Giảm nghèo nhờ sản xuất trà hoa hồng theo hướng hữu cơ

GD&TĐ - Mong muốn nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX Trà Hạnh Phúc đã góp phần tạo sinh kế bền vững giúp người dân địa phương thoát nghèo.

Giảm nghèo nhờ sản xuất trà hoa hồng theo hướng hữu cơ.
Giảm nghèo nhờ sản xuất trà hoa hồng theo hướng hữu cơ.

Triển vọng từ sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ

HTX trà Hạnh phúc có địa chỉ tại thôn Tổng Tàng, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn được thành lập từ năm 2020, với mục tiêu trồng và chế biến các sản phẩm từ hoa hồng, theo hướng hữu cơ. Sau hơn 3 năm thành lập, đến nay HTX đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm có giá trị và được người tiêu dùng yêu thích.

Trao đổi với báo GD&TĐ, chị Hà Thị Nhâm, Giám đốc HTX trà Hạnh phúc khẳng định: Hiện nay, chất lượng nông sản và vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đang được người tiêu dùng ngày càng quan tâm, vì vậy việc sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mở ra nhiều triển vọng.

HTX lựa chọn hướng đi làm nông nghiệp sạch với quy trình khép kín từ quá trình trồng, chăm sóc, thu hái đến chế biến sản xuất đều đảm bảo các quy chuẩn về chất lượng.

Hiện nay, HTX đang trồng hơn 3.000m2, với khoảng 1.000 cây hoa hồng, trung bình một năm cung cấp ra thị trường khoảng 80kg trà hoa hồng, 3.000 chai nước hoa hồng, 1000 chai dầu massage và 500 lít rượu hoa hồng.

Giá bán các sản phẩm ra thị trường gồm Trà hoa hồng có giá 70.000 đồng/hộp; nước hoa hồng với giá 250.000 đồng/chai và dầu massage hoa hồng 200.000 đồng/chai. Năm 2022, HTX vinh dự có sản phẩm trà hoa hồng nguyên bông sấy lạnh được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

“Việc được cấp chứng nhận sẽ góp phần nâng cao thương hiệu sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đồng thời, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân”. Giám đốc HTX trà Hạnh phúc chia sẻ thêm.

Sản phẩm trà hoa hồng của HTX trà hoa hồng Hạnh phúc.

Sản phẩm trà hoa hồng của HTX trà hoa hồng Hạnh phúc.

Tạo sinh kế bền vững cho người dân

Con đường trồng, chế biến và sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ mặc dù nhiều gian nan, vất vả, khó khăn nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân huyện miền núi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo nhờ theo đuổi mô hình kinh tế này.

Chị Hoàng Bích Thảo, xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới tham gia HTX trà Hạnh phúc từ năm 2021, công việc chủ yếu là trồng, chăm sóc và thu hoạch hoa hồng mỗi ngày. Do hoa hồng là cây trồng có thời gian thu hoạch lâu năm nên quá trình chăm sóc cũng không mất nhiều thời gian, vì làm theo hướng hữu cơ nên không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học chủ yếu làm sạch cỏ, bắt sâu bằng cách thủ công, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng bệnh hại.

Đất trồng hoa hồng cần thường xuyên được giữ ẩm trong suốt thời gian sinh trưởng. Vì vậy, hàng ngày tưới nước vào buổi sáng và chiều tối có thể dùng bình tưới trực tiếp vào gốc hoa hồng và tránh làm ướt lá.

Theo chị Thảo việc trồng và chế biến hoa hồng theo hướng hữu cơ đã đem lại nhiều lợi ích hơn so với trồng các cây khác, bởi, người dân trực tiếp tham gia trồng và chăm sóc đảm bảo về sức khỏe.

Thời điểm thu hoạch hoa, đó là khi hoa hồng nở đúng độ, phần nhụy vừa hé ra, đảm bảo độ thơm cho trà. Những bông đạt yêu cầu về hình dáng, chất lượng, kích thước, không bị sâu bệnh sẽ được thu hoạch, làm sạch bằng nước sau đó xếp ngay ngắn vào khay và sấy lạnh trong khoảng thời gian 20 giờ, sau đó sẽ đóng gói sản phẩm và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Còn đối với sản phẩm nước hoa hồng, HTX sẽ chọn những bông hoa không bị sâu bệnh, tách cánh, bỏ cuống, rửa sạch cánh hoa bằng nước lọc sau đó chưng cất. Mỗi sản phẩm do HTX đưa ra thị trường tiêu thụ đều mang một giá trị riêng, không chỉ tốt cho sức khỏe, mà còn tạo nguồn thu nhập cao hơn so với các cây trồng đơn thuần khác.

Nhờ kiên trì và tích cực theo đuổi con đường trồng, chế biến theo hướng hữu cơ đến tay thu nhập và cuộc sống của gia đình chị Thảo đã ổn định hơn, mức sống được nâng cao hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ