họ trở lại cuộc sống bình thường theo một cách nào đó. Tuy nhiên, khi đưa vấn đề này ra với bạn bè và GV của mình ở trường đại học, anh bị dội gáo nước lạnh. Họ khuyên anh nên tập trung vào việc học và lo tạo dựng sự nghiệp, thay vì ôm đồm những chuyện này. “Chính phủ đã không thể giải quyết được vấn đề người ăn xin, một mình bạn sẽ làm thế nào?”, một số người thẳng thừng nói.

Lực bất tòng tâm, Naveen phải làm theo lời khuyên, tích cực học tập và năm sau đó, 2014, anh được nhận phần thưởng sinh viên xuất sắc nhất. Tuy nhiên, hoàn cảnh của Rajsekar vẫn chưa ra khỏi tâm trí anh. Naveen đi xin cho anh ta công việc gác cổng trong một khu dân cư và người ăn xin này đã chấp nhận thay đổi cuộc đời.

Việc làm của Naveen mang lại hiệu quả tích cực. Năm 2018 và năm 2019 anh đã được Chính phủ Ấn Độ trao tặng Giải thưởng Thanh niên.

Sau thành công đó, Naveen quyết định thành lập tổ chức Atchayam Trust nhằm góp phần giúp Ấn Độ không có người ăn xin. Trong thời gian này, anh đang học Cao học về Kỹ thuật Nhiệt. Gay go nhất đối với tổ chức là nguồn quỹ. “Tôi không thể xin tiền ở nhà nên tìm kiếm sự đóng góp từ bạn bè và SV. Tuy nhiên, họ không khuyến khích tôi, mà còn nói rằng tôi cũng đang đi xin tiền không khác những người ăn xin”, Naveen nói.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi sau khi Naveen tốt nghiệp và được nhận làm giảng viên ở trường đại học nơi anh từng học. Kể từ năm 2016, bằng tiền lương của mình, cùng những khoản đóng góp nhỏ của bạn bè và một đội tình nguyện gồm 400 người, Naveen đã giúp 572 người ăn xin có công ăn việc làm và “phục hồi” cho hơn 5.000 người. (Phục hồi liên quan đến việc giúp những người ăn xin tuân theo các thói quen vệ sinh sạch sẽ, cung cấp thức ăn và quần áo cho họ và điều trị cho những người nghiện thông qua các bác sĩ). 

Các tình nguyện viên tiếp cận những người ăn xin tại các bến xe buýt, nhà ga, đền thờ và những nơi công cộng khác, tìm cách ghi lại lai lịch và các chi tiết cá nhân của họ.

Đôi khi các cơ quan cảnh sát gọi điện và báo tin cho Naveen về những người ăn xin cần giúp đỡ. Những người dân cũng thường gọi điện và báo cho các tình nguyện viên nơi có người ăn xin. Trung bình mỗi ngày, tổ chức của anh nhận được 10 cuộc gọi như vậy.

“Tôi đã chia họ ra làm 19 thành phần, phụ thuộc vào trường hợp bị bỏ rơi, hay nghèo khổ, người sử dụng ma túy, người tật nguyền, trẻ mồ côi… Những người có thể thực hiện một số kỹ năng sẽ được giới thiệu vào làm ở các quán ăn đường phố, các tiệm cắt may, làm bảo vệ, thợ sơn hoặc phục vụ tại các nhà hàng. Những người khác thì được tư vấn, gửi đến viện dưỡng lão hoặc đoàn tụ với gia đình”, Naveen nói.

Việc tư vấn do các tình nguyện phụ trách, phần đông là SV tâm lý và y khoa. Họ chủ yếu thuyết phục những người ăn xin trở về với gia đình, kiếm việc làm và tự nuôi sống bản thân. Tổ chức Atchayam Trust gần đây đã thành lập một trung tâm phục hồi, làm nơi ở tạm thời cho 25 người, giúp họ kiểm tra sức khỏe, tập Yoga, thiền và điều trị bệnh cho đến khi họ được tạo điều tìm công ăn việc làm hoặc được đưa vào viện dưỡng lão.

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ