Giăng đủ loại bẫy lừa bán hàng trên mạng

GD&TĐ - Mua bán hàng trên các trang mạng hay còn gọi là kinh doanh theo hình thức thương mại điện tử ngày càng nở rộ, nhưng đồng nghĩa với đó, là rất nhiều hàng nhái, hàng kém chất lượng được chào bán vô tội vạ, khiến không ít người tiêu dùng... mất tiền oan.

Giăng đủ loại bẫy lừa bán hàng trên mạng

Chỉ vì ham rẻ...

Hiện nay, rất nhiều trang web rao bán đủ các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… nhưng thực chất là hàng rởm, hàng Trung Quốc giá rẻ, hoặc hàng không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chị Đặng Thu Thủy (Giảng Võ – Ba Đình – Hà Nội), một người thường xuyên mua hàng qua mạng, cho biết: “Tôi từng là nạn nhân của việc mua hàng qua mạng.

Do không cưỡng lại được hình ảnh bắt mắt và giá cả vô cùng hấp dẫn của chiếc máy massage đánh tan mỡ bụng mang nhãn hiệu Maxcare được nhập khẩu từ Nhật Bản được rao trên một trang bán hàng qua Facebook, tôi đã đặt mua với giá là 1.900.000 đồng. Tuy nhiên, nghi ngờ chất lượng khi nhận hàng, tôi nhờ người bạn khảo giá tại một cửa hàng quen, thì sản phẩm này có giá chỉ 1.150.000 đồng...”.

Đánh vào tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng, nhiều sản phẩm công nghệ cũng là mặt hàng lừa đảo qua mạng. Anh Nguyễn Anh Tuấn (Hai Bà Trưng - Hà Nội) cho biết: “Tôi đã đặt mua chiếc đồng hồ Rolex được rao chính hiệu với giá chỉ 1.300.000 đồng.

Nghi ngờ chất lượng, giá cả của chiếc đồng hồ nên tôi đã đến cửa hàng đồng hồ người quen để kiểm tra và khảo giá thì được biết đó là hàng nhái của Trung Quốc và ngoài thị trường chỉ bán với giá 130.000 đồng”.

Không ít người rành mua hàng qua mạng cho biết, hiện có rất nhiều website rao bán chỉ là hàng OEM (gia công lại) nhưng được quảng cáo “chính hãng” với giá rất hấp dẫn.

Ngoài ra, các website, trang mạng bán hàng đều rất chăm chút hình ảnh rất kỹ càng hoặc đưa hình ảnh những người nổi tiếng để tăng độ tin cậy, thu hút người mua hàng. Chính vì vậy, người mua cần tỉnh táo và chỉ nên mua ở những trang bán hàng quen thuộc, đáng tin cậy.

Theo đại diện của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA), chỉ trong vòng vài năm tới, thị trường thương mại điện tử sẽ bùng nổ mạnh mẽ, hạ tầng Internet, công nghệ thông tin truyền thông cho thương mại điện tử phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công.

Cần siết chặt quản lý

Trong những năm tới, tình hình vi phạm thương mại điện tử sẽ diễn biến hết sức phức tạp, xu hướng ngày càng tinh vi hơn về cả quy mô và mức độ.

Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đẩy mạnh công cụ thực thi pháp luật và phối hợp với các đơn vị liên quan như: Quản lý thị trường, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) – Bộ Công an… đẩy mạnh xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi, lừa đảo đặc biệt đối với các nhóm hàng hóa cấm...;

Đồng thời tăng cường cảnh báo tới người tiêu dùng nhằm minh bạch thông tin trong hoạt động mua sắm trực tuyến, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hiện Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin và C50 đã thống nhất xây dựng bộ Quy chế phối hợp trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Cũng theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, tại Khoản 4, Điều 4, Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử, quy định khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh có căn cứ xác thực về những thông tin bán hàng lậu, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ thì các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử sẽ bị tạm ngưng các hoạt động giao dịch để rà soát, xác minh nguồn gốc và chất lượng hàng hóa. Nếu hàng hóa là giả, không bảo đảm chất lượng, trang mạng, website bán hàng đó sẽ bị đình chỉ vô thời hạn.

Theo các chuyên gia, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan quản lý nên rà soát lại thật kỹ các trang bán hàng, xử lý ngay những website bán hàng giả, hàng rởm.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cần thiết lập hệ thống cảnh báo, tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng về những website bán hàng giả, hàng kém chất lượng; quy định các website phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như bảo đảm các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm trước khi được vận chuyển đến người mua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Mầm non Khong Hin (huyện Tuần Giáo, Điện Biên). Ảnh: NTCC

Ngăn chặn từ gốc bạo hành trẻ mầm non

GD&TĐ - Từ các vụ bạo hành trẻ mầm non ở một số cơ sở, nhóm lớp ngoài công lập gần đây, giải pháp ngăn chặn tình trạng bạo hành được ngành Giáo dục tăng cường.