Tham dự Hội thảo có TS Nguyễn Văn Cường - Phó Chánh tòa Hành chính Tòa án nhân dân tối cao cùng đại diện các khoa, phòng ban của trường ĐH Luật TPHCM, Học viện Tư pháp, các trường ĐH.
Hơn 20 bài tham luận của các học giả, luật sư danh tiếng đã được trình bày tại Hội thảo xoay quanh chủ đề: Sử dụng bản án trong đào tạo luật và nghiên cứu khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.NGƯT Mai Hồng Quỳ - Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM - cho biết: Mục đích của Hội thảo và sản phẩm của Hội thảo mà chúng tôi muốn hướng đến chính là thông qua những ý kiến đóng góp, kinh nghiệm chia sẻ để làm sao có được hướng dẫn mang tính chất khoa học. Trên nền tảng đó, bằng các tiêu chí, phương thức, cách thức thật sự hợp lý, logic khi áp dụng vào trong giảng dạy, chúng ta xây dựng được một bộ giáo trình chuẩn mực về việc sử dụng bản án vào đào tạo luật cho sinh viên.
Phân tích lợi ích của việc sử dụng bản án trong giảng dạy, ông Trương Nhật Quang - Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH YHVN - nhận định: Việc dạy án lệ đặc biệt giúp sinh viên hiểu được quá trình thẩm phán đi đến quyết định và ra bản án thông qua các phân tích pháp lý trình bày trong bản án.
Bên cạnh đó, việc sử dụng bản án vào thực tế giảng dạy mang đến cho sinh viên cách giải thích luật và nhìn nhận vấn đề khác nhau đối với một vấn đề pháp lý.
Đánh giá rất cao hiệu quả của việc sử dụng bản án vào trong giảng dạy và thảo luận, PGS.TS, Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Luật dân sự, trường ĐH Luật TPHCM - cho rằng: Việc sử dụng bản án, quyết định của Tòa án trong thảo luận là một cách thức khá hiệu quả để đáp ứng một số mục tiêu khi xây dựng chất lượng đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho sinh viên trường luật, cũng như chuẩn đầu ra về kỹ năng.
Thực tiễn cho thấy, khi áp dụng bản án vào giảng dạy, thảo luận không chỉ giúp sinh viên có cơ hội nghiền ngẫm, nhìn thấy cách thức xử lý những thiếu sót của tòa hay các góc nhìn mới, sự đối chiếu thực tiễn với bản án…để từ đó có hướng giải quyết cho vấn đề cho riêng mình.
Cũng nhìn nhận hiệu quả việc sử dụng bản án trong giảng dạy với sinh viên trường Luật ở góc độ nghiên cứu khoa học. Ông Nguyễn Công Phú - Tòa án Kinh tế TAND TPHCM - phát biểu: Để sử dụng hiệu quả bản án trong công tác đào tạo và nghiên cứu hoa học luật, nhất thiết phải làm tốt 3 nhiệm vụ sau: Tăng cường việc sử dụng bản án của Tòa để minh họa cho các nội dung lý thuyết trong các giờ giảng cho sinh viên.
Thứ hai, ngoài các giờ giảng lý thuyết. Nhà trường nên mời các Thẩm phán hoặc chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành Tòa án đến báo cáo cho sinh viên nghe các chuyên đề thực tiễn về hoạt động xét xử của Tòa án có liên quan đến môn học. Trong đó có giới thiệu các bản án, Phân tích các tình huống pháp lý trong vụ án và giải thích việc áp dụng pháp luật của Tòa án, kể cả những khó khăn, hạn chế của Tòa khi tiến hành xét xử - những điều mà nội dung bản án không thể hiện hết nhằm giúp sinh viên năm kỹ hơn vấn đề.
Cuối cùng là nhiệm vụ tổ chức các cuộc thi, hội thảo dành cho sinh viên trong từng lớp khi kết thúc môn học. Tùy theo từng chuyên đề, tính thực tiễn xét xử các vụ án liên quan đến môn học, chúng ta xây dựng phiên tòa giả định, mời Thẩm phán có kinh nghiệm trong lĩnh vực xét xử cùng tham dự với sinh viên.
" Thực hiện được các giải pháp đó, việc sử dụng bản án trong đào tạo và ngiên cứu khoa học sẽ thật sự hiệu quả" - ông Phú đề xuất.