Mỗi ngày các em học sinh ở An Lĩnh phải đi bộ gần chục km mới đến được trường |
Chuyện của trò
4 giờ sáng, sương núi còn giăng mắc khắp không gian, bên ngoài trời còn tối, cô bé Linh (13 tuổi) lục đục dậy, bấm đèn pin soi đường đến trường. Qua nhà Hương, Linh í ới gọi bạn đi học cùng. Bóng đôi bạn nhỏ ẩn hiện trong sương mờ sáng.
Đặt chân đến lớp, mồ hôi còn chưa kịp ráo trên hai tấm áo trắng, các em đã ngồi ngay ngắn vào bàn, lắng nghe từng con chữ thầy giáo giảng.
Các em đi học, trong cặp sách ngoài sách vở và đồ dùng học tập lúc nào cũng có thêm một chiếc đèn pin và ít gói mỳ tôm chống đói. Vì để đến với cái chữ, mỗi ngày các em phải đi bộ gần 30km qua những con đường gập gềnh, thưa thớt dân cư.
Sáng đi học từ khi trời con mù mịt. Tối về đến nhà là đã qua bữa cơm tối.
Một người dân sống ven đường kể rằng: “Ngày nào cũng đúng 6 giờ tối là cô gặp một đứa nhỏ khoảng lớp 6 đi bộ qua đây. Cô hỏi thì nó nói phải đi bộ 1 tiếng nữa mới về đến nhà. Trời tối thì tối, nó thì đi một mình, thấy thương lắm! Trẻ con vùng này kiếm được cái chữ là bao nhiêu khổ cực ”.
Có gia đình “khá giả” sắm được cho con mình chiếc xe đạp, nhưng do toàn đường núi, sỏi đá lởm chởm, dốc cao nên khó khăn hơn cả đi bộ.
Giữa trưa nắng, chúng tôi gặp từng tốp học sinh đang gò mình leo dốc. Vượt qua con dốc, các em ngồi bệt ngay vệ đường thở hổn hển, tay quệt mồ hôi đang chảy ướt đầm khuôn mặt.
Sỉ số lớp luôn ổn định là mong ước lớn nhất của các thầy cô giáo ở trường THCS Nguyễn Hoa |
Mùa nắng là thế, mùa mưa cái cực còn nhân đôi khi các em phải lội qua những con suối chảy xiết, nước từ thượng nguồn đổ về ào ạt, qua hết suối là áo quần, sách vở coi như ướt hết. Có mùa mưa lớn, nước ngập cao đầu, các em bị mắc kẹt lại phía bờ bên này, phải chờ nước rút mới về nhà được.
Em Nguyễn Thị Mai (học sinh lớp 6A) tâm sự: “Mua mưa đi học sợ lắm, nhưng ở nhà không được học chữ thì buồn lắm nên bọn cháu ai cũng muốn đến lớp hết. Những ngày mưa to quá, trường cho nghỉ học cứ mong nước cạn để được lại được đến lớp thôi cô ạ”.
Chuyện của thầy
Khi chúng tôi đến thăm trường THCS Nguyễn Hoa (Anh Lĩnh, Tuy An, Phú Yên), thầy Xuân (giáo viên dạy lý) đang ăn vội bữa cơm trưa cho kịp vào tiết dạy buổi chiều, thầy cười nói: “Bà xã mình phải dậy tự sớm để nấu đấy, bà cũng cẩn thận, gói gém kỹ nên trưa rồi vẫn cơm vẫn còn ấm, ăn cũng không đến nỗi”.
Trường THCS Nguyễn Hoa có 22 thầy cô giáo, số ít là “người nhà” còn lại là thuộc các xã khác, có thầy ở tận An Hòa, An Mỹ, An Hải cách An Lĩnh gần 30, 40 km. Mỗi ngày các thầy lặn lội “leo non” cõng cái chữ cho các em học sinh, đi đi về về cũng cả trăm cây số.
Anh Lĩnh heo hút, quán xa không có, cũng có một cái chợ thì 8, 9 giờ đã tan hết cả, các thầy cô ở lại buổi trưa không có cơm ăn nên mới “cơm đùm gạo nắm” mang lên đến tận trường như thế.
Thầy Xuân vừa tâm sự: “Trường cũng có khu nhà nội trú cho các giáo viên ở xa đấy, nhưng ở lại nhớ vợ con lắm, không chịu nổi nên ai cũng về”.
Nhà xa, không thể về nhà ăn cơm trưa, nhiều thầy giáo phải mang theo cơm đến lớp |
Trường THCS Nguyễn Hoa hiện có 2 điểm trường, cách nhau 4km, nên hàng ngày các thầy cô giáo phải như thoi chạy đi chạy lại mấy lần qua các điểm trường để dạy học. Hầu hết các thầy đều thường xuyên trong tình trạng buổi sáng dạy 2 tiết đầu ngoài điểm trường mới, 2 tiết sau lại vào điểm trường cũ, đến chiều lại chạy ra điểm trường mới.
Khi được hỏi sao không nhập học sinh lại học một điểm cho các thầy cô đỡ vất vả, thầy Nguyễn Văn Lai trả lời giản dị: “Thầy mà sướng thì học trò khổ, tập trung lại một điểm thì các em đi học xa lắm, thôi thì các thầy cô ráng chịu cực thay học sinh vậy”.
Thương học trò, thấu hiểu với cái vất vả của các em nên thầy cô cũng bao dung với học sinh hơn.
Thầy Xuân tâm sự: “Nhiều khi biết học trò học kém, đến lớp nằm lăn ra ngủ mình cũng không mắng được, các em vượt từng đó km đường núi rừng là mệt nhoài rồi, sức đâu mà học nữa. Chỉ mong học trò đến lớp đầy đủ là mừng lắm rồi”.
Mùa mưa lũ, học trò không qua suối được, các thầy phải xắn quần cõng từng em đưa qua. Học trò lớp 7, lớp 8 cũng không nặng lắm nhưng nước lớn đến thắt lưng, lại chảy xiết khiến có lúc người thầy cũng muốn trôi theo. Ngón chân bíu chặt những hòn sỏi dưới lòng suối, các thầy dò dẫm từng bước mà lòng cứ thắc thỏm lo chuyện không may...
Giữa núi non trùng điệp, để gieo được cái chữ lên mầm, ngoài tri thức các thầy cô còn mang trong mình rất nhiều tâm huyết. Tình trạng học sinh bỏ học ở An Lĩnh trong thời gian qua đã giảm bớt chính là một phần nhờ công sức của các thầy cô giáo. Sợ các em nghỉ học, mất cái chữ sau này sẽ khổ, nhiều thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà để thuyết phục các em quay trở lại lớp.
Nguyên Khánh