Giảm ô nhiễm trong lĩnh vực giao thông: Kế sách phải đi liền với hành động

GD&TĐ - Thời gian qua, tổng lượng bụi ở Hà Nội, TPHCM liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động. Do đó, cần những giải pháp hữu hiệu ể phát triển xanh, bền vững… 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương phát biểu.

Thay đổi ý thức giao thông

Ngày 28/10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Nữ tri thức Hà Nội và Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông nhằm chống biến đổi khi hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Hội thảo được tổ chức với mong muốn chia sẻ góc nhìn khoa học trong một số vấn đề cụ thể như: Giao thông và biến đổi khí hậu ở Việt Nam; ô nhiễm không khí do khí thải giao thông; kết nối người dân với giao thông công cộng... Từ đó, có cơ sở tham gia ý kiến tư vấn cho các cơ quan chức năng trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, có lĩnh vực giao thông để đạt được mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Tại hội thảo, một số chuyên gia, nhà khoa học cho biết, Việt Nam là một trong số quốc gia chịu sự tác động của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, hiện tổng lượng bụi ở hai đô thị lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đang liên tục tăng cao khiến chỉ số chất lượng không khí (AQI) luôn ở mức báo động.

Chính điều đó đã tác động tiêu cực đến sức khỏe của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước. Do đó, các chuyên gia đã nêu những giải pháp hữu hiệu và thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển xanh và bền vững.

TS Nguyễn Viết Chức, Chủ tịch Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long, cho rằng giải pháp tiên quyết là con người. “Người dân tham gia giao thông phải tự thay đổi ý thức, không phải cách chợ 100m cũng đi xe máy. Hãy đặt mình là người tham gia giao thông có văn hóa trong vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này là cần thiết để giảm thiểu khí thải, góp phần xây dựng cuộc sống xanh…”, TS Chức bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, đưa ra biện pháp nhằm đạt được lượng giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, kỳ vọng của ngành giao thông vận tải gồm: Hiệu quả sử dụng năng lượng (trong đó ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu mới và tiêu chuẩn phát thải mới), tăng cường yếu tố tải trọng của xe tải. Ngoài ra, phải chuyển đổi vận chuyển hành khách cá nhân sang công cộng (mở rộng hệ thống xe buýt, mở rộng hệ thống BRT, triển khai hệ thống metro).

Cũng theo bà Nguyễn Thị Phương Hiền, để giảm phát thải khí nhà kính như kỳ vọng cần chuyển đổi vận tải hàng hóa đường bộ (chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường thủy nội địa, chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang ven biển, chuyển đổi từ vận tải đường bộ sang đường sắt); thay đổi nhiên liệu (khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học E5/E10, khuyến khích sử dụng xe máy điện, khuyến khích sử dụng ô tô và xe buýt điện)…

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, cho biết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội thì tốc độ đô thị hóa nhanh, sự di dân tự do từ các tỉnh về thành phố Hà Nội là rất lớn. Vì vậy, việc xây dựng các công trình, khu chung cư... nên đối mặt những thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

Xây dựng hệ thống giao thông xanh

Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức thành viên, Sở TN&MT tổ chức các chương trình phối hợp bảo vệ môi trường. Trong đó, gắn với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ môi trường, gắn với việc thực hiện đúng Quy tắc ứng xử nơi công cộng, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch văn minh”...

Ngoài ra, hàng năm đã phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội tuyên truyền trong nhân dân tích cực tham gia sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng trong giao thông. Qua đó, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe cộng đồng...

Đồng thời, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ môi trường góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội “xanh, sạch, đẹp”.

Đáng chú ý, cũng tại hội thảo, nhằm chung tay giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống trong lành cho người dân, các chuyên gia, nhà khoa học đã nêu một số kiến nghị như: Vận động người dân tích cực tham gia giao thông công cộng.

Bên cạnh đó, đã có chính sách tăng phương tiện xanh trong các thành phố; thay đổi thói quen giao thông, hạn chế phụ thuộc phương tiện vận tải trong phạm vi gần.

Đồng thời, thành phố Hà Nội và các bộ, ngành liên quan nên hoàn thiện chính sách hỗ trợ đầu tư đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường như: Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí nén thiên nhiên (CNG); triển khai và ứng dụng công nghệ mới trong giao thông vận tải nhằm tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; có chính sách ưu đãi với các nhà vận tải hàng hóa chuyển từ đường bộ sang đường thủy và đường sắt.

Đặc biệt, người dân ủng hộ Nhà nước, thành phố trong việc giảm dần và không sử dụng xe máy trong nội thành đến năm 2030. Trước mắt, quản lý và kiểm tra chất lượng xe máy để loại các xe không bảo đảm chất lượng an toàn và vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với người dùng xe máy điện và ô tô điện; đặt mục tiêu đưa các loại hình xe điện vào sử dụng trong giai đoạn 2021 - 2025 nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, Nhà nước nên tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường, thuế bảo vệ dự phòng sức khỏe, đánh thuế các phương tiện giao thông cá nhân có động cơ gây ô nhiễm môi trường, để điều chỉnh hành vi giao thông của người sang hướng dùng phương tiện giao thông công cộng.

Song song với đó là tăng cường trồng cây xanh và % thảm cỏ, vườn hoa tạo không gian xanh, sạch, đẹp để người đi bộ có cảm hứng di chuyển gần bằng đi bộ; và để tạo nguồn hấp thụ khí phát thải carbon.

Những ý kiến, kiến nghị tại hội thảo là cơ sở để Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội, Hội Nữ tri thức Hà Nội và Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng (IRECO) tổng hợp.

Qua đó, góp ý kiến tư vấn cho đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11/2021 tại Glasgow (Anh).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ