(GD&TĐ) - Để bám trụ được với nghề, các thầy cô giáo tại các điểm trường lẻ cắm bản đã phải trang bị cho mình vốn liếng tiếng các dân tộc thiểu số để có thể tự giao tiếp. Đây chính là cây cầu ngôn ngữ nối thầy cô dưới xuôi lên với học trò vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người. Vì nhờ nói thông thạo tiếng dân tộc giúp GV không những tiếp cận tốt với dân bản trong việc vận động HS đi học mà còn nâng cao chất lượng từng giờ lên lớp.
Quyết tâm học thêm tiếng dân tộc
“Nà Khoa là nơi sinh sống của 100% bà con người Mông. Nếu không biết tiếng chắc chắn các cô giáo dưới xuôi lên sẽ rất khó trong việc vận động HS đi học cũng như công tác giảng dạy trên lớp”. Với kinh nghiệm gần 15 năm từ dưới xuôi lên gắn bó với đất Mường Nhé, Điện Biên, huyện nghèo nhất nước, cô Nguyễn Thị Thúy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nà Khoa số 2 tâm sự.
Giờ học của HS Trường Nậm Kè - Điện Biên. Ảnh: K.K |
Việc đưa trẻ em dân tộc thiểu số đến trường 100% luôn là bài toán khó với nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi cao hẻo lánh đi lại khó khăn.
Thời gian đầu mới lên, nhìn trường lớp tuềnh toàng, đơn sơ, mái lá tranh tre nhìn mà nao lòng. HS người Mông mùa đông cũng như mùa hè chỉ có độc một bộ mặc trên người, nhem nhuốc, da xanh xao vì đói ăn. Việc đến trường của con em không được phụ huynh mặn mà. Muốn vận động HS đi học chuyên cần, bản thân GV phải đến tận nhà dân cách xa trường 5-7 cây số đường rừng là chuyện thường. Thế nhưng, do không biết tiếng, có những hôm đi về không mà trong lòng ấm ức bởi không vận động được phụ huynh cho con đi học đều đặn.
“Không biết tiếng đồng bào Mông, cách duy nhất mà cũng là chìa khóa thành công của đội ngũ GV cắm bản đó chính là phải học bằng được tiếng” - cô Thúy tiết lộ. Bởi chỉ biết tiếng mới có thể tự tin giao tiếp, vận động bà con, chính quyền quan tâm đến chuyện học hành của con em mình. Lúc đầu bập bẹ, cô phải nhờ bác trưởng bản biết tiếng Kinh đi vận động cùng. Lâu dần, sau vốn tiếng Mông thạo dần nhờ học qua HS, học được từ các anh bộ đội Biên phòng cắm chốt gần trường, thầy cô giáo tự tìm đến vận động phụ huynh.
Thấy được hiệu quả dạy -học cho HS dân tộc thiểu số nhờ biết ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, GV cắm bản không ai bảo ai tự trang bị vốn liếng tiếng dân tộc cho mình. Có lẽ nhờ thế, trong những chuyến công tác ở các xã, bản, miền núi Tây Bắc nhiều thầy cô giáo Hiệu trưởng, kể cả GV không ngần ngại khoe: Chỗ chúng em GV nào cũng có khả năng giao tiếp bằng tiếng của HS dân tộc nơi mình giảng dạy. Thậm chí có thầy cô nổi tiếng là sử dụng ngôn ngữ thứ hai này như tiếng mẹ đẻ, ít ai phát hiện ra họ từ dưới xuôi lên đây dạy học nếu chỉ nghe qua tiếng nói.
Trường TH Bắc Hà 100% HS dân tộc Mông. Ảnh V.L |
Tại Bản Nậm Chua (Mường Nhé, Điện Biên) các thầy cô giáo ăn ở tại điểm trường lẻ này đã tâm sự: “Từ khi biết tiếng Mông, GV của trường có thể tự mình xuống các gia đình có HS bỏ học để vận động các em ra lớp. Việc này trước đây phải có người dân bản đi kèm”.
Chính tâm huyết, lòng nhiệt tình của thầy cô nên các gia đình ủng hộ, họ động viên con em ra lớp. Vì thế, theo báo cáo của UBND xã, số trẻ em trong độ tuổi bỏ học cứ thế mà giảm dần.
Gieo chữ cho đời
- Không những cần nghe và hiểu, các thầy cô còn phải lên lớp bằng chính ngôn ngữ của các em mới mong giúp học trò tiếp thu được bài giảng, không chán học và bỏ học. - Năm học 2012 - 2013 Vùng I có tổng số 9.416 trường với 3.207.533 HS, trong đó có 416 trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỷ lệ HS bỏ học chiếm 0,27%. |
Như con ong cần mẫn gieo chữ cho đời, việc dạy và học của GV và HS vùng cao thuận lợi hơn. Đặc biệt, vào cuối năm học, những lớp học tăng cường tiếng Việt cho HS vào lớp 1 đã giúp các em bước vào lớp 1 học tiếng Việt nhanh hơn, nắm chắc hơn, ít bị quên mà nhớ rất lâu.
Gần đây, Dự án Dạy song ngữ tiếng Việt - tiếng Mông được thực hiện ở một số điểm trường ở Lào Cai và một số nơi khác đã đem lại hiệu quả bất ngờ ngay với những người tâm huyết gắn bó với GD vùng cao. Theo ghi nhận của Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD&ĐT) Trần Thị Thắm, nguyên Phó GĐ Sở GD&ĐT Lào Cai: Việc sử dụng song ngữ cả tiếng Mông, tiếng Việt trong giờ học là công cụ đắc lực giúp cho giờ học đạt hiệu quả cao. HS thích thú khi làm quen và học tiếng Việt. Chỗ nào các em chưa hiểu, GV có thể sử dụng tiếng Mông để giải thích, như thế giúp các em học tập tốt hơn, nắm chắc bài giảng hơn.
Chống “tái mù” còn khó hơn “xóa mù”
Tại điểm trường Sàng Ma Sáo, ngôi trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, những năm trước đây, việc đưa trẻ em đến trường đúng độ tuổi đã khó nhưng giữ sĩ số lại càng khó. Bởi 100% các em HS dân tộc thiểu số. Ở trường các em học tiếng Việt nhưng về nhà lại sử dụng tiếng Mông. Bản thân các em dù học tiếng Việt nhưng về nhà không có ai giao tiếp cùng vì bố mẹ chỉ biết nói tiếng Mông nên rất dễ quên tiếng Việt, nhất là thời gian nghỉ hè kéo dài.
Ngày hội tiếng Việt của HS Lào Cai. Ảnh V.K |
Thậm chí có những em đọc thông viết thạo tiếng Việt nhưng nếu không đi học đều, bỏ học sẽ nhanh chóng quên. Bản thân các thầy cô giáo đa số là người dưới xuôi lên, vốn tiếng Mông ít ỏi hoặc không biết nên rất khó trong việc giảng dạy tiếng Việt cho HS. Việc phổ cập GD xóa mù chữ đã khó nhưng giúp HS không tái mù chữ lại càng khó hơn.
Làm thế nào để đưa 100% HS dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi, đọc thông viết thạo tiếng Việt, chống tái mù luôn là bài toán khó. Đặc biệt 15 tỉnh miền núi phía Bắc địa hình hiểm trở, việc học của HS không thuận lợi như trò dưới xuôi. Từ vùng xuôi lên, sống trong điều kiện thiếu thốn, kham khổ nhưng các thầy cô rất thương học trò của mình. Cô Ngân gần 30 năm gắn bó với GD Simacai chia sẻ: Nếu không có lòng yêu nghề thì không bám trụ được đất này.
Câu nói thật thấm thía. Hơn ai hết, đội ngũ giáo viên người Kinh cắm lớp, cắm bản dọc dài mảnh đất hình chữ S hiểu rõ sự cần thiết, quan trọng của việc nói thạo tiếng dân tộc của HS lớp mình, trường mình.
Giáo dục đã nở hoa trên những mảnh đất nghèo. Thành công đầu tiên đó chính là việc duy trì sĩ số dần nâng cao chất lượng GD. Lớp lớp thế hệ HS trưởng thành, trở thành những cán bộ cốt cán, nguồn nhân lực cho địa phương. Đằng sau sự thành công ấy là sự hy sinh vô bờ của đội ngũ cán bộ, GV, những con người bám trụ cần mẫn gieo chữ cho đời.
Hoàng Linh