Bà đang sống ở nước ngoài cùng với một người đàn ông khác, họ chưa kết hôn nhưng tôi biết mẹ tôi đang rất hạnh phúc. Tôi tạm yên lòng về mẹ, nhưng bố tôi thì khác. Càng nhiều tuổi, ông càng cô đơn, tôi rất thương bố nhưng chính tôi cũng không thể chấp nhận được tính cách của ông.
Bố tôi sống một mình trong căn nhà từng có bóng dáng của mẹ. Ông không bao giờ nhắc đến mẹ trước mặt chúng tôi, ông thậm chí còn cho rằng quyết định ra đi của mẹ tôi là dại dột, nhưng nếu một ngày bà ân hận và muốn quay lại, ông cũng không cần. Tôi biết ngày ấy sẽ không bao giờ xảy ra nên đã cố gắng giúp ông tìm đến một niềm vui mới. Mong ước của tôi cũng đã trở thành hiện thực khi ông dẫn về nhà một người phụ nữ lạ. Tôi mến cô ấy ngay từ lần gặp đầu tiên, đó là một phụ nữ có tri thức, điềm đạm và rất tốt bụng.
Mọi chuyện tưởng đã êm xuôi thì bỗng một ngày, cô gọi cho tôi, giọng đầy bức xúc: “Cô không thể chịu đựng nổi bố cháu nữa rồi”. Tôi sợ rằng cô đang vướng phải khó khăn giống như mẹ tôi ngày xưa, tất cả cũng chỉ vì tính cách gia trưởng và độc đoán của bố. Mỗi ngày bố và cô không cãi nhau đủ 3 bữa thì có lẽ họ chưa… yên tâm. Những lúc như thế, tôi luôn rơi vào tình thế khó xử, nếu tôi bênh bố thì sẽ bị mang tiếng là không thương cô. Còn nếu tôi đứng về phía cô thì y rằng sẽ bị bố mắng là “đồ vứt đi”. Tôi biết, người “châm ngòi” những vụ cãi nhau luôn là bố. Lần cãi nhau này có vẻ nghiêm trọng vì bố tôi đã phải vào bệnh viện cấp cứu.
Thấy 2 vợ chồng tôi xách cam vào thăm, bố tôi tỏ vẻ chán nản: “Đã bảo bố không muốn ăn uống gì cả mà lại”. Tôi dỗ dành: “Bố phải uống nước cam cho nhanh lại sức. Ở trong ngày ngột ngạt lắm, bố không thấy chán à?”. Bố tôi không nói gì, cách cư xử của ông có vẻ không giống mọi ngày. Biểu hiện bất thường này làm tôi thấy lo lắng. “Cô đã biết bố phải vào viện chưa ạ?”.
Bố tôi không trả lời mà chỉ vào chiếc tủ kê cạnh đầu giường, trên mặt tủ có một bọc gì đó khá kỳ lạ. Tôi mở ra xem, rất bất ngờ khi bên trong là những món quà bố từng tặng cô, có cả chiếc khăn mà bố nhờ tôi chọn cho cô. Tự nhiên lúc ấy tôi thấy thương bố vô cùng, dù chưa biết ai đúng ai sai thì ngay lúc đó, người cô đơn nhất chính là ông.
Tôi ra khỏi phòng bệnh, mở máy, bấm số của cô nhưng tất cả những gì tôi có thể nghe được là giọng nói của nhân viên tổng đài. Cô đang ở đâu trong lúc bố tôi ốm yếu và cô đơn như vậy?
Tối hôm đó chồng tôi muốn ở lại bệnh viện cùng bố nhưng ông không đồng ý, nhất định “đuổi” 2 vợ chồng tôi về. Xem ra ông cũng không mệt như tôi nghĩ. Trên đường về, tôi nói với chồng: “Chẳng hiểu lần này bố và cô giận dỗi nhau chuyện gì, nhưng có vẻ căng đấy anh ạ”. Trái ngược với tâm trạng hoang mang của tôi, anh lại vui phơi phới như thể nhà sắp có đám cưới: “Em dám cá với anh không, ngày mai mình vào viện thể nào cũng thấy cô đang ở đấy cho mà xem. Họ không giận nhau lâu được đâu”. Tạm yên tâm với dự đoán của anh, tối hôm ấy tôi vẫn ngủ ngon lành.
Hôm sau tôi đến viện mà không cầm theo bất cứ thứ gì vì cứ chắc chắn khi đến nơi sẽ được thấy cảnh cô đang ngồi đó, dỗ bố tôi ăn hết suất cơm. Nhưng không, vẫn chỉ mình bố tôi ngồi co ro trong căn phòng lạnh lẽo. Cảnh tượng đó khiến đầu óc tôi không thể tỉnh táo được nữa, chưa bao giờ tôi thấy giận cô đến thế. Tôi không mở cửa mà đứng bên ngoài để gọi cô, lần này cô đã chịu mở máy, giọng cô khá lạnh lùng: “Thục đấy à? Có chuyện gì mà con gọi cô vậy?”. Giờ này mà cô còn hỏi tôi câu đấy, tôi nén cơn giận để không làm tình hình căng thẳng hơn: “Con đang ở bệnh viện, cứ nghĩ giờ này cô cũng đang ở đây nhưng lại không thấy cô nên con hơi… ngạc nhiên thôi ạ”.
Giọng cô lúc này còn buồn hơn cả tôi, cô thở dài: “Haiz, người ta có cho cô đến đâu, người ta còn không muốn nhìn thấy mặt cô nữa kìa. Nói thật với con, cô sống đến từng này tuổi, chưa bao giờ nghĩ có ngày mình bị người chia tay rồi còn… đòi quà. Chả khác gì trẻ con, cô hết kiên nhẫn rồi Thục ạ, cô không thể thay đổi tính nết bất thường của ông ấy. Con giúp cô chăm sóc ông ấy nhé…”.
Thì ra mọi sự rắc rối vẫn là ở bố tôi. Nghe cô kể, tôi không biết nên cười hay nên khóc, bọc quà trên mặt bàn không phải cô mang trả mà là bố tôi đòi về. Tôi không quay lại phòng bệnh mà nghĩ ra một phương án khác. Tôi bấm số chồng, chưa kịp trình bày ý tưởng của mình thì chồng tôi cứ liến thoắng: “Ôi giời, anh đang định gọi em, nãy anh vào viện gặp bác sĩ điều trị trực tiếp cho bố, bác sĩ nói bố rất ổn, đáng lẽ sáng nay được ra viện rồi nhưng không hiểu sao bố cứ đòi ở lại thêm…”. Tôi ngắt lời anh: “Em biết lý do rồi, giờ em chuẩn bị về nhà, em sẽ bàn với anh kế hoạch này nhé”.
Nghe tôi kể sự tình, chồng tôi cười chảy cả nước mắt: “Giời ạ, chết mất, không ngờ tình yêu tuổi xế chiều kịch tính hơn cả tình yêu của chúng mình hồi trẻ. Chắc bố đòi ở lại bệnh viện để chờ cô đến ấy mà, hihi. Bố yêu cô thế mà còn bày đặt giận dỗi với đòi quà, chết mất, hihi”.
Cả buổi tối hôm đó, căn hộ nhỏ của chúng tôi không ngớt tiếng cười. Tôi vui vì sức khỏe của bố rất ổn, nhưng cứ nghĩ đến chuyện làm thế nào để bố “làm huề” với người yêu là lại thấy nhức đầu.